dịch vụ người dân tài sản du khách an ninh trật tự an toàn trộm cắp điện thoại an toàn giao thông gia
QĐND - Càng gần đến Rằm tháng Giêng, tại các đền, chùa, khu di tích tâm linh càng đông người đi lễ, cầu may. Các dịch vụ đi kèm như gửi xe, ăn uống, cho thuê phòng trọ... càng nở rộ. Nhiều cơ sở lợi dụng ép giá du khách, kinh doanh kiểu "chặt chém"; các đối tượng lưu manh trà trộn móc túi, trộm cắp tài sản...
Vừa lễ, vừa lo... mất cắp
Lễ hội chùa Hương, chùa Phúc Khánh, phủ Tây Hồ (Hà Nội), Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), đền Dâu, đền Quán Cháo (Ninh Bình)... mới đầu mùa đã đón hàng chục vạn du khách thập phương đến tham quan, lễ Phật.
Sáng 19-2, nhiều người đi lễ chùa Phúc Khánh (ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị kẻ gian móc trộm ví, điện thoại với những thủ đoạn rất tinh vi. Bên ngoài cổng chùa, mặc cho lực lượng cảnh sát trật tự, các đội tự quản Công an phường Trung Phụng liên tục nhắc nhở, nhiều thanh niên vẫn đứng tràn ra lòng đường phố Tây Sơn, lôi xe, kéo áo du khách để ép họ sử dụng "dịch vụ" của mình.
Thượng úy Trần Đức Dũng (Công an phường Trung Phụng) cho biết: "Đây là nơi sinh hoạt tâm linh của nhiều người dân, lực lượng chức năng không dùng các biện pháp trấn áp "mạnh", bởi sẽ gây phản cảm nơi thờ tự mà chủ yếu tuần tra kiểm soát, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông để người dân đi lễ an toàn. Chúng tôi sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý các đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản, móc túi, ép giá du khách đi chùa. Tuy nhiên, do lượng người đi lễ quá đông vào dịp đầu năm, các đối tượng lợi dụng sơ hở, trà trộn vào đám đông, khiến tình hình rất khó kiểm soát".
Bến Yến (Chùa Hương) trong ngày khai hội năm 2013 |
Theo quan sát của chúng tôi, ngay từ lối vào sân chùa, ban quản lý đã treo 3 tấm biển với nội dung "Đề nghị quý vị phật tử vào lễ chùa tự bảo quản tài sản của mình". Tuy nhiên, trên đường vào và bên trong chùa, có nhiều tờ rơi được dán lên tường, trên cột với nội dung "Xin chuộc lại giấy tờ, điện thoại". Nạn nhân còn cung cấp số điện thoại và tên tuổi, hy vọng tìm lại tài sản bị mất. Thủ đoạn của kẻ gian là lợi dụng người đi lễ chùa đông, chen chúc nhau và làm thủ tục cúng bái, chúng len vào móc túi, rạch túi trộm ví tiền, điện thoại, nữ trang... Các đối tượng thường hoạt động theo nhóm, có nam, có nữ, hỗ trợ nhau rất "thiện nghệ" để tẩu tán tài sản trộm cắp được và tẩu thoát nếu bị phát hiện.
Anh Nguyễn Văn T (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội), nạn nhân bị móc túi ở chùa Phúc Khánh đêm Mồng 3 Tết cho biết: "Tôi bị mất hai chiếc điện thoại để trong người mà không hề biết bị móc túi khi nào. Trong lúc đông đúc, có đối tượng sờ khắp áo rét, túi quần của tôi trong khu vực cổng chùa, nhưng do quá đông người, nên khó phát hiện ai là kẻ gian".
Không riêng chùa Phúc Khánh, nhiều đền, chùa, khu di tích nổi tiếng linh thiêng như: Chùa Hương, đền Trần, Phủ Giầy, Yên Tử... cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Đông người đi lễ, nạn móc túi, trộm cắp tài sản càng gia tăng, không chỉ gây mất an ninh trật tự mà còn gây thiệt thòi, phiền toái cho du khách, làm mất vui cho người đi lễ hội và mất đi hình ảnh, phong tục truyền thống đẹp tại các lễ hội đầu Xuân.
Thừa cơ "thổi giá"
Trong ngày khai hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), đối lập với phong cảnh nên thơ, hữu tình của "Nam Thiên đệ nhất động" là cảnh lộn xộn với những hàng quán bán thịt sống và nguy cơ mất an toàn cả ở trên bến, dưới thuyền. Theo Ban quản lý Khu di tích chùa Hương: Du khách từ các tỉnh, thành phố về trẩy hội rất đông. Tuy nhiên không ít người "giật mình" khi bị các quán ăn tính tiền kiểu "chặt chém". Tại bến Thiên Trù, rồi cả đường dẫn lên động Hương Tích, hàng loạt quán ăn, nhà hàng đều có bày bán thịt thú rừng nguyên con như: Nhím, hoẵng, hươu, nai... đã bị giết mổ. Nếu ai sử dụng các loại thực phẩm này thì đều bất ngờ bởi giá cả "trên trời". Một đĩa thịt "rừng" có giá từ 300.000 đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, hầu hết thực phẩm trên đều là thịt bò, thỏ và thịt lợn. Người bán hàng làm giả các loại thịt rừng, rồi quảng cáo, bán đắt cho du khách. Nhiều quán còn dùng thủ đoạn cắt tai, "trang trí" lại con thỏ cho giống loài cầy hương để bán với giá 800.000 đồng/kg".
Lý giải về việc kiểm soát những hoạt động kinh doanh ăn uống tại khu di tích, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý Khu di tích Hương Sơn, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2013 cho hay: "Thực phẩm bày bán tại bến Thiên Trù là các loại động vật nuôi chứ không phải động vật hoang dã. Ban quản lý không thể cấm người dân buôn bán các loại thực phẩm này, nhưng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm dịch an toàn".
Tại bến Yến, đường lên đền Trình, giá nhiều loại dịch vụ khác cũng "leo thang". Một bát phở có giá 70.000 đến 100.000 đồng; một lon nước ngọt giá 50.000 đồng. Giá phòng trọ, giá gửi xe ô tô, xe gắn máy cũng tăng "đột biến" so với trước đó, cùng mối lo về các đối tượng trộm cắp, móc túi.
Anh Hà Hồng Nhật (quê ở Thanh Hóa) không khỏi bàng hoàng khi định lấy điện thoại ra gọi cho người thân thì thấy túi áo trống rỗng. Anh cho biết: "Tôi vừa ra ngoài lấy xe, định gọi điện thoại về nhà thì mới biết mình bị móc túi, may mà ví tiền tôi để trong ô tô. Không ít người đi cầu may như tôi nhưng chưa thấy may, đã gặp "hạn" và còn không ít điều phải phiền lòng...".
Bài và ảnh: TUẤNNAM
dịch vụ an toàn người dân du khách an ninh trật tự tài sản an toàn giao thông gia điện thoại trộm cắp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét