đầu tư chứng khoán hợp đồng chiếm dụng công ty giả mạo giấy tờ chứng khoán thiệt hại nhân viên thị trường gia khách hàng tổng giám đốc tài sản lừa đảo môi giới thua lỗ cổ phiếu thị trường chứng khoán bồi thường thiệt hại
15/02/2013 - 20:45 | 0 thảo luận TTCK đã trải qua hơn 12 năm hoạt động, có thể thấy rõ nét năm 2012 là năm mà nhiều vụ lừa đảo được phanh phui, từ làm giá chứng khoán, lập hồ sơ khống ủy thác đầu tư, lừa gạt ...
Chúng ta cùng nhau điểm lại những "chiêu trò" lừa đảo thực tế trên TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây nhằm cảnh giác và tránh được những mất mát không đáng có.
Cảnh giác chiêu lừa trên TTCK |
Làm giá chứng khoán
Vụ việc xảy ra vào tháng 9/2010, khi mà giá chứng khoán DHT đột ngột giảm từ 101,000 đồng/cp xuống 60,000 đồng/cp nhưng hoạt động kinh doanh lại không có thay đổi đáng kể. Ban điều hành DHT cho rằng sự việc phát sinh do nhóm người liên quan ông Lê Văn Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của DVD) đã dùng thủ thuật làm giá, gây tổn hại đến công ty. Và đến cuối tháng 11/2010, ông Dũng bị tạm giam với tội danh thao túng thị trường chứng khoán. Đây là lần đầu tiên pháp luật ra tay trong một vụ làm giá chứng khoán.
Phương thức làm giá chứng khoán của ông Dũng là thông qua nhóm gồm nhiều tài khoản lập ở nhiều công ty chứng khoán. Ông Dũng thực hiện mua đi, bán lại cổ phiếu DHT với số lượng lớn, chiếm tỷ trọng cao so với khối lượng giao dịch toàn thị trường trong nhiều lần, những giao dịch này được thực hiện chéo giữa các tài khoản tạo cung và cầu ảo trên thị trường.
Để thực hiện được hành vi trên ông Dũng cần sự tiếp tay của các nhân viên môi giới, vào giữa năm 2011 một trường hợp bị cơ quan công an khởi tố là nhân viên môi giới Lê Minh Tuyền thuộc CTCK Sài Gòn Thương Tín (SBS) với nội dung tình nghi tiếp tay cho nhóm ông Dũng. Cụ thể, Tuyền đã thực hiện giao dịch mua bán, chuyển tiền mua chứng khoán cho 10 tài khoản mở tại SBS do Lê Văn Dũng chỉ định (nhưng ông Dũng không phải là chủ tài khoản cũng như không được ủy quyền).
Lập hồ sơ khống, rủi ro ủy thác đầu tư
Một số cán bộ lãnh đạo và nhân viên CTCK Tràng An (TAS) đã tạo hồ sơ và xác nhận khống tiền bán chứng khoán gây thiệt hại cho BIDV chi nhánh Hai Bà Trưng với thủ đoạn là thông qua người thân, đăng ký 9 tài khoản tại TAS và tiến hành ký khống hợp đồng cấp hạn mức cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán với 40.95 tỷ đồng.
9 tài khoản này tuy không có tiền bán chứng khoán đã khớp lệnh (chờ thanh toán) nhưng vẫn được xác nhận khống giấy đề nghị kiêm hợp đồng vay ứng trước tiền bán chứng khoán từng lần và hợp thức hồ sơ vay vốn để rút tiền tại BIDV chi nhánh Hai Bà Trưng.
Liên quan đến việc lập hồ sơ khống, CTCP Tài chính Điện Lực (EVNFinance) cũng thiệt hại số tiền 56 tỷ đồng từ việc ký các hợp đồng hợp tác cho ứng trước tiền để thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh với tài sản đảm bảo là cổ phiếu niêm yết được cầm cố. Ở trường hợp này, TAS cũng làm hồ sơ khống về cổ phiếu niêm yết để các đối tượng ký hợp đồng với EVNFinance được vay tiền, khi họ thua lỗ thì EVNFinance cũng không có cổ phiếu để thu hồi.
Habubank (nay đã sáp nhập vào SHB) cũng rơi vào tình trạng tương tự khi ủy thác cho nhà đầu tư vốn để đầu tư kinh doanh cổ phiếu, với lãi suất 20%/năm và được đảm bảo bằng việc cầm cố cổ phiếu niêm yết. Trong đó, TAS đóng vai trò quản lý tài sản cầm cố và nhận ủy thác đầu tư. Nhưng trên thực tế, người cầm cố là các nhà đầu tư chứng khoán có tài khoản giao dịch tại TAS và họ không hề tham gia ký các thỏa thuận, chính ban giám đốc và nhân viên TAS đã giả mạo chữ ký. Đến khi hết thời gian ủy thác đầu tư thua lỗ, Habubank buộc TAS phải bồi thường thiệt hại tổng cộng hơn 21 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, công ty còn tiến hành bán trộm chứng khoán trong tài khoản khách hàng và không có sự tách bạch giữa tài khoản khách hàng và tài khoản công ty để dễ bề chiếm dụng tiền nhà đầu tư vào mục đích riêng.
Mới đây những nhân vật chủ chốt trong công ty đồng thời bị khởi tố và bắt giam là Lê Hồ Khôi, Tổng Giám đốc, Trịnh Văn Toàn - Phó TGĐ, Lê Quang Hưng - Kế toán viên và Nguyễn Thị Lan - Kế toán trưởng.
Giả mạo chữ ký, chiếm đoạt tài sản
Với thủ thuật giả mạo chữ ký, lừa đảo nhà đầu tư, một công ty chứng khoán khác bị phanh phui trên mặt báo là CTCK Trường Sơn (TSS). Nhà đầu tư Trần Thị Vượng tố cáo nhân viên TSS có hành vi lập hợp đồng hợp tác hỗ trợ vốn giả mạo, phong tỏa tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trái phép và lừa đảo khoản tiền hơn 4 tỷ đồng.
Cụ thể, bà Vượng bị phong tỏa tài khoản vì khoản lỗ 1.9 tỷ đồng phát sinh trên tài khoản mang tên Khúc Xuyền (chồng bà), dù bà khẳng định không giao dịch trên tài khoản này, đồng thời chỉ ra một số thông tin trong các hợp đồng không đúng sự thật và có dấu hiệu giả mạo giấy tờ. Phía nhân viên TSS, bà Bùi Thị Duyên thừa nhận bà Vượng có ủy quyền bằng miệng giao dịch chứng khoán tài khoản mang tên Khúc Xuyền với điều kiện lãi chia đôi và không được để thua lỗ quá 200 triệu đồng đồng thời trong biên bản cuộc làm việc, bà Duyên đã nhận trách nhiệm với khoản lỗ trên.
Ngoài ra, bà Vượng còn cho biết bà phát hiện tiền trong tài khoản tự nhiên bị mất, mỗi lần mất khoảng vài chục triệu, cũng có lần bị mất nhưng sau đó được trả lại.
Vay và "xù" nợ
Bên cạnh đó, một vụ việc khác liên quan TSS là nhà đầu tư Phan Quang Dũng phản ánh ông cùng TSS ký 2 hợp đồng môi giới trái phiếu Chính phủ và cổ phiếu, tổng trị giá 4.17 tỷ đồng.
Hai bên thỏa thuận, nếu TSS không tìm được trái phiếu theo yêu cầu ông thì phải trả tiền và lãi vay 19% nhưng TSS nhiều lần hứa hẹn, cam kết trả nợ song đều không thực hiện cho đến nay.
Cẩn trọng bị chiếm dụng tiền và chứng khoán trong tài khoản
Ông Nguyễn Thế Nhân tố cáo nghiệp vụ bán khống và chiếm dụng tiền của khách hàng tại Chứng khoán H.S.C (HCM). Anh Nhân được ông Nguyễn Viết Xuân - Trưởng phòng môi giới giới thiệu dịch vụ bán khống (T+0) giành cho khách VIP, không ký hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng, chứng khoán cho vay được lấy từ kho hàng của công ty.
Anh Nhân phải nộp một khoản tiền cọc bằng 30-40% giá trị lô hàng và trả phí vay 1.5%/tuần hay 3%/tháng để vay chứng khoán. Bên cho vay chứng khoán sẽ thực hiện mua và bán chứng khoán khi anh Nhân có yêu cầu. Tuy nhiên, anh Nhân cho biết rằng khi thực hiện bán chứng khoán với giá cao, bên này đã rút tiền khỏi tài khoản và khi anh đề nghị mua thì lại không mua mà đưa ra sao kê giao dịch giả.
Theo như kết quả theo dõi, giám sát, kiểm tra của UBCKNN thì hai nhân viên, ông Nguyễn Viết Xuân và bà Phạm Thị Sương, thực ra đã lấy chứng khoán trên tài khoản của một khách hàng khác để cho anh Nhân vay. Với những thủ thuật như trên, hai nhân viên môi giới này đã lừa của anh Nhân số tiền trên 1 tỷ đồng.
Một trưởng phòng môi giới khác - ông Phan Thiên Hậu của Chứng khoán Viễn Đông - bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hậu đã cấu kết cùng ông Nguyễn Ngọc Phước (Phó TGĐ Chứng khoán Viễn Đông) để dùng nhiều tài khoản thực hiện lưu ký khống chứng khoán và bán lấy tiền. Thủ thuật là kê khống chứng khoán trong tài khoản, sau đó thực hiện lệnh bán (khống), đồng thời sử dụng nghiệp vụ "ứng trước tiền bán chứng khoán" để lấy tiền mua bù lại số cổ phiếu đã bán. Cùng một chiêu thức này, Hậu đã thực hiện bán khống và mua bù hàng loạt cổ phiếu khác để trục lợi như EIB, PMC, DIG, PNJ, SSI để trục lợi.
Ngoài những vụ đình đám như trên, nhiều công ty chứng khoán khác cũng lộ những sai phạm như CTCK Đại Nam cho khách hàng vay chứng khoán để bán khi không được phép, GBS bị nhiều khách hàng phản ánh tự động rút tiền trong tài khoản, SME đột ngột mất tính thanh khoản và biến mất khỏi thị trường khiến nhiều nhà đầu tư không biết đi đâu để tìm lại tiền và chứng khoán trên tài khoản tại công ty, SBS cũng bất ngờ công bố lỗ trong nhiều quý liền, lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu dẫn đến giá rớt thê thảm chỉ còn vài nghìn đồng và đối diện nguy cơ hủy niêm yết, gây thiệt hại lớn cho khá nhiều nhà đầu tư.
Mỹ Hà (Vietstock)
ffn
chứng khoán giả mạo giấy tờ tài sản tổng giám đốc đầu tư chứng khoán thị trường gia công ty thị trường chứng khoán chiếm dụng lừa đảo hợp đồng nhân viên khách hàng môi giới cổ phiếu thua lỗ bồi thường thiệt hại thiệt hại
0 nhận xét:
Đăng nhận xét