bão chính phủ quân đội chính trị
Đời sống chính trị Ai Cập lại trở nên căng thẳng sau khi một số tướng lĩnh quân đội phát biểu trên báo chí những lời lẽ mang tính đe dọa đối với Tổng thống Mohamed Morsi và tổ chức Muslim Brotherhood. Giới phân tích xem đây là nguy cơ rõ nhất của việc quân đội trở lại nắm quyền ở Ai Cập, tương tự như sau khi cuộc nổi dậy "cách mạng hoa nhài" lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak đầu năm 2011.
Quân đội không trực tiếp cử đại diện phát biểu, báo chí chỉ trích dẫn "nguồn tin vô danh" trong quân đội để đưa ra những lời phát biểu ám thị với nội dung mang tính chất đe dọa rằng, bất kỳ hành động nào thay đổi hay thuyên chuyển vị chỉ huy tối cao của quân đội cũng sẽ là "hành động tự sát" của Chính phủ, và rằng lực lượng vũ trang đang "nổi giận" vì tin đồn thay thế tướng Abdel-Fattah el-Sissi, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội. Đây không phải là các phát biểu bừa, các vị tướng quân đội Ai Cập hoàn toàn nghiêm túc với vấn đề mình nêu lên. Chỉ có điều những vấn đề đó xuất phát từ đâu.
Có thể tạm thời bắt đầu từ việc trên báo Ai Cập nhiều ngày qua xuất hiện những thông tin đồn đãi rằng, Tổng thống Morsi "có kế hoạch" thay thế tướng El-Sissi. Nguyên do của việc "thay tướng" này chính là việc tướng El-Sissi đã phản đối quyết liệt việc đặt quân đội dưới sự quản lý của Chính phủ do Muslim Brotherhood chiếm đa số. Mặc dù Văn phòng của Tổng thống Morsi đã ra tuyên bố xoa dịu quân đội, đồng thời quân đội cũng đăng phát biểu trên Facebook không thừa nhận những lời lẽ đe dọa trên báo chí, nhưng không vì vậy mà sự việc được lắng dịu.
Đầu tháng 2/2013, tướng el-Sissi công khai phát biểu rằng, ông sẽ không cho phép Muslim Brotherhood hay bất kỳ tổ chức nào khác kiểm soát quân đội, và người ta xem phát biểu này như một lời thách thức.
Giữa tướng El-Sissi với Tổng thống Morsi cũng đã có nhiều vấn đề lấn cấn kể từ hai tháng qua, sau khi Tổng thống Morsi tiến hành trưng cầu ý dân thông qua Hiến pháp mới gây tranh cãi. Việc soạn và thông qua Hiến pháp đã dẫn đến việc dân chúng biểu tình lan rộng, sự đối đầu chính trị gay gắt giữa Tổng thống Morsi và tổ chức Muslim Brotherhood cầm quyền với phe đối lập bao gồm nhiều tổ chức, đảng phái Hồi giáo và thế tục khác nhau.
Sự đối đầu đã dẫn đến đổ máu ở Quảng trường Tahrir, làm hàng chục người chết. Tướng el-Sissi đã phải lên tiếng dọa rằng "quân đội có thể phải can thiệp" để ổn định tình hình, và nếu Tổng thống Morsi và phe đối lập không tìm ra lối thoát cho bế tắc chính trị, quân đội buộc phải ra tay để buộc các bên ngồi vào bàn "đối thoại quốc gia".
Tướng Abdel-Fattah el-Sissi (trái) và Tổng thống Mohamed Morsi trong một lần làm việc cùng nhau. |
Cuối tháng 1/2013, các tướng chỉ huy quân đội tiếp tục làm cho Tổng thống Morsi bị bẽ mặt khi bất tuân lệnh thực thi lệnh giới nghiêm ban đêm tại 3 thành phố dọc kênh đào Suez. Một vài vị tướng còn công khai phát biểu rằng họ sẽ không sử dụng vũ lực chống lại dân thường. Sau đó, phó tướng của El-Sissi là Tham mưu trưởng Sedki Sobhi tiếp tục khuyến cáo: "Quân đội không dính líu vào chính trị. Quân đội chỉ để mắt tới những gì đang diễn ra và nếu người dân Ai Cập cần đến lực lượng vũ trang, quân đội sẽ triển khai trên các đường phố ngay tức thì". Điều này ám chỉ rằng, nếu dân chúng nổi dậy chống Tổng thống Morsi và Muslim Brotherhood, quân đội sẽ đứng về phía dân chúng.
Quân đội cũng được cho là đang mất dần kiên nhẫn với sự lãnh đạo "không có gì nổi bật" của Tổng thống Morsi. Sau 8 tháng cầm quyền, Tổng thống Morsi vẫn chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất của đất nước. Xung đột quyền lực còn diễn ra gay gắt, bất ổn xã hội vẫn lan rộng do chính phủ không đáp ứng được những mong đợi của nhiều thành phần khác nhau, trong khi tình hình kinh tế đất nước chưa kịp phục hồi sau "cách mạng hoa nhài" nay tiếp tục xấu đi, dẫn đến tội phạm tăng cao,...
Tướng El-Sissi được Tổng thống Morsi bổ nhiệm vào tháng 8/2012, trong một cuộc thay tướng táo bạo giúp ông phục hồi quyền lực đầy đủ cho chức danh Tổng thống, đồng thời chấm dứt nhiều tháng đấu đá quyền lực giữa Tổng thống và quân đội. Có người nghĩ rằng tướng El-Sissi đã trở thành người của Tổng thống Morsi khi giữ im lặng trước loạt biểu tình phản đối, xung đột chính trị xung quanh việc biên soạn Hiến pháp mới. Nhưng với những động thái bất ngờ sau khi Hiến pháp được thông qua, người ta lại nghi ngờ rằng liệu quân đội sẽ trở lại nắm quyền như đã từng làm trước đây không?
Những vấn đề lộn xộn, biểu tình phản đối quân đội diễn ra rầm rộ sau khi Tổng thống Mubarak thoái vị đã là một bài học còn mới trong cách thức quân đội xử lý tình hình. Có thể những lời đồn đãi nêu trên không ngẫu nhiên mà có; đó có thể là "miếng mồi thử" do chính Muslim Brotherhood tung ra nhằm thăm dò thái độ của quân đội và công chúng, nhưng đó cũng có thể là miếng mồi được "ai đó" thả ra nhằm đưa quân đội vào thế đối đầu với Tổng thống Morsi và tổ chức Muslim Brotherhood của ông. Nếu 2 bên tiếp tục bế tắc, tiếp tục chối bỏ đàm phán "đối thoại quốc gia", rất có thể quân đội sẽ lại ra tay
quân đội chính trị bão chính phủ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét