văn hoá gia đình gia bão người dân
(GD&TĐ) - "Làng Quan họ quê tôi, tháng Giêng mùa hát hội, những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao quanh..." những câu hát, giai điệu quan họ đằm thắm, thiết tha của người dân vùng quê Kinh Bắc như thay cho lời gọi du khách gần xa mỗi độ xuân về.
Mặc dù đã được nghe về những giai điệu quan họ qua các phương tiện thông tin và băng đĩa nhạc, nhưng trong ngày đầu xuân được đặt chân đến các làng quan họ cổ nằm bên bờ bắc sông Cầu của huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang khiến chúng tôi phải sững sờ đam mê bởi còn đó sự vẹn nguyên của những giai điệu Quan họ ngọt ngào. Vừa tới sân đình đã nghe xốn xang lời chào hỏi bằng làn điệu "mời nước, mời trầu" cổ cất lên thật tự nhiên, mở đầu một canh quan họ: "Khách đến (í) chơi (ư hừ) nhà, là chơi (ư hừ) nhà...".
Các "Liền anh", "Liền chị" cho biết: Đến nay chẳng ai có thể biết chính xác quan họ có từ bao giờ, chỉ biết những làn điệu Quan họ đã thấm vào người dân nơi đây đời này qua đời khác và coi Quan họ như là một lẽ sống không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Người dân nơi đây ví niềm say mê Quan họ như say trầu, say thuốc. Chỉ cần nghe lời ca là những người thưởng thức có thể tưởng tượng ra khung cảnh bình dị của làng quê, hình dung ra cảnh những "Anh hai", "Chị hai" lúng liếng đôi mắt hát giao duyên.
Họ bảo: Hát Quan họ truyền thống, một canh hát thường được bắt đầu bằng câu hát bỉ (gợi ra một chủ đề ), sau đó đến hát giọng vặt, nghĩa là hát đối đáp. Nếu bên nào không đối lại được thì sẽ ra lời xin hẹn lại lần sau. Chơi quan họ truyền thống có những nguyên tắc riêng phù hợp từng bối cảnh (hát lễ thờ, hát cầu mưa, giải hạn, hát mừng...), hình thức (hát hội, hát canh). Quan họ có tục kết chạ vẫn giữ đến ngày nay. Các làng kết chạ anh, chạ em, vào dịp lễ, hội thường mời nhau hát tới thâu đêm. Hết một canh hát tới khi phải xuôi về vẫn còn luyến lưu bởi cái tình không trao được hết, vì "cái duyên là duyên lỡ số...", đã kết chạ thì không được lấy nhau.
Nét đặc sắc của quan họ là hát mà như tâm tình, như trải nỗi niềm riêng, trải cái tình không quản mưa nắng, xa xôi để tìm nhau, để giãi bày những điều chưa tỏ cho đến khi "Nguyệt gác mái đình" vẫn rùng rằng "Người ở đừng về", chưa muốn hát câu Giã bạn.
Ngôn ngữ Quan họ cũng là ngôn ngữ giàu chất thi vị, chắt lọc từ ca dao tục ngữ, từ truyện nôm, giàu tính hình tượng, giàu biểu cảm. Ngôn ngữ ấy cũng hấp thụ cả tinh hoa của những thơ ca bác học... Trái ngược hẳn với quan niệm hôn nhân khắt khe của lễ giáo phong kiến trong ca từ, nội dung lời ca Quan họ là mơ ước khát khao về hạnh phúc tình yêu của trai thanh gái lịch thật khỏe khoắn đắm say. Họ đến với nhau bằng tấm lòng trân trọng, nhưng giàu hồn nhiên. Lời hát thắm thía, nồng nàn: Người Quan họ càng mơ ước hòa hợp, gắn bó, thủy chung bao nhiêu thì lời hát giã bạn càng quyến luyến, nuối tiếc, níu kéo lòng người lại bấy nhiêu. Chính tiếng nói thiết tha, đầy trao gửi xe kết trong hệ thống lời ca đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho các làn điệu dân ca Quan họ.
Có lẽ vì thế mà những ngày xuân đi tới đâu ở miền đất này cũng văng vẳng những câu "Giã bạn", "Mời trầu", "Trao duyên"... da diết, níu kéo, mời gọi.
Được biết trong số 49 làng quan họ ở hai bên bờ sông Cầu, thuộc địa phận hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, được UNESCO công nhận không gian văn hóa quan họ, thôn Hữu Nghi, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên nằm bên triền bắc nổi tiếng vì vẫn giữ được gần như nguyên vẹn lề lối quan họ cổ, chúng tôi tìm đến nhà "Liền chị" Nguyễn Thị Đậu, 101 tuổi và thật ngạc nhiên bởi lần đầu được thưởng thức Quan họ theo lối cổ truyền. Trong không gian làng quê có con sông lơ thơ nước chảy, qua giọng mộc của những "Liền chị" cao niên, khiến chúng tôi có những xúc cảm khó diễn tả bằng lời, bởi sự tự hào, trân trọng vốn xưa. Ở đây những "Liền chị" không chỉ thuộc những bài hát, làn điệu cổ mà còn biết cách truyền dạy làm ăn sâu trong tâm thức và nếp sinh hoạt của người làng.
Anh Nguyễn Văn Lập - Trưởng thôn Sen Hồ, một liền anh quan họ, luôn tự hào về di sản văn hóa của quê hương cho biết: Anh sinh ra trong cái nôi quan họ, lớn lên từ những làn điệu La rằng, Cái hội cái a... anh không thể nghĩ một ngày nào đó, làng quê mình lại thiếu đi những thanh âm quen thuộc ấy. Hằng ngày, sau khi ngơi việc gia đình, thôn xóm, anh lại cùng mọi người quây quần trong đình để luyện lại những bài đã thuộc, học thêm những làn điệu cổ, dạy cho những người trẻ trong làng, truyền cho họ sự say mê, niềm tự hào để thả hồn vào từng câu hát. Hiện làng Sen Hồ có hai đội hát quan họ, một đội "nhí" gồm các cháu tuổi từ 5 đến 12, từng tham gia giao lưu, biểu diễn ở nhiều nơi và trong các hội thi hát quan họ; có những chị hai đã ở ngưỡng "cửu thập" như bà Nguyễn Thị Gái, giọng vẫn còn rền. Không ít gia đình có ba, bốn thế hệ cùng hát quan họ, như gia đình anh Hai Hội.
Giờ đây hát Quan họ đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân của những làng Quan họ bên bờ sông Cầu. Đến nay làng nào cũng có câu lạc bộ hát Quan họ, có câu lạc bộ hoạt động đã hơn 20 năm với sự tham gia tới hơn 60 thành viên và đủ cả ba thế hệ, trong đó Trưởng thôn và Bí thư chi bộ thôn cũng đều là thành viên tích cực của câu lạc bộ.
Đều đặn hàng tuần, các thành viên câu lạc bộ của các làng quan họ gác lại sự vất vả công việc đồng áng, để được nghe truyền dạy lời hát mới sưu tầm và hát cho nhau nghe. Nhất là vào các ngày hội làng, những dịp lễ, Tết, những liền anh, liền chị lại thướt tha với áo the khăn xếp, vạt áo tứ thân chẳng sân khấu, vẫn lúng liếng trao nhau câu hát giao duyên, những làn điệu "í a", "hội hư", những canh quan họ cứ giản dị thế mà dùng dằng tới sáng.
Minh Tư & Hải Hà
người dân văn hoá gia đình bão gia
0 nhận xét:
Đăng nhận xét