Lập trạm cân để tuyên chiến với nạn xe chở quá tải, quá khổ đồng thời phải giải quyết đồng bộ đường những vấn đề liên quan. Trong đó đặc biệt là thiết lập được tinh thần trách nhiệm, công tâm, chính xác của đội ngũ những người thực thi nhiệm vụ. Có như vậy thì mới có thể hy vọng lập lại trật tự trên lĩnh vực nóng bỏng này.
Tại cuộc họp triển khai kế hoạch phối hợp kiểm soát xử lý hành vi vi phạm quá tải, quá khổ của ôtô vận chuyển hàng hóa trên QL5 ngày 5/4 vừa qua ông Lê Đình Thọ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng các tuyến quốc lộ xuống cấp trầm trọng thời gian qua đó chính là do xe chở quá tải gây nên và kéo dài suốt nhiều năm qua.
Và với việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH bắt đầu chiến dịch bằng đợt cao điểm xử lý tình trạng này trên tuyến đường 5 khu vực Hải Phòng được coi như những động thái quyết liệt để xử lý vấn nạn này. Lực lượng liên ngành sẽ sử dụng trạm cân di động để kiểm tra xe chở quá tải đồng thời kiên quyết dỡ tải đối với những trường hợp vi phạm.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết: Vừa qua Bộ GTVT đã quyết định lập Dự án đầu tư xây dựng 11 trạm kiểm tra tải trọng xe và trang bị 67 bộ cân lưu động giai đoạn 2013 - 2015.
Câu chuyện về việc lập trạm cân để xử lý tình trạng xe quá tải, quá khổ không hề mới. Ở nhiều nước trên thế giới thì quy định này đã được thiết lập từ nhiều năm nay.
Quốc lộ 5 oằn mình trước nạn xe chở quá tải. |
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) thì từ những năm 2000 đã có hơn 140 nước tổ chức quản lý xe quá khổ, quá tải và xem đây là biện pháp đảm bảo an toàn giao thông hết sức cần thiết. Riêng tại Việt Nam trong một thời gian quá dài hàng chục năm nay, việc kiểm tra, giám sát và xử lý xe quá tải đã bị buông lỏng. Hậu quả là tại nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm, hàng trăm cây cầu cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, đến những vùng nông thôn, miền núi đã bị xe quá tải cày nát không thương tiếc. Một khoản kinh phí lớn hàng trăm nghìn tỷ đồng đã phải bỏ ra để sửa chữa, chắp vá hậu quả đường sá. Với số lượng hơn 625.000 xe tải hoạt động ngày đêm trên các tuyến đường và khi không có những biện pháp kiểm soát hiệu quả tải trọng thì hậu quả thiệt hại là vô cùng lớn.
Phát biểu với báo chí, ông Lê Đình Thọ - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải đưa ra một dẫn chứng con đường ở huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) được đầu tư 120 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã bị xe quá tải phá nát chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng...
Với việc lập đề án đầu tư xây dựng 11 trạm kiểm tra tải trọng xe và trang bị 67 bộ cân lưu động trên cả nước là điều hết sức cần thiết nếu không nói là quá muộn để lập lại trật tự trên lĩnh vực này. Tuy nhiên bên cạnh nhiều ý kiến tán đồng thì cũng có không ít những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn lo lắng. Dự án chưa được triển khai nhưng đã có không ít địa phương đánh tiếng xin đưa trạm cân về địa phương mình. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta xây dựng trạm cân để kiểm soát xe quá tải, quá khổ.
Trên thực tế từ trước đến nay đã có hơn 20 trạm cân được đặt tại các tuyến quốc lộ trọng điểm tuy nhiên việc ngăn chặn xe quá tải, quá khổ của nó không phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó thì do thiếu những biện pháp căn cơ như không kiểm soát chặt chẽ các loại xe container, siêu trường, siêu trọng ngay từ bến bãi xuất phát; công tác đăng kiểm chưa chặt chẽ; chế tài xử phạt chưa đủ độ răn đe; tình trạng thiếu địa điểm hạ tải nên lực lượng chức năng vẫn chủ yếu "phạt cho tồn tại"... đã khiến cho việc xử lý xe quá tải, quá khổ không đạt được hiệu quả.
Ngày 10/1/2013 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 95/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan phải kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm tình trạng xe ôtô chở quá khổ, quá tải trọng.
Lập trạm cân để tuyên chiến với nạn xe chở quá tải, quá khổ đồng thời phải giải quyết đồng bộ đường những vấn đề liên quan. Trong đó đặc biệt là thiết lập được tinh thần trách nhiệm, công tâm, chính xác của đội ngũ những người thực thi nhiệm vụ. Có như vậy thì mới có thể hy vọng lập lại trật tự trên lĩnh vực nóng bỏng này
0 nhận xét:
Đăng nhận xét