Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Khi hai ông lớn châu Á xích lại gần nhau

đối tác tranh chấp sự tin tưởng tầm quan trọng quan trọng phát triển giải quyết bão thế giới hợp tác gdp kinh tế nền kinh tế trung quốc toàn cầu

Song song với sự trỗi dậy của châu Á, mối quan hệ song phương giữa hai ông lớn của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ đã được cải thiện đáng kể từ cuối những năm 1980.

Khi hai ông lớn châu Á xích lại gần nhau

Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Kim ngạch thương mại hai nước chiếm khoảng 3 tỷ USD vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, đã tăng lên 80 tỷ USD, biến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ và biến Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn nhất ở Nam Á của đất nước vạn lý trường thành. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Ấn Độ chưa muốn dừng ở đó mà đặt ra mục tiêu tăng khối lượng trao đổi thương mại lên 100 tỷ USD vào năm 2015.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ, tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trong một bức thư gửi cho Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã  nhấn mạnh đến việc đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ để tạo ra một tương lai tươi sáng cho quan hệ song phương. Ông Tập còn nói thêm thế giới có đủ không gian cho cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ và cần đến sự phát triển chung của hai nước.

Một dấu hiệu cho thấy sự xích lại ngày một gần của tình bằng hữu là Trung Quốc và Ấn Độ đã thông báo nối lại các cuộc tập trận quân sự chung vào hôm kết thúc cuộc đối thoại quốc phòng hồi giữa tháng 1 vừa qua. Phát biểu trước sự kiện này, nhà lãnh đạo của đảng đối lập trong Quốc hội Ấn Độ, ông Sushma Swaraj, cho biết các thế hệ tương lai sẽ được đảm bảo về hòa bình và thịnh vượng.

Thực sự là giới kinh doanh Ấn Độ đang ngây ngất trước sự phát triển không ngừng của mối quan hệ thương mại Trung - Ấn. Người dân Ấn Độ được hưởng lợi từ khối lượng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập nước này. Cùng với nhau, Trung Quốc và Ấn Độ, vốn được coi là công xưởng và trung tâm dịch vụ thế giới, đang giúp kinh tế toàn cầu tiến bước trong thế kỷ này. Khối lượng hoạt động kinh doanh phản ánh những nguyên tắc chỉ đạo chung của hai nước là tìm mọi cách tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF ước tính, tổng GDP của Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ vào năm 2017. Và vào giữa thế kỷ này, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu tính gộp cả hai, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có tổng mức GDP đạt khoảng 10 nghìn tỷ USD và dự kiến sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn thế giới vào năm 2015.

Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, nhập khẩu khoảng 5,5 triệu thùng mỗi ngày, trong khi Ấn Độ đứng thứ 4 với 2,3 triệu thùng/ngày. Phần lớn dầu nhập khẩu của họ bắt nguồn từ vịnh Ba Tư và châu Phi. Chính vì vậy, là những cường quốc kinh tế, cả hai cần phải hợp tác với nhau trong việc bảo đảm an ninh cho các tuyến đường biển.

Trung Quốc và Ấn Độ đều là những cái nôi văn minh cổ đại, nổi tiếng vì những đóng góp to lớn đối vớái kho tàng tri thức của nhân loại. Lịch sử hai nước chưa từng chứng kiến một thời kỳ thực dân đô hộ lẫn nhau nào. Vậy nên, trong môi trường chiến lược mới của một thế giới toàn cầu hóa, hai nước đang sẵn sàng để đẩy hợp tác của mình lên một tầm cao mới.

Mặc dù vậy, giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tồn tại một số tranh chấp cần phải được giải quyết và xoa dịu một cách cẩn trọng. Cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi năm 1962 là một sai lầm sau hàng thế kỷ tồn tại hòa bình, để lại phía sau một di sản không mấy dễ chịu về tranh chấp biên giới từ Arunachal Pradesh ở phía đông  cho tới Kashmir ở phía tây. Rồi những khác biệt quan điểm đối với Tây Tạng hay những dòng sông bắt nguồn từ đó cũng như cách ứng xử của Ấn Độ với Pakistan, đồng minh quan trọng của Trung Quốc.

Ấn Độ dõi theo một cách thận trọng khi người Trung Quốc xây dựng các cảng ở Pakistan và Sri Lanka cũng như thiết lập hiện diện ở Seychelles và dọc theo bờ biển phía đông châu Phi. Ngược lại, người Trung Quốc đang tỏ ra lo ngại về động thái thăm dò dầu khí của Ấn Độ - Việt Nam ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của mình...

Tuy nhiên, những khác biệt đó đã không ngăn cản hai nước phát triển quan hệ đối tác kinh tế như là một yếu tố để giải quyết các vấn đề khó giải quyết hơn, chẳng hạn như tranh chấp biên giới giữa họ hay việc phương Tây coi mỗi nước như là đối trọng của nhau. Đất nước gấu trúc tin rằng chiến lược của Mỹ ở châu Á là để kiềm chế nước này. Người Trung Quốc có thể cảm thấy lo lắng khi đến cả những nhà phân tích Mỹ có ảnh hưởng như Robert Kaplan cũng đã công khai khuyến khích Ấn Độ "hành động như là một đối trọng đối với sức mạnh đang lên của Trung Quốc".

Điều đó lý giải tại sao ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình, ông Tập Cận Bình đã gửi một bức thư cá nhân tới Thủ tướng Manmohan Singh, thừa nhận Ấn Độ như một người đối thoại quan trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. Và sự phát triển của cả hai sẽ đóng góp vào sự phát triển hơn nữa cho thế kỷ châu Á. 

Trong quá trình theo đuổi phát triển kinh tế từ thời Đặng Tiểu Bình, mấy chục năm qua, Trung Quốc đã giúp đưa 650 triệu người dân thoát khỏi nghèo đói và đang trên con đường trở thành lãnh đạo toàn cầu. Về phía Ấn Độ cũng vậy, nước này đã giải phóng tiềm năng kinh tế của mình bằng cách tự do hóa nền kinh tế và giờ đây cũng có thể tự hào về số dân trung lưu hơn 350 triệu người của mình. Những thực tế đó càng cho thấy sự cần thiết của việc hai nước cần phải bổ sung cho nhau. Như vậy, khi hợp lại, chắc chắn Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành những đối tác mạnh có khả năng thay đổi cuộc chơi thế giới.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

bão quan trọng phát triển hợp tác nền kinh tế toàn cầu tầm quan trọng đối tác thế giới giải quyết kinh tế trung quốc gdp sự tin tưởng tranh chấp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...