người dân gia đình gia bão
Tết Quý Sửu cách đây đúng 40 năm là một cái Tết để lại nhiều cảm xúc khó quên trong ký ức của những người dân miền Bắc, đặc biệt là với người Hà Nội. Đó là thời điểm họ vừa đi qua 12 ngày đêm kiên cường chống lại những trận bom hủy diệt của máy bay B52.
Ảnh: VTV
Điều đặc biệt hơn là trước Tết Quý Sửu chưa đầy 1 tuần, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết và Tết Quý Sửu đã trở thành cái Tết đầu tiên sau hàng chục năm người dân Hà Nội và cả miền Bắc được đón cái Tết đầu tiên trong hòa bình.
Trong tập nhật ký cá nhân mà nhà thơ Anh Ngọc còn cất giữ từ những năm chiến tranh, có những trang viết về quãng thời gian ông được gọi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Đi qua năm 1972 khốc liệt ở chiến trường Quảng Trị, nhà thơ Anh Ngọc càng thấu hiểu ý nghĩa của hòa bình. Mỗi con người, mỗi gia đình và cả dân tộc đã đằng đẵng đợi chờ thời khắc ấy, sau 9 năm chống Pháp và gần 20 năm chống Mỹ.
Nhà thơ Anh Ngọc, Nguyên phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhớ lại: "Từ miền Tây Quảng Bình ra Hà Nội trong ba ngày đêm giá rét ấy là hình ảnh đoàn ô tô phủ bạt đi từ ngoài Bắc vào và nhân dân đổ ra đường mặc áo tơi, đội nón và cả một rừng cờ đỏ. Nhật ký tôi ghi, ô tô nối đuôi nhau hàng chục km, người xe như nước chảy và chúng tôi đi suốt màu cờ đỏ, cờ đỏ bay trong mưa. Và có một chi tiết hôm đó Đài phát thanh phát bài hát vô cùng hùng tráng. Chúng tôi đi trong màu cờ đỏ và tiếng hát hào sảng "Việt Nam trên đường chúng ta đi...".
Cùng trở về Hà Nội như nhà thơ Anh Ngọc năm ấy là nửa triệu người dân đi sơ tán hối hả trở về nhà cho kịp đón năm mới Quý Sửu. Nhà báo Phạm Ngọc Tiến kể rằng, chợ hoa năm ấy đông vô kể và ngập tràn ngập nụ cười. Người Hà Nội xếp hàng sắm tết dài dằng dặc, các cửa hàng bách hóa, cửa hàng thực phẩm phải bán hàng đến tận 1-2 giờ sáng. Và năm ấy giao thừa rồi mà vẫn thấy cảnh luộc bánh chưng trên vỉa hè...
Nhà báo Phạm Ngọc Tiến, Báo Hà Nội mới: "Càng giáp Tết, do người trở về Hà Nội quá đông và số lượng các cửa hàng thực phẩm chỉ có hạn. Ví dụ như cửa hàng bách hóa ở Kim Liên, người ta còn xếp hàng tràn qua cả đường tàu và khi tàu hỏa chạy qua, người ta lại chạy lại xếp hàng như cũ, hay cửa hàng bách hóa ở phố Huế xếp hàng dài đến tận phố Bạch Mai, hay là bách hóa tổng hợp tràn cả ra phố Tràng Tiền, Hàng Bài, Hai Bà Trưng.
Cái Tết hòa bình đầu tiên ở Hà Nội sau gần 20 năm chống Mỹ và sau 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, nhưng ra đường vẫn thấy lấm chấm những vành khăn trắng. Với nhạc sĩ Phú Quang, ca khúc "Em ơi Hà Nội phố" phỏng thơ Phan Vũ được ông sáng tác về sau này chính là sự tái hiện lại cảnh con phố Khâm Thiên bị san phẳng bởi bom B52, nên "người nhạc sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường".
Gia đình người nhạc sĩ năm đó phải đón Tết ở một căn nhà tạm bởi 3 mảnh đất của 3 căn nhà 47, 48 và 51 được thành phố Hà Nội giữ lại để dựng tượng đài "Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ". "Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông. Bạn cứ tưởng tượng cây bàng trước phố nhà tôi bị phạt đứt ngọn. Ta còn em góc phố mồ côi mùa đông. Cả ngày tôi trở về sau 12 ngày đêm ấy nó đã bị hoặc đánh sập, hoặc tung hết nóc lên thì cái khái niệm... ta còn em có nghĩa là đã mất rồi, nó chỉ còn là cái ám ảnh thôi. Khâm Thiên lúc đó với tôi là một kỷ niệm buồn bã rất nhiều năm sau, ngay cả những năm sau này khi người ta xây lại những căn nhà thì với tôi vẫn ám ảnh là những nén nhang cháy leo lét" - Nhạc sĩ Phú Quang tâm sự.
Tết năm ấy, mỗi người Hà Nội có những cảm xúc vui, buồn khác nhau, nhưng âm hưởng chung là hòa bình - hạnh phúc đang đến trong tầm tay, tuy trong nhiều gia đình vẫn chất chứa những nỗi lo thầm kín vì có người thân còn đang ở chiến trường. Tết năm ấy, Hà Nội còn ngổn ngang với những hố bom và hầm trú ẩn còn chưa kịp dọn hết. Trẻ con còn chưa có áo mới, nhưng hơn tất cả là niềm tin chiến thắng đang dần thành hiện thực.
Ngọc Hà - Nguyễn Hoàng -
gia gia đình bão người dân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét