giải quyết
QĐND - Quê mình nghèo. Cái nghèo là cha của cái đói và cháu của nó là chứng thèm ăn. Những bữa ăn thiếu chất chỉ có thể cầm cự cho cái bao tử của thằng trai mới lớn chừng được vài giờ, còn sau đó là những cơn... quay quắt một nỗi niềm nào đó, không ngoài chén cơm nguội hoặc một khúc mía, sang hơn là bánh tráng chập hay miếng bánh đúc chấm chén mắm cái dằm ớt trái cay xè. Mình có đọc nhiều tản văn của cụ Vũ Bằng, cụ Nguyễn Tuân, Thạch Lam..., ngẫm nghĩ mãi sao các cụ ngày ấy khảnh thế, ăn uống phải kén chọn cầu kỳ. Mình chỉ cần no...
Không biết có phải do tập trung vào giải quyết khâu no trước hay không, mà phần lớn những thức ăn vặt quê mình, hồi xưa gọi là ăn nửa buổi, thường thô mộc, quê kệch đến rưng rưng. Món mì Quảng khó có thể sánh với phở về độ tinh tế, bánh bèo Quảng cũng khó sánh với bánh bèo Huế về độ thanh tao. Những món ăn chắt mót từ hạt lúa, củ khoai ở một miền cát cháy thuần nông cứ thế đến với người con Xứ Quảng như tấm lòng của người mẹ lam lũ quanh năm, bòn mót cho con những gì ngon ngọt nhất nhưng cũng chỉ có vậy, chỉ dừng lại ở chỗ giải quyết cho con qua cơn đói lòng, chưa tính đến sự tinh tươm, sự sang đẹp.
Món bánh đúc là một trong những biểu hiện rõ nhất. Thứ bánh bột gạo đỏ, ngâm kỹ rồi xay, thêm tí vôi, quấy bột chín, đổ vào một cái thau lót lá chuối, để nguội. Mẹ sẽ sàng cắt ra từng tảng, giã chén ớt, pha mắm cái, rồi nhìn đàn con xắn từng miếng chấm ăn ngon lành. Miếng bánh đúc có cái trắng hồng của gạo, cái thơm thơm của sự giao hòa giữa bột, vôi và lá chuối, đàn con ăn xuýt xoa, hít hà vì cay ớt cho đến miếng cuối cùng.
Món bánh đúc. Ảnh minh họa: Internet |
Bánh tráng chập lại là một sự sáng tạo mang tính giải quyết tình thế. Có lẽ phân vân giữa việc so sánh xem ăn bánh tráng nướng chấm mắm và bánh ướt (mì lá) chấm mắm thứ nào ngon hơn cái nào, người Quảng bèn chọn giải pháp tổng hợp là chập hai thứ vào nhau, đập dập, bẻ từng miếng mà chấm với ... mắm cái ớt, thơm (dứa) bằm, chút hành phi, gọi là bánh đập, hay bánh chập chập. Bí quyết còn nằm ở chén mắm pha vừa phải, ngọt một tí, mặn ... nhiều tí, có chút chua của dứa, để rồi cái dẻo thơm của bánh ướt, quyện với cái giòn thơm của bánh tráng nướng, đánh nhịp với cái xuýt xoa của lưỡi và sự mạnh mẽ của hàm răng mà tạo nên một khúc nhạc trữ tình lúc xế chiều hay sáng sớm tinh sương.
Bánh bèo Quảng thường đổ trong chén sành, nông lòng, nhỏ khoảng hai phần ba chén ăn cơm. Nhưng từng ấy cũng đủ để nó trở thành anh chàng lực điền vai u thịt bắp bên cạnh o bánh bèo Huế mỏng manh như tà áo dài lụa tím một chiều lãng đãng mấy nhịp Trường Tiền rồi. Thêm một sự khác biệt nữa là bánh bèo Huế được khêu ra, sắp lên đĩa rồi rưới nước mắm, khách ăn dùng nĩa nhỏ xiên lên để ăn, bánh bèo Quảng để nguyên trong chén, dùng cái xêu (làm bằng tre, vót dẹt một đầu to, một đầu nhỏ, trông giống như mái chèo), rạch hoa thị lên bánh, rồi xiên từng miếng chấm nước mắm pha hoặc tương ớt. Nếu bánh bèo Huế ăn như chơi, ăn trong sự nghi ngờ của cái dạ dày, thì bánh bèo Quảng có thể ăn no.
Một trong những món thích thú của mình ngày xưa là đậu hũ, ngoài Huế gọi đơn giản là đậu, Hà Nội gọi theo kiểu Tàu là tào phớ. Khoảng năm 1979, cứ khoảng đầu giờ chiều, văng vẳng ngoài đường có tiếng rao: "Đậu không?". Chà, tiếng rao cũng đắng đót lòng sĩ tử hỏng thi, nhưng làm những thằng nhóc như mình nhảy chân sáo. Mà phải đợi đúng gánh của bà Năm Sang (không biết giờ bà còn sống đi bán đậu hũ không?), bà thường khoe: "Đậu hủ Năm Sang ai cũng thích"... Hạ đòn gánh xuống, một đầu là cái hũ sành tóp miệng, được bao bọc bởi một cái giỏ tre đan, giữa hũ và giỏ tre có lót miếng xốp hay trấu (để giữ cho đậu luôn nóng), đầu kia là một cái tủ nhỏ, trên úp chén, dưới là nước đường thắng, ống đựng muỗng, dưới cùng là thau nước rửa chén có thả mấy nhánh lá để đỡ tạt nước ra ngoài. Mở nắp hũ, một mùi thơm thoang thoảng của hơi đậu, khiến lỗ mũi của thằng bé hít hít, trong khi cái lưỡi của nó đã chóp chép vị ngọt của muỗng đường thắng pha gừng mà tí nữa nó sẽ dè sẻn từng giọt. Bà Năm Sang khẽ khàng dùng một cái dụng cụ đặt biệt, giống như một cái vá dẹt lét, hớt nhẹ nhàng từng váng đậu trắng ngà cho vào chén, rót một muỗng (thường là một muỗng rưỡi đối với thằng nhỏ khách quen) nước đường thắng sánh quẹo, thứ nước đường làm từ đường đen, pha thêm gừng củ giã dập. Bí quyết nằm ở chỗ nước đường này. Nhiều người thắng không tới, nước đường lỏng le, ăn nhàn nhạt. Lại có nơi bỏ đường cát trắng, thật chẳng ra làm sao. Chén đậu nóng hôi hổi, vừa ăn vừa thổi, vớt nhẹ nhàng từng muỗng, nước đường sẽ ngọt lừ cho đến tận muỗng cuối cùng, đừng có như đứa em thằng bé, cứ dăm dăm nát thành một thứ hồ, ăn nhạt hoét. Bà Năm Sang rong ruổi với gánh đậu hũ hằng ngày đủ để nuôi bầy con nghe nói tới sáu hay bảy đứa.
Những món ăn quê mùa chân chất vẫn đọng mãi trong tâm hồn thằng bé ngày xưa, nay đã vào tuổi trung niên, xa quê có mấy chục năm, đôi khi ngồi buồn nghe một tiếng chim vịt kêu chiều cũng bất chợt rưng rưng cả thời thơ ấu hiện về. Không lẽ hắn khóc...
Tạp bút củaBÙI QUỐC HUY
giải quyết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét