Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Lao động hết cảnh "mải xuân"

giám đốc công nhân việc làm tổng giám đốc doanh nghiệp nhu cầu lao động dệt may công ty bão ổn định người lao động doanh nghiệp sản xuất

(Dân Việt) - Từ ngày 10 tháng Giêng (19.2), hầu hết các nhà máy có tới 90 - 96% số công nhân trở lại làm việc. Một tỷ lệ mà doanh nghiệp nào cũng... mừng.

Thay đổi tình hình

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, tại các doanh nghiệp da giày, dệt may, xây dựng... phần lớn là lao động di cư, tới từ các vùng quê. Vì vậy, sau nghỉ tết, rất nhiều lao động có tâm lý ở nhà chơi xuân.

"Nhiều lao động còn chơi xuân tới hết rằm tháng Giêng, thậm chí hết tháng Giêng mới đi, đẩy các doanh nghiệp vào thế bị động. Nhiều doanh nghiệp phải tính phương án tuyển gấp lao động đầu năm để thay thế". Nhưng năm nay, tình hình đã thay đổi.

Nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được tình trạng lao động nghỉ việc sau tết (ảnh chụp tại Tổng Công ty May 10 Hà Nội).

Tại Công ty Dệt may 19.5 Hà Nội, một chính sách mới để thu hút lao động trở lại làm việc đúng hẹn được đưa ra. Bà Trương Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc cho biết: "Ngoài việc trả lương đúng hạn, đóng BHXH, thưởng tết cho anh em công nhân, năm nay công ty cũng thực hiện thưởng cho lao động trung thành, lao động đã rời bỏ công ty nhưng quay lại làm việc. Mỗi lao động trung thành được thưởng 6 triệu đồng (khoản tiền này được chia đều cho 12 tháng làm việc), lao động rời bỏ công ty quay lại làm việc cũng sẽ được thưởng 3 triệu đồng chia đều cho 12 tháng làm việc".

Theo bà Phương, năm 2012 kinh tế khó khăn, công ty thiếu đơn hàng nên nhiều lúc công nhân phải nghỉ việc. Vì thế, một số lao động đã quyết định nghỉ việc trước tết, một số sau tết không quay lại. Trong khi đó, đầu năm công ty đã tiếp nhận nhiều đơn hàng nên phải quyết liệt "giữ chân" lao động. Tới giờ, số quay lại làm việc đã đạt trên 70%.

Tương tự, Công ty Dệt may Hưng Việt (Mỹ Hào, Hưng Yên) cũng cho biết, đã cam kết nâng mức lương và thưởng năm 2013 cao hơn năm 2012, người lao động đi làm đúng lịch sau tết sẽ có thưởng và cộng thêm phụ cấp, nhờ vậy 90% số lao động của doanh nghiệp đã đúng hẹn quay trở lại làm việc.

Ông Bùi Hoàng Mai - Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp - Khu chế xuất Bắc Ninh nhận định: "Thống kê ban đầu của khu công nghiệp cho thấy đã có khoảng 96% số lao động của khu công nghiệp đi làm trở lại. Riêng Công ty Samsung Bắc Ninh vẫn còn thiếu hơn 1.000 lao động chưa thấy đi làm (toàn công ty có 27.000/28.000 lao động đã đi làm). Dự kiến đến hết 25.2, Ban quản lý mới có báo cáo cụ thể về số lượng lao động tại khu công nghiệp.

Tuy nhiên, con số 96% vẫn là tỷ lệ rất đáng mừng, bởi lao động đã gắn bó hơn với công việc". Về phía lao động, nhiều người cũng bày tỏ lo ngại chơi xuân lâu thì... mất việc làm. Chị Hà Thị Yến, quê Hà Trung (Thanh Hóa) - công nhân Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) bày tỏ: "Năm 2012, nhiều bạn bè của tôi mất việc làm phải về quê. Tôi làm công nhân điện tử, lương chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, nhưng ổn định. Giờ không quay lại đúng hẹn (mùng 9 tết) thì coi như mất việc".

Ùn ùn vào Nam

Tại các tỉnh phía Nam, tình hình thiếu lao động sau tết bao giờ cũng căng thẳng, nhưng năm nay đã bắt đầu có tín hiệu khả quan khi lao động ở miền Bắc (Nam Định, Thái Bình), miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi) đã ùn ùn vào Nam. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, đến 19.2, lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hơn 90%.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp sản xuất đặc thù như gạch men, hóa chất... đã bắt đầu làm việc từ mùng 6 tết (15.2). Còn các công ty may mặc, giày da, điện tử... thì đến 18.2 mới bắt đầu trở lại làm việc.

Báo cáo nhanh của các công ty cho biết, lao động chưa trở lại làm việc đủ 100%, nhưng tất cả các bộ phận, dây chuyền tại các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường từ sáng 18.2. So với tình cảnh khốn khổ tuyển lao động sau rằm, năm nay các doanh nghiệp đã dễ thở hơn.

TP.HCM cũng đã "nhận đủ" lao động, ông Vương Phước Thiện - Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM cho biết, tới 19.2, có đến trên 97% số công nhân các đơn vị đã trở lại lao động. Có được "số đẹp" này cũng nhờ doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ người lao động trước và sau tết như: Tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn tết, đón công nhân lên công ty làm việc sau kỳ nghỉ. Nhiều công ty thưởng lao động tới làm việc đúng hẹn như Công ty May Sài Gòn thưởng 300.000 đồng/người. Ngoài ra, công ty này còn hỗ trợ công nhân 1,2 triệu đồng/tháng (trong 3 tháng) nếu giới thiệu được 1 người vào làm việc.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM:

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 2 và tháng 3, thành phố cần 45.000 lao động ổn định và 8.000 lao động thời vụ. Sự thiếu hụt lao động sau tết chỉ là cục bộ trong một số nhóm ngành sử dụng nhiều lao động như dệt - may, chế biến lương thực - thực phẩm, dịch vụ phục vụ..., đa số cần nhu cầu lao động trung cấp, sơ cấp nghề, lao động phổ thông. Trong tháng 2, dự kiến thành phố cần 15.000 lao động cho nhu cầu việc làm ổn định và khoảng 8.000 lao động thời vụ.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội:

Ngay từ đầu năm, nhu cầu tuyển dụng lao động đã tăng so với cuối năm 2012. Theo đó, nguồn "cầu" chủ yếu vẫn "nóng" với những nhóm ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, chế biến thủy hải sản, sản xuất chế biến nhựa... Thực tế, các doanh nghiệp ở miền Bắc ít gặp phải tình trạng lao động nghỉ việc sau tết vì lao động không gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển.

Minh Nguyệt - Cao Thuyên

doanh nghiệp sản xuất ổn định lao động tổng giám đốc công ty công nhân bão giám đốc dệt may việc làm doanh nghiệp nhu cầu người lao động

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...