Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư hướng dẫn thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện (QHTTN). Theo dự kiến, dự thảo sẽ được thông qua trong quý II-2013. QHTTN sẽ tăng cầu NĐT tổ chức trên TTCK, nhưng theo khuyến cáo của một quỹ từ Nhật Bản, để tránh rủi ro đã từng xảy ra tại Nhật Bản, vấn đề quan trọng là phải tăng tính minh bạch của hoạt động này.
Tăng cầu TTCK và các loại trái phiếu
Khi triển khai bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải thiết lập QHTTN; theo dõi, tách và hạch toán riêng doanh thu, chi phí, tài sản và nguồn vốn của QHTTN với các quỹ chủ hợp đồng khác và quỹ chủ sở hữu.
Để triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện như: vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng; biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 300 tỷ đồng.
Khi thiết lập QHTTN, doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng quỹ chủ sở hữu đóng góp vào QHTTN không thấp hơn 200 tỷ đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm phải duy trì số tiền đóng góp từ quỹ chủ sở hữu không thấp hơn 200 tỷ đồng tại QHTTN.
Trong cơ cấu danh mục đầu tư phải tuân thủ các quy định như: được gửi tiền không quá 20% giá trị tài sản đầu tư của QHTTN vào một tổ chức tín dụng thuộc nhóm 1 và 10% vào một tổ chức tín dụng thuộc nhóm 2, theo đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước; mua trái phiếu chính phủ không hạn chế, nhưng không thấp hơn 40% tổng giá trị tài sản đầu tư của QHTTN; mua trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính quyền địa phương có bảo lãnh không được vượt quá 20% giá trị tài sản đầu tư của QHTTN; mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh, góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa không quá 15% tổng giá trị tài sản đầu tư của QHTTN.
Bên cạnh đó, quỹ không được đầu tư vượt quá 5% khối lượng mỗi lần phát hành và không được vượt quá 10% giá trị tài sản đầu tư vào cổ phiếu đã phát hành của một doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, QHTTN không được đầu tư vào cổ phiếu của các CTCK.
Ngăn ngừa rủi ro bằng minh bạch
Việc cho phép QHTTN được dành một tỷ lệ đầu tư khá cao vào trái phiếu hay cổ phiếu dự báo sẽ mang lại hai lợi ích lớn cho TTCK Việt Nam. Đây cũng là điểm quan trọng trong chiến lược phát triển TTCK thời gian tới, góp phần quan trọng cải thiện cơ cấu NĐT, tạo nguồn lực cho người về hưu tham gia thị trường tài chính. Cùng với QHTTN, việc triển khai sản phẩm mới như quỹ mở, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản, sẽ có tác dụng tích cực trong việc phát triển NĐT tổ chức, tạo cầu cho TTCK. ÔngVũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN |
Năm 2012, ở Nhật Bản đã xảy ra một vụ bê bối liên quan đến quản lý gây thất thoát hơn 2 tỷ USD trong các quỹ lương hưu mà Công ty Đầu tư AIJ Investment Advisors đang nắm giữ với những hành vi không minh bạch. Cụ thể, AIJ báo cáo kết quả kinh doanh tốt, có lãi, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra 2 tỷ USD này đã "bay hơi".
Sau sự kiện này, theo ông Hiroshi Okada, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ United (Nhật Bản), những công ty có quỹ hưu trí lớn tuy không bị ảnh hưởng nhưng khoảng 100 công ty quản lý quỹ hưu trí quy mô nhỏ và vừa đã phải chịu các tác động xung quanh việc thanh, kiểm tra và gây ảnh hưởng đến hoạt động.
Từ sự kiện này, Chính phủ Nhật Bản có xu hướng xem xét gắt gao độ minh bạch các quỹ hưu trí nhỏ và vừa, cần thiết sẽ không cho hoạt động.
Từ bê bối lớn của Công ty AIJ, theo ông Hiroshi Okada, bài học lớn nhất rút ra là phải kiểm soát sao cho hoạt động của công ty quản lý quỹ phải minh bạch. Và để làm được điều đó, điểm quan trọng là quản lý các quỹ hưu trí phải được vận hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, bởi những công ty đó mới quản lý một cách minh bạch, tránh các sai sót trong hoạt động của quỹ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét