giao thông đường bộ doanh nghiệp vận tải phương tiện bão vi phạm gia quy định tai nạn giao thông giấy phép lái xe an toàn csgt người dân an toàn giao thông kiểm tra ôtô an toàn kỹ thuật tai nạn công ty giao thông công ty vận tải
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, chỉ trong 9 ngày Tết, cả nước xảy ra 390 vụ TNGT, làm chết 314 người, 387 người bị thương. Trung bình mỗi ngày có khoảng 40 người chết do TNGT, tăng 40% so với ngày thường.
Nguyên nhân số vụ tai nạn, số người chết và bị thương tăng do lưu lượng phương tiện đi lại tăng cao trong ngày Tết. Và sau kỳ nghỉ Tết, mùa lễ hội lại bắt đầu, nhiều người không khỏi lo ngại về vấn nạn tàu xe, cũng như an toàn giao thông khi lưu thông trên đường.
Vẫn có hàng trăm xe khách vi phạm luật mỗi ngày
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, chỉ trong ngày 20/2, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 11.829 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; tạm giữ 9 xe ôtô, 1.322 xe môtô. Riêng trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, tổ tuần tra kiểm soát đã lập biên bản 12 trường hợp (6 xe khách, 2 xe tải, 3 xe con, 1 môtô).
Còn trên các tuyến quốc lộ 1, 18, 19 qua địa phận các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đà Nẵng, TP HCM, lực lượng CSGT cũng đã lập biên bản tới 466 trường hợp trong đó có 335 xe khách. Trong đó: Chạy quá tốc độ quy định 207 trường hợp; đi không đúng phần đường, làn đường 25 trường hợp; chở quá số người quy định 152 trường hợp; vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện 4 trường hợp; dừng, đỗ không đúng nơi quy định 10 trường hợp; đón trả khách không đúng nơi quy định 10 trường hợp...
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Hà Nội cũng cho biết thêm: Thời điểm này, trên cả nước đang diễn ra rất nhiều lễ hội, nên việc đi lại của người dân cũng cần được đảm bảo hơn. Chính vì thế, Phòng CSGT đã tăng cường quân số xử lý vi phạm, nhất là với xe khách. Song, cứ khi nào có mặt lực lượng chức năng thì xe lưu hành khá ổn, nhưng vắng bóng là hầu như xe nào xuất bến cũng vi phạm.
Cụ thể: chỉ trong ngày 20/2, lực lượng CSGT toàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 884 trường hợp vi phạm Luật Giao thông; trong đó có 36 vi phạm là xe khách, 158 xe con, 19 xe taxi, 89 xe tải và 581 xe máy. Còn tính từ ngày 4/1 đến hết 20/2, CSGT Hà Nội đã xử lý 2.287 xe khách, phạt tới 1,6 tỷ, tạm giữ 15 phương tiện, 1.844 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe 218 xe.
Làm gì để có những chuyến xe an toàn?!
Để đảm bảo an toàn giao thông, trước tiên là phải đi đúng luật. Vấn đề này lái xe nào cũng biết, luật họ cũng thuộc hết. Thế nhưng, trên thực tế họ vẫn cố tình vi phạm khi mà nhu cầu của người dân tăng cao, khi mà kinh doanh khó khăn, chuyện tranh thủ giành khách được coi là "miếng cơm, manh áo".
Cảnh sát giao thông xử lý một tài xế xe khách vi phạm trên đường Giải Phóng. |
Và một nguyên nhân khách quan khác, là từ phía nhà quản lý, quá thờ ơ trong việc xiết chặt kỷ cương. Cụ thể, trong kỳ nghỉ Tết vừa rồi, hàng nghìn hành khách đã phải chịu cảnh nhồi nhét, chặt chém. Thế nhưng, ngoài lực lượng CSGT xử lý trên đường, khi được hỏi Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho hay từ đầu năm 2013 trên địa bàn Hà Nội, Công ty đã xử lý 28 xe khách vi phạm thể lệ vận tải trong và ngoài bến cụ thể: Tại Bến xe Mỹ Đình: Xử lý cắt 19 lốt của 13 xe do vi phạm ngoài đường đã bị Sở GTVT xử lý; tại Bến xe phía Nam: Xử lý đình tài 15 xe do vi phạm dừng đỗ đón khách sai quy định, lấy giá cao hơn giá quy định... Những con số này liệu đã phản ánh trung thực tình hình?
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội cũng thừa nhận có không ít lái xe "ẩu", nhất là trong mùa lễ hội, hay dịp lễ tết. Để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn giao thông, Hiệp hội đã có văn bản gửi tới các doanh nghiệp vận tải, nhất là xe khách, taxi, yêu cầu các đơn vị đảm bảo lái xe không được uống rượu bia trước lúc điều khiển ôtô, không được nhồi nhét khách. Đặc biệt, với các xe đi đến các điểm lễ hội, khi vào đường thôn xã, phải chú ý đến người đi xe máy, phải có quan sát cẩn thận vì nhiều người dân khi phóng xe trong đường làng rất chủ quan, sơ sểnh một chút là tai nạn có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Hữu Yên Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh tổng hợp (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) chia sẻ: Từ đầu năm, công ty ông cũng thường xuyên chủ động tăng cường phương tiện xe khách để phục vụ người dân. Mỗi ngày, đơn vị thường có 3-5 lượt xe đưa hàng trăm khách đi đến các điểm lễ hội như chùa Hương, Yên Tử, Đền Hùng... đấy là chưa kể xe cho thuê. Vào ngày cuối tuần, thì lượng xe có thể tăng lên là 10 lượt xe 45 chỗ.
Để có những chuyến xe an toàn, ông Yên nhấn mạnh: Việc đầu tiên mà đơn vị quan tâm, không chỉ là chất lượng xe ra sao, mà quan trọng hơn cả là chọn những tài xế có kinh nghiệm xử lý tình huống và trách nhiệm. Điều quan trọng nữa là nghiêm cấm việc lái phụ xe dừng đỗ bắt khách dọc đường.
Trước đó, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong các ngày lễ hội xuân 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu Trưởng ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó tập trung kiểm tra và xử phạt tài xế xe khách, xe môtô vi phạm, trọng tâm là các tuyến quốc lộ 1, 3, 5, 14, 18, 51...
Cùng với đó, tăng cường đôn đốc, kiểm tra an toàn giao thông tại các nhà ga, bến xe, bến tàu, bến đò, kiên quyết đình chỉ phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, phương tiện chở quá số người quy định, thu giá vé quá mức quy định; tập trung kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng ôtô, nhất là tuyến Bắc - Nam
giao thông đường bộ ôtô giao thông người dân an toàn kỹ thuật vi phạm csgt giấy phép lái xe phương tiện tai nạn giao thông an toàn kiểm tra công ty công ty vận tải quy định doanh nghiệp vận tải bão tai nạn an toàn giao thông gia
0 nhận xét:
Đăng nhận xét