gia chất lượng cao âm nhạc chất lượng văn hoá hiệu quả kinh doanh
QĐND - Sau những thành công của live show âm nhạc có chất lượng, người ta có thể lạc quan về sự hồi sinh của nền âm nhạc Việt Nam. Rằng âm nhạc "tử tế" đang phục hưng và người nghe đã dần có chọn lọc.
Trong chục năm qua, không khó để nhận thấy, âm nhạc mà số đông người Việt "phải" nghe gắn với mục đích thương mại cao hơn nghệ thuật. Các cuộc thi âm nhạc "hot" được phát vào "giờ vàng" trên sóng truyền hình là những cuộc thi thu được nhiều tài trợ, nhưng không hề có tác phẩm sống trong lòng công chúng, thay vào đó là công nghệ lăng-xê, đôi khi phản cảm.
Mỹ Linh với live show "Mỹ Linh-Và em sẽ hát". Ảnh: Ngô Bá |
Nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ: "Nhiều người bảo văn hóa của chúng ta xuống cấp quá rồi. Làm sao mà xuống cấp được nữa. Thôi thì chúng ta phải leo dốc trở lại thôi". Năm 2012 có nhiều tín hiệu cho thấy là năm "leo dốc trở lại" của những chương trình âm nhạc "tử tế". Hàng loạt live show, live concert có chất lượng cao, thu hút những người nghe có trình độ thẩm mỹ, góp phần đưa nền âm nhạc đi lên. Đầu tiên phải kể đến chuỗi chương trình In the Spotlight, ở đó, giọng hát ca sĩ, dàn nhạc, phần phối khí, âm thanh được đặt lên hàng đầu và chiếm nhiều sự đầu tư. Trong thời buổi khó khăn, giá vé khá cao, nên đêm đầu tiên của In the Spotlight "Tuấn Ngọc-Riêng một góc trời", ê-kíp bán vé ngồi thở dài. Nhưng chỉ sau đúng một đêm, với phản hồi tích cực từ cư dân mạng cũng như sự đánh giá tốt của báo giới, khán giả gọi điện đặt vé tới tấp và chỉ trong một ngày, lượng vé của hai đêm còn lại đã bán hết veo. Tình trạng đó cũng lặp lại trong In the Spotlight số 2 với "Mỹ Linh-Và em sẽ hát". Tuy nhiên, cũng chỉ sau một đêm, khi khán giả được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc thực sự với hình ảnh và âm nhạc của Mỹ Linh từ 20 năm trước đến thời điểm hiện tại, thì tình trạng khán giả đổ xô đi mua vé đã lặp lại. Với chất lượng được bảo đảm như thế, "Mỹ Linh-Và em sẽ hát" cũng đã được khán giả TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đón nhận nhiệt tình. Thương hiệu In the Spotlight đã được khẳng định khi chương trình số 3 với "Trần Tiến-Như chờ từng giấc mơ" đã xảy ra hiện tượng khán giả xếp hàng mua vé ở cổng Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội. Việc "cháy vé" của chuỗi chương trình này không đơn thuần chỉ là hiệu quả kinh doanh, mà khẳng định cách làm nhạc chân chính, nghiêm túc và tâm huyết đã thuyết phục được khán giả.
NSƯT Thanh Lam-Mỹ Linh hát trong live show "Cầm tay mùa hè". Ảnh: Ngô Bá |
Khán giả hẳn chưa quên "Không gian âm nhạc" của Việt Tú, Thanh Phương; "Cầm tay mùa hè" của nhạc sĩ Quốc Trung; "Âm nhạc trên tầng cao" của Huy Tuấn, Anh Quân và ban nhạc Anh Em và mới đây là dự án "Khởi nguồn" của Quốc Trung; live show "Tùng Dương hát tình ca" hay "Những câu chuyện kể của tôi" của nhạc sĩ Dương Thụ, hòa nhạc Luala concert cùng các chương trình hòa nhạc cổ điển do "Hoàng tử" violon Bùi Công Duy và MC Anh Tuấn thực hiện... Đó thực sự là những điểm sáng đầy màu sắc trong bức tranh âm nhạc và thị trường biểu diễn với những ca khúc nổi tiếng, có đời sống lâu năm, giai điệu đẹp, ca từ hay...
NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ Trần Thu Hà cùng hát trong live show "Trần Tiến-Như chờ từng giấc mơ". Ảnh: Ngô Bá |
Thế mới hay, khán giả rất công bằng. Nếu có những chương trình nghệ thuật được làm bằng tài năng, tâm huyết, công phu thì không sợ thiếu khán giả. Những giá trị đích thực vẫn luôn tồn tại và có sức sống trong lòng công chúng, được ủng hộ. Và như thế, chẳng phải lo rằng văn hóa âm nhạc Việt Nam không đi lên.
HỒNG HÀ
văn hoá gia chất lượng cao hiệu quả kinh doanh chất lượng âm nhạc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét