tổng thư ký bão việt nam gia trung quốc
TS Mai Hồng (trái) với tấm bản đồ.
Một chiều cuối năm, ông tiến sĩ 75 tuổi trải lòng với những câu chuyện gia phả dòng họ hay giải mã văn bia..., nhưng với tấm bản đồ, báu vật ông lưu giữ trước khi trao cho bảo tàng lại mang đến dấu ấn đặc biệt. "Với tôi, phải chăng "hồn thiêng sông núi" cho mình may mắn được gìn giữ nó. Điều này giống như một cơ duyên vậy", ông bày tỏ.
Và cứ thế, như thể "chạm" vào mạch nguồn cảm xúc, TS Mai Hồng kể: "Ngày trước, nguồn sách, tư liệu của Viện Hán Nôm chủ yếu được sưu tầm trong dân, khắp chốn cùng quê. Vào khoảng những năm 1977-1978, là cán bộ tư liệu, hôm ấy, đen đủi thế nào mà cả gánh hàng của cụ già bán sách quen đến từ Phú Xuyên (Hà Tây cũ) chỉ có duy nhất tấm bản đồ". Thấy bản đồ còn nguyên vẹn, ông cán bộ quyết giấu vợ hơn tháng lương để mua bằng được, chỉ mong muốn làm phong phú kho tư liệu của riêng mình. Nếu để dành, khoản tiền ấy nhẽ ra có thể mua được cả gánh sách. Cũng từ bấy đến nay, ông cẩn thận cất tấm bản đồ, thi thoảng mang ra lau chùi nhẹ nhàng rồi lại đặt nghiêm ngắn một góc kín trong nhà.
Hơn ba mươi năm qua, bản đồ in mầu do NXB Thượng Hải (Trung Quốc) xuất bản năm 1904 cũng chỉ là tư liệu bìa cứng, lạ mắt nếu không được chủ nhân của nó dành thời gian "khám phá" nội dung bên trong. Như có động lực hối thúc ông tìm hiểu về nó, "đến lúc phải giải mã bản đồ", ông dứt khoát. Chỉ gần hai tháng trước khi hiến tặng bảo tàng vào tháng 8 năm vừa qua, TS Mai Hồng mới bắt đầu nghiên cứu, dịch bài dẫn và ghi chú bằng chữ Hán trên bản đồ. Thời gian "giải mã" nội dung in trên bản đồ tuy ngắn ngủi nhưng khoảng 500 chữ Hán cũng giải thích rõ ràng xuất xứ, khẳng định đây là công trình kỳ công, được triều đình trung ương Trung Quốc khi đó lập với khối tư liệu đồ sộ. Ông dẫn giải lời của nhà thiên văn Sái Thượng Chất, người viết bài kệ cho bản đồ, rằng các đời vua nhà Thanh nhiều lần cử người đi đo đạc, thu thập tài liệu bổ sung, chỉnh sửa, với sự tham gia của các giáo sĩ phương Tây giỏi thiên văn, toán pháp...
TS Mai Hồng chia sẻ: "Lời dẫn mang đến những bất ngờ về nội dung thông tin và giá trị pháp lý của bản đồ. Ngay cả nhiều người nghiên cứu lâu năm cũng hiếm khi tiếp cận được bản đồ có lời dẫn chi tiết như thế. Một lần nữa, chả khác nào cơ duyên đến với mình sao". Ông lại nhắc đến "cơ duyên" vẻ tâm đắc, coi đó là sự may mắn mà nghề nghiên cứu vốn thầm lặng nhưng không buồn chán mang lại. Nói về chứng cứ lịch sử này, ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng nhấn mạnh, tấm bản đồ hơn trăm năm này không chỉ mang đến những thông tin lịch sử giá trị mà tự bản thân nó nói lên một thông điệp rằng, từ năm 1904, trong nhận thức của người Trung Quốc, cực nam đất nước của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Đồng nghĩa, đây là một bằng chứng tư liệu do chính Trung Quốc xuất bản khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Việt Nam có nhiều tư liệu lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Rõ ràng, trong số khá nhiều bản đồ do các nước phương Tây và Trung Quốc vẽ, điều đáng chú ý, "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" được vẽ theo kỹ thuật tiên tiến, có ghi rõ tọa độ, phù hợp với ngôn ngữ bản đồ hiện đại ngày nay. Tấm bản đồ cổ được trưng bày trong vòng bốn tháng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hàng nghìn lượt người thuộc nhiều thế hệ, đến từ khắp mọi miền đất nước có cơ hội chiêm ngưỡng và tận mắt chứng kiến sức lan tỏa có ý nghĩa của tư liệu giá trị này trong cuộc sống hôm nay.
Hiện đảm nhiệm vai trò Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, TS Mai Hồng bận rộn với những dự án còn dang dở, tiếp tục cho kế hoạch năm mới, đồng hành với những cuộc nghiên cứu, dịch gia phả, những vốn cổ còn chưa được khai thác nhiều trong nhân dân. "Việc nghiên cứu, dịch gia phả của các bậc tiền nhân phải chắc chắn, cẩn trọng và khách quan", "ông bản đồ" hôm nay luôn dạy học trò như thế. Trăn trở với thực tế ngày càng ít người trẻ quan tâm, yêu thích Hán Nôm, nhất là Hán cổ, ông sẵn sàng dành một phần đất vườn nhà làm nơi thành lập Trung tâm nghiên cứu phả học Việt Nam để thu hút những người cùng tâm huyết.
tổng thư ký trung quốc gia việt nam bão
0 nhận xét:
Đăng nhận xét