gia đình gia
Các chiến sĩ trên đảo tất bật chuẩn bị đón tết. Ảnh: Hưng ThơNgày áp tết Quý Tỵ, chúng tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ công tác tại huyện đảo Cồn Cỏ rời đất liền để mang chút "hương vị mùa xuân" đến với huyện đảo tiền tiêu của tỉnh Quảng Trị. Trên boong tàu, những chậu cúc, cây quất được xếp ngay ngắn kèm theo những món quà đơn giản nhưng chứa chan tình cảm như vài thùng nước ngọt, vài két mì ăn liền, lá dong, lá chuối dùng để gói bánh chưng ngày tết...
Trên chuyến tàu cuối cùng của năm Nhâm Thìn ấy, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Quang Lanh - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ - ông vui mừng cho biết: "Biển đảo năm nay "được mùa" ở nhiều lĩnh vực, nên xuân dường như đến sớm hơn". Trong năm 2012, rất nhiều công trình đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động như trạm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, sửa chữa và nâng cấp âu cảng. Đặc biệt hai công trình thu gom cấp nước và kè chống xói lở bảo vệ đã góp phần thay đổi diện mạo của biển đảo và đời sống của nhân dân".
Cái ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những thế hệ đầu tiên của đảo giờ đây đã lớn, vào đất liền học chữ và bây giờ trở về quê ăn tết.
Chị Nguyễn Thị Ái (SN 1977) sống tại đảo đã 12 năm. Chị tâm sự: "Năm 2011 tôi đã chọn đảo là nhà, rồi lấy chồng sinh con ở đó. Con gái đầu của tôi năm nay đã 11 tuổi, phải ra đất liền để học. Năm nay cả gia đình chúng tôi sẽ đón Tết ở đảo, đông đủ mọi người nên chắc sẽ vui vẻ lắm". Không riêng gì gia đình chị Ái, mà phần đông những gia đình có con cái đi học ở đất liền đều tề tụ đông đủ trong dịp Tết Nguyên đán này tại đảo. Bởi đối với họ, đảo giờ đây đã trở thành quê hương.
Khi chuyến tàu vừa cập bến, cũng là lúc chúng tôi đón nhận những cái bắt tay thân mật, ấm cúng từ cán bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang trên đảo. Chẳng thua kém gì ở trên đất liền, đảo Cồn Cỏ giờ này đã tràn ngập sắc xuân. Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Cồn Cỏ là nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến thăm, những chậu hoa cúc vàng rực rỡ cùng với những cây quất vừa được chuyển đến làm cán bộ chiến sĩ ở đây rất vui mừng.
Thượng tá Nguyễn Thuận Cường - chính trị viên - cho biết: "Để chuẩn bị đón tết, chúng tôi đã xây dựng các kế hoạch cụ thể. Đầu tiên là tổng dọn vệ sinh, trang trí lại vườn hoa và cây cảnh. Đến hôm 28 Âm lịch sẽ gói bánh chưng, tối 30 tổ chức đón giao thừa, mồng 2 tết sẽ giao lưu bóng đá, bóng chuyền. tết ở đây khá đầy đủ và cũng rất vui vẻ, chẳng khác gì ở đất liền".
Không khí Tết càng gần gũi và ấm cúng hơn khi chúng tôi đến thăm những hộ gia đình là chủ nhân của đảo. Những mâm cải được phơi nắng để muối làm dưa là món ăn khoái khẩu trong dịp tết được nhiều gia đình chọn lựa. Hành củ, lá kiệu và đu đủ cũng được sơ chế để làm dưa món. Thậm chí ở đây, nhiều gia đình còn làm được mứt gừng, mứt bí đao để đãi khách trong dịp tết.
Chị Nguyễn Hạnh Nhân (SN 1980) phấn khởi: "Năm nay chúng tôi tổ chức ăn tết lớn. Đời sống ở đây giờ đã ổn định vì được sự quan tâm Đảng và Nhà nước. Đón xuân này mỗi gia đình ở lại trên đảo được hỗ trợ 2 triệu đồng, ngoài ra còn nhận được quà và những thứ cần thiết trong dịp tết nên ai cũng ấm lòng".
Là đảo tiền tiêu của tổ quốc, vì vậy cán bộ, chiến sĩ ở nơi này dù vui xuân nhưng vẫn đặt nhiệm vụ lên trên hết. Ngoài những người được phép rời đảo về quê thì lực lượng vũ trang và dân sự ở lại trực tết luôn đảm bảo. Xuân Quý Tỵ đã gõ cửa mọi nhà, mọi nơi. Ở đảo tiền tiêu xa của tổ quốc, mùa xuân đã đến sớm, sớm hơn cả đất liền...
gia gia đình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét