gia công nghệ thông tin chiến tranh chuyên gia máy tính quốc phòng công ty thông tin bảo mật thông tin bão trung quốc kế hoạch chiến dịch xây dựng
QĐND - Những cáo buộc qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua dù tính xác thực chưa được kiểm chứng nhưng chúng chính là dấu hiệu mới về một hình thức chiến tranh đang hiện hình rõ nét - chiến tranh mạng...
Khơi mào cuộc chiến
Công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ vừa công bố báo cáo dài 74 trang, trong đó cho rằng một nhóm tin tặc có quan hệ với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc là thủ phạm tấn công, đánh cắp các dữ liệu trong hệ thống máy tính của 141 công ty và 20 tổ chức trên toàn thế giới trong vòng 7 năm qua. Mandiant còn đưa ra thông tin cụ thể rằng, các cuộc tấn công bắt nguồn từ 4 máy chủ lớn đặt tại một tòa nhà ở Thượng Hải, địa điểm được cho là nơi đóng quân của đơn vị quân đội đặc biệt mang số hiệu 61398.
Bắc Kinh đã lập tức bác bỏ cáo buộc này khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh ngày 20-2 tuyên bố lực lượng vũ trang nước này chưa bao giờ hậu thuẫn các vụ tấn công tin tặc, đồng thời chỉ trích báo cáo của công ty an ninh mạng Mandiant Corp của Mỹ là vô căn cứ cả về thực tế lẫn cơ sở pháp lý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng lên tiếng bác bỏ thông tin của Mandiant và nhấn mạnh rằng, Trung Quốc cũng phải đối mặt với các mối đe dọa từ tin tặc và là một trong những nạn nhân chính của các hacker, trong đó các địa chỉ IP xuất phát từ Mỹ chiếm vị trí số 1.
Thực ra, việc Mỹ bị tố cáo tiến hành một cuộc tấn công mạng nhằm vào nước khác không phải là điều gì mới mẻ. Năm 2012, tờ New York Times đã đưa lên mặt báo việc Mỹ và I-xra-en dùng vi-rút Stuxnet tấn công, làm tê liệt hệ thống máy tính ở cơ sở hạt nhân Naztan của I-ran trong chiến dịch được đặt tên là Olympic Games. Vụ việc này được ghi nhận là cuộc tấn công mạng chính thức đầu tiên của quốc gia này nhằm vào quốc gia khác. Chiến dịch Olympic Games ra đời dưới thời Tổng thống G.Bu-sơ (G.Bush) và được thúc đẩy mạnh từ khi ông B.Ô-ba-ma lên nắm quyền. Dù Oa-sinh-tơn chưa thừa nhận nhưng nhiều chuyên gia quân sự khẳng định, Mỹ ngày càng sẵn sàng cho việc phát động một cuộc chiến tranh mạng khi trong năm 2012, Bộ Dầu mỏ I-ran lại bị tấn công bởi Flame, một loại vi-rút phức tạp.
Không riêng Mỹ và I-xra-en, tờ Washington Post cho rằng, Nga và Trung Quốc đều có khả năng phát động chiến tranh mạng. Trong khi đó, ít nhất 30 quốc gia khác đang âm thầm đổ tiền của xây dựng tiềm lực phòng thủ và tấn công trong không gian mạng. Chiến tranh mạng là mối đe dọa toàn cầu ngày một hiện hình rõ nét. Vũ khí mạng lại càng nguy hiểm đối với xã hội khi chúng rơi vào tay lực lượng khủng bố. "Vũ khí mạng là phương thức chiến tranh nguy hiểm nhất trong thế kỷ này", tờ New Zealand Herald dẫn lời ông Ơ-gen Ca-pơ-xki (Eugene Kaspersky), Chủ tịch công ty bảo mật thông tin Kaspersky Lab, có trụ sở ở Mát-xcơ-va, Nga. Khi phân tích Flame và Stuxnet theo yêu cầu của Tổ chức viễn thông quốc tế của Liên hợp quốc, các chuyên gia của Kaspersky Lab đưa ra kết luận rằng, hai loại vi-rút phức tạp này có thể biến thể ngoài ý muốn của người tạo ra chúng, phá hủy các hệ thống nối mạng toàn cầu.
Ông Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp mãn nhiệm, từng tuyên bố rằng, một cuộc tấn công mạng vào Mỹ sẽ làm nước Mỹ tê liệt. Tuy nhiên, cho đến nay Mỹ vẫn từ chối đề nghị của Nga về việc cấm phát triển vũ khí mạng. Dường như, Mỹ khá tự tin vào khả năng của mình trên chiến trường mới này.
Hoạt động tại Sở chỉ huy chiến tranh mạng thuộc Không quân Mỹ. Ảnh: US Air Force |
Kế hoạch X
Oa-sinh-tơn từ nhiều năm nay đã đưa ra giả thuyết về một vụ Trân Châu Cảng hoặc một vụ 11-9 từ không gian mạng. Ông L.Pa-nét-ta tuyên bố rằng, nước Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa của một cuộc tấn công quy mô lớn trên mạng, có thể gây ra tổn thất nặng nề về người và của.
Trong cuốn sách mang tên Chiến tranh mạng được xuất bản năm 2010, cựu cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng R.Clác (Richard Clarke) cũng đề cập tới khả năng một cuộc tấn công nhằm vào hệ thống máy tính của nước Mỹ gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, máy bay rơi, tàu đâm vào nhau do mất phương hướng, nhà máy lọc dầu nổ tung, vệ tinh bay ra khỏi quỹ đạo...
Quả thực, đây là một viễn cảnh đáng sợ hơn nhiều so với vụ khủng bố 11-9 khiến các nhà hoạch định chính sách ở Oa-sinh-tơn không ngần ngại đổ tiền vào lĩnh vực chiến tranh mạng.
Ngay trong năm 2010, Bộ tư lệnh chiến tranh mạng của Mỹ đã ra đời, dưới sự chỉ huy trực tiếp của viên tướng bốn sao Kết A-lếch-xan-đơ (Keith Alexander). Theo tờ Army Times, dưới Bộ tư lệnh chiến tranh mạng là các Sở chỉ huy chiến tranh mạng thuộc Lục quân gồm 11 nghìn binh sĩ, Không quân 17 nghìn binh sĩ, Hải quân 14 nghìn binh sĩ và Thủy quân lục chiến 700 binh sĩ.
Trong năm 2012, Bộ tư lệnh chiến tranh mạng Mỹ cũng đã triển khai một loạt vũ khí - khí tài dùng cho chiến dịch lớn, đáng chú ý là chúng bao gồm cả những hệ thống mang tính chất tấn công, tới một loạt sở chỉ huy. "Một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi khi đảm nhiệm vị trí này là làm cho các chiến dịch trong không gian mạng trở nên quen thuộc", tướng Uy-li-am Seo-tơn (William Shelton), người đứng đầu Sở chỉ huy chiến tranh mạng của Không quân Mỹ tuyên bố cuối năm 2012. Bên cạnh đó, ngân sách hơn 3 tỷ USD mỗi năm của Bộ tư lệnh chiến tranh mạng của Mỹ không những không bị giảm mà còn có xu hướng tăng trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm mạnh.
Không chỉ đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, Mỹ cũng đã bắt đầu tiến hành xây dựng một học thuyết về chiến tranh mạng. Theo tạp chí Military & Aerospace Electronics số tháng 1-2013, các chuyên gia an ninh thông tin hàng đầu của Cơ quan nghiên cứu các dự án cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) đang ngày đêm nghiên cứu nhằm thiết lập những nguyên tắc trong việc xây dựng kế hoạch tác chiến trong không gian mạng với thời gian thực trên quy mô lớn. DARPA, có trụ sở ở Ác-linh-tơn, bang Vơ-gi-ni-a, đã triển khai dự án Cơ sở của Chiến tranh mạng hay còn được biết tới với tên gọi là Kế hoạch X. Theo DARPA, Kế hoạch X sẽ nghiên cứu bản chất của chiến tranh mạng và hoạch định chiến lược "nhằm nắm bắt và duy trì ưu thế vượt trội của Mỹ trên chiến trường mạng".
Công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò trọng yếu trong mọi hoạt động của các quốc gia. Chính vì vậy, sẵn sàng ứng phó với một cuộc chiến tranh mạng sẽ ngày càng có vị trí ưu tiên trong chính sách quốc phòng của các quốc gia. Thậm chí, nếu không có những bước đi ngăn ngừa, một cuộc chạy đua vũ trang không gian mạng tốn kém và nhiều rủi ro sẽ là điều khó tránh khỏi.
ĐẶNG LÊ
chiến dịch máy tính công nghệ thông tin quốc phòng xây dựng chuyên gia chiến tranh công ty gia trung quốc thông tin bão bảo mật thông tin kế hoạch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét