Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Laptop "học" tablet để giành khách hàng

khách hàng máy tính bảng thiết bị khách hàng doanh nghiệp laptop gia thị trường hệ điều hành nhu cầu người tiêu dùng máy tính

ICTnews - Các hãng sản xuất máy tính cá nhân (PC) cố gắng chống chọi lại "virus" máy tính bảng (tablet) đang bào mòn doanh số, "bắt chước" một số yếu tố từ tablet để bổ sung cho laptop.

Mẫu Dell XPS 12 có khả năng chuyển đổi từ ultrabook sang tablet. Ảnh: Wired

Laptop "học" tablet để giành khách hàng

Ồ ạt giới thiệu thiết bị lai

Với việc Microsoft phát hành hệ điều hành Windows 8 hoàn toàn mới, tập trung cho cảm ứng vào tháng 10/2012 và các con chip tiêu thụ ít điện năng hơn từ Intel, các hãng PC nỗ lực thu hút sự chú ý của khách hàng thông qua những mẫu laptop siêu mỏng dùng màn hình cảm ứng, có khả năng chuyển đổi sang tablet và ngược lại.

Microsoft cũng bước ra ngoài giới hạn bán phần mềm truyền thống, lần lượt giới thiệu tablet Surface RT (hệ điều hành Windows RT) và Surface Pro (Windows 8). Surface Pro sẽ tương thích với các phần mềm thiết kế cho máy tính truyền thống có sẵn hàng thập kỉ qua. Đây chính là điểm hấp dẫn nhất đối với các khách hàng doanh nghiệp, như hãng sản xuất phần mềm SAP (Đức). Giám đốc CNTT của SAP - Oliver Bussmann - cho biết công ty dự định mua Surface Pro cho nhân viên.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Bussmann cho biết: "Mẫu máy lai cuốn hút nhiều người dùng. iPad không thay thế được laptop vì khó tạo ra nội dung. Đó là điểm Microsoft đang truy đuổi từ sau. Surface có thể lấp đầy khoảng cách này".

iPad của Apple bắt đầu "ăn" vào nhu cầu laptop trong năm 2010, một cuộc đột kích được tiếp diễn cùng với sự ra mắt của tablet giá rẻ Kindle Fire từ Amazon hay Galaxy Note nền tảng Android của Samsung.

Lần đầu tiên kể từ năm 2001, doanh số PC năm 2012 đã giảm. Nhưng năm 2013, thị trường PC có thể sẽ chứng kiến thời kì "phục hưng" cả về thiết kế và đổi mới từ các hãng sản xuất vốn trước đây chỉ để ý vào việc giảm giá thay vì đưa vào tính năng mới để lấy lòng khách hàng.

Lisa Su - Phó Chủ tịch của hãng chip AMD, đối thủ Intel - cho rằng trong quá khứ, mọi người chỉ mải mê "khoe mẽ" khi thị trường đang trong giai đoạn lớn. Tuy nhiên, khi sức tăng trưởng chậm lại, mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Những gì cần phải làm là đổi mới và tạo ra sự khác biệt.

Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2013 diễn ra hồi đầu tháng 1/2013, các thiết bị trên kệ trưng bày của Intel và nhiều hãng khác là minh chứng hùng hồn cho kế hoạch đánh vào laptop chuyển đổi.

Chủ tịch khối Bắc Mỹ Gerry Smith của hãng Lenovo tiết lộ trong kì nghỉ cuối năm 2012, công ty đã bán hết sạch "Yoga" - mẫu laptop màn hình có thể lật ngược ra sau và "ThinkPad Twist" - mẫu laptop khác có màn hình xoay.

Bản thân Intel cũng trình diễn nguyên mẫu laptop lai có tên "North Cape" với màn hình tablet gắn bằng nam châm vào bàn phím. Asus lại giới thiệu mẫu máy tính Windows 8 AIO (tất cả trong một) 18 inch có thể chuyển đổi thành tablet chạy nền tảng Google Android.

Trong khi đó, hãng nghiên cứu Gartner công bố lượng máy tính xuất xưởng năm 2012 của Lenovo và Asus - hai hãng có thiết bị được đánh giá khá tốt vài tháng gần đây - tăng lần lượt 14% và 17% so với năm 2011.

Tami Reller - Giám đốc Tài chính bộ phận Windows của Microsoft nhấn mạnh: "Số lượng thiết bị độc đáo mà các đối tác sản xuất cho Windows tăng gần gấp đôi kể từ khi Windows 8 ra mắt. Điều đó cho thấy thị trường PC đã tiếp nhận nhiều sáng tạo tới mức nào".

Ranh giới PC - tablet dần xóa nhòa

Tất nhiên, thiết bị lai với màn hình tháo rời hay xoay lật vẫn chưa chiếm thị phần đáng kể trong doanh số PC toàn cầu. Người tiêu dùng vẫn chỉ chi tiền khi nhìn thấy lợi ích của mình.

Các nỗ lực trước đây nhằm "tiếp đạn" cho thị trường PC gặt hái thành công khiêm tốn. Nhờ được Intel "đỡ lưng", nhiều hãng liên tiếp cho ra đời thế hệ laptop mới mảnh dẻ hơn nhiều với một số tính năng phổ biến trên tablet như ổ cứng thể rắn. Song, chúng có giá quá cao, thường trên 1.000 USD và do đó không ngăn cản được bước lùi của thị trường.

Windows 8 xuất hiện hồi tháng 10/2012 mang lại tính năng màn hình cảm ứng song không làm sáng được bức tranh doanh số ảm đạm mà nhiều đối tác hi vọng. Dù vậy, khi nhu cầu được "chạm, vuốt" PC lên cao, lãnh đạo hãng lại đổ lỗi cho nguồn cung linh kiện màn hình cảm ứng có hạn và đánh giá thấp nhu cầu người dùng về thiết bị cảm ứng.

Bất chấp điều này, toàn bộ hệ sinh thái PC sẽ thay đổi trong năm 2013. Chuyên gia phân tích David Daoud của hãng IDC nhận định gần một nửa laptop Windows ra mắt năm nay sẽ trang bị màn hình cảm ứng; trong số đó, phần lớn sẽ là thiết bị chuyển đổi.

Ranh giới phân biệt giữa các loại thiết bị ngày càng bị xóa nhòa, khi 1/4 thiết bị Windows 8 sắp tới là tablet có khả năng hoạt động như laptop với sự trợ giúp từ bàn phím. Tuy nhiên, người dùng có thể phải đợi tới nửa cuối năm 2013 để trông thấy loạt máy này. "Viễn cảnh hợp lí nhất cho ngành PC là tung ra sản phẩm chuyển đổi vào mùa khai trường", Daoud kết luận.

Du Lam

Theo Reuters

Nội dung đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 13 ra ngày 30/1/2013

thị trường hệ điều hành thiết bị gia máy tính laptop người tiêu dùng khách hàng nhu cầu khách hàng doanh nghiệp máy tính bảng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...