Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em: Cần thiết lập mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng

nguy hiểm bão lao động gia giấy phép kinh doanh nông thôn

Theo thống kê của Viện Khoa học Lao động (Bộ LĐTB&XH), hiện cả nước vẫn còn 25.000 trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa có những chế tài đủ mạnh để xử lý những hành vi trên. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH).

PV: Thưa ông, việc trẻ em nông thôn bị bắt làm việc quá sức, thời gian làm việc kéo dài gây tổn hại sức khỏe cho các em đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Xin ông cho biết cụ thể về thực trạng này?

Ông Nguyễn Trọng An: Thực ra câu chuyện các em nhỏ phải làm việc như lao động khổ sai, bị bóc lột sức lao động tại một số thành phố lớn không phải là lần đầu tiên chúng ta biết. Trước đây đã có nhiều vụ nhờ có tình nguyện viên theo dõi và báo cho cơ quan chức năng giải cứu. Chẳng hạn như trường hợp trẻ làm việc tại các mỏ đá, các mỏ khai thác vàng ở Bắc Kạn... Cũng có những trường hợp trẻ em trong các gia đình nghèo bị lôi kéo làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại như làm việc trong các xưởng đẽo đá, khu đào vàng. Cá biệt, có những em làm việc trong các bãi vàng rất vất vả và nguy hiểm. Có những ông chủ còn gây thương tật cho các em hoặc dùng xích chân các em lại một chỗ chỉ để làm một công việc duy nhất là sàng, đãi vàng...

Thưa ông, vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trẻ em nông thôn phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại như vậy?

Nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tình trạng này là do nghèo đói. Vì nghèo nên các em mới phải tham gia lao động trong những điều kiện nguy hiểm, độc hại. Tiếp đến là do nhận thức của gia đình cũng như công tác quản lý di cư, biến động lao động của các địa phương còn kém nên đã dẫn tới thực trạng "bóc lột" sức lao động ở trẻ em. Ngoài ra, còn có thêm nguyên nhân do lỗ hổng từ pháp luật, sự chồng chéo lên nhau giữa các quy định dẫn đến tình trạng nhiều khái niệm còn chung chung, do đó công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em gặp rất nhiều khó khăn.

Vậy để ngăn chặn sự bóc lột lao động trẻ em, ngoài những chính sách đồng bộ để xóa đói giảm nghèo thì trước mắt chúng ta cần phải quan tâm thực hiện những gì, thưa ông?

Ngoài những chính sách đồng bộ, tổng thể để giải quyết tình trạng đói nghèo mà nhà nước đang tiến hành, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã có nhiều dự án, chương trình đề ra các mục tiêu để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đặc biệt chú ý đến trẻ em khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Nội dung này đã đưa vào Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện ở nhiều địa phương vẫn chưa hiệu quả, xa rời giữa thực tế và văn bản. Vì thế, để bảo vệ trẻ nông thôn nói riêng và trẻ em nói chung tốt hơn, tránh bị rơi vào những trường hợp bị lừa, bị bóc lột sức lao động, cần thiết phải có mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng từ lãnh đạo địa phương, công an, các đoàn thể. Các lực lượng này thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện những trường hợp sử dụng lao động trẻ em... Song song là công tác tuyên truyền về quyền, về luật và nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, của lãnh đạo địa phương về các chương trình bảo vệ trẻ em để họ hiểu được những cạm bẫy với con trẻ. Với các trường hợp vi phạm, đòi hỏi các chế tài mạnh hơn nữa như có thể phạt tù, giải tán các cơ sở sản xuất, tước giấy phép kinh doanh... Tóm lại, để giải quyết vấn đề này, phải tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp và làm sao để các tổ chức xã hội phải vào cuộc mạnh hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Quỳnh Hoa(thực hiện)

gia lao động nông thôn nguy hiểm bão giấy phép kinh doanh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...