Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

"Đạo tin", "đạo báo" là vi phạm đạo đức nghề nghiệp

nghề nghiệp công ty cơ quan quản lý nhà nước trái pháp luật quản lý nhà nước công nghệ quy định công ty cổ phần giải pháp thông tin nguyễn anh tuấn pháp luật bão năng lượng đạo đức vi phạm đạo đức nghề nghiệp sản phẩm

TT - "Giải pháp trước mắt cũng như giải pháp lâu dài để chống nạn "ăn cắp" bản quyền là thực hiện tốt luật pháp, quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Chúng ta có đủ quy định, luật pháp rồi, vấn đề là thực thi và giám sát thực thi mà thôi".

Ông Hà Minh Huệ - Ảnh: Ngọc Lành

Ông Hà Minh Huệ - đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN - nhấn mạnh như vậy khi trả lời Tuổi Trẻ liên quan vấn đề bản quyền báo chí xôn xao dư luận tuần qua bắt đầu từ việc báo Năng Lượng Mới dọa kiện trang baomoi.com rút tự động tin bài của mình bất hợp pháp.

Lần đầu tiên công khai và quyết liệt

"Nhân vụ dọa kiện bản quyền của báo điện tử, tôi cũng xin cung cấp một thông tin "hậu trường" là năm ngoái, Hội Nhà báo VN với sự phối hợp của báo Tuổi Trẻ, báo điện tử VietnamPlus đã lên chương trình tổ chức một cuộc hội thảo về bản quyền báo điện tử, nhưng rất tiếc là chưa thành vì sự hưởng ứng tham gia của các báo điện tử rất thấp"

Ông HÀ MINH HUỆ

* Báo Năng Lượng Mới dọa kiện, trang baomoi.com xin lỗi và gỡ bỏ tin - bài lấy từ Năng Lượng Mới. Ông nhận định ra sao về việc này?

- Tôi cho rằng vụ việc đã đi đúng hướng. Một báo dọa kiện một hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm bản quyền báo chí, bên kia nhận thức được việc làm sai luật của mình đã chính thức xin lỗi, gỡ bỏ tin - bài. Việc làm này tuy muộn nhưng có ý nghĩa khởi đầu cho việc tôn trọng bản quyền, Luật sở hữu trí tuệ mà lâu nay báo chí ở ta vi phạm nhiều.

Không phải đến khi báo Năng Lượng Mới dọa kiện chúng ta mới biết tình trạng vi phạm bản quyền như thế này. Tình trạng sao chép, cắt dán và một số hình thức "đạo báo" khác cũng được nói đến từ lâu, nhất là từ khi báo mạng phát triển mạnh, ứng dụng công nghệ sao chép - cắt - dán (copy - cut - paste) của phần mềm máy tính. Vấn đề ở chỗ đây là lần đầu tiên sự việc được nêu công khai, quyết liệt.

Từ góc độ Hội Nhà báo, tôi cho rằng việc "đạo tin, đạo báo" là sự vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo VN. Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo VN (thông qua tháng 8-2005) trong đó điều 3 quy định "hành nghề trung thực", điều 4 quy định "không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật" và điều 5 nói rõ nhà báo phải "gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội". Lấy sản phẩm của người khác (không xin phép) để làm sản phẩm của mình là hành nghề không trung thực, là lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, làm trái pháp luật và chắc chắn là không gương mẫu chấp hành pháp luật, không làm tròn nghĩa vụ công dân, không làm tốt trách nhiệm xã hội.

* Thực tế hiện nay có nhiều công ty tư nhân lập ra các trang thông tin và tự ý hoạt động như một trang báo, nhưng nguồn tin bài là đi "cọp" từ báo khác. Đáng tiếc là tình trạng này đang diễn ra tràn lan. Việc quản lý các trường hợp này ra sao?

- Báo chí có chức năng của báo chí, trang thông tin điện tử có chức năng của trang thông tin điện tử, hoạt động theo tôn chỉ mục đích, quy định trong giấy phép của Bộ Thông tin - truyền thông cấp. Ai vi phạm sẽ bị xử lý. Bộ Thông tin - truyền thông với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cấp phép sẽ có phán quyết chính thức về vụ này. Vấn đề vi phạm bản quyền thuộc chức năng xử lý của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Do vậy, bộ này cũng sẽ vào cuộc.

Ở đây tôi xin đề cập một khía cạnh khác. Tôi xin nói về sở hữu của tờ báo, trang báo. Luật pháp chúng ta không cho phép có báo tư nhân, trang thông tin của công ty tư nhân nào mà hoạt động như một tờ báo tư nhân là vi phạm luật pháp, cần phải dẹp bỏ.

Giải pháp đầu tiên và cuối cùng: luật pháp

* Dù các luật sư cho rằng chúng ta có đủ luật để xử lý tình trạng "ăn cắp" bản quyền, nhưng trả lời Tuổi Trẻ ngày 8-3, tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông có nói việc áp dụng luật giải quyết vấn nạn này là con đường quá gian nan vì "không thể mỗi ngày gửi hàng chục đơn kiện"...

- Tổng biên tập báo Năng Lượng Mới Nguyễn Như Phong dọa kiện baomoi.com ra tòa chứ chưa kiện thật mà đã có hiệu lực rồi. Đó là động thái tích cực. Theo thông tin có được, ông Nguyễn Anh Tuấn - giám đốc Công ty cổ phần công nghệ EPI, cơ quan chủ quản củabaomoi.com - cũng có buổi làm việc chính thức với báo Năng Lượng Mới và thừa nhận việc lấy tin bài của Năng Lượng Mới mà chưa xin phép là sai luật.

Trước đó, baomoi.com đã đăng tải trên trang chủ của mình lời xin lỗi về sự việc trên, sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện của báo Năng Lượng Mới. Tôi tin rằng với ý thức tôn trọng pháp luật, các báo có thái độ cầu thị như vậy thì nạn vi phạm bản quyền sẽ chấm dứt, chí ít thì cũng giảm mạnh trong thời gian tới. Nhà báo Nguyễn Quang Thông chắc là nói giả định về sự mất thời gian, vì nạn vi phạm hiện nay quá tràn lan.

Luật pháp có phải là cách giải quyết cuối cùng của vấn đề này hay không? Tôi cho rằng pháp luật vừa là giải pháp đầu tiên vừa là giải pháp cuối cùng. Vì đầu tiên là các nhà báo, các tổng biên tập phải tôn trọng pháp luật, coi việc tuân thủ pháp luật là điều kiện xác định nội dung thông tin cung cấp. Đây là giải pháp tiên quyết. Và biện pháp cuối cùng thì mới đưa nhau ra tòa. Đến lúc đó là bước đường cùng rồi. Tôi không nghĩ các nhà báo không hiểu được vấn đề.

* Ở VN, các trang mạng và báo điện tử đang "bung ra như nấm", luật về bản quyền còn chưa được thực thi triệt để, việc quản lý nhiều lĩnh vực trong báo chí còn chưa chặt chẽ... Trước tình trạng như vậy, giải pháp trước mắt để chống nạn "ăn cắp" bản quyền là gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng báo chí của chúng ta hiện nay đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ về số lượng, bên cạnh mặt được vẫn còn tồn tại những mặt chưa được, trong đó có vấn đề bản quyền. Giải pháp trước mắt cũng như giải pháp lâu dài để chống nạn "ăn cắp" bản quyền là các cơ quan báo chí, lãnh đạo báo chí, các nhà báo phải biết tôn trọng pháp luật, biết hành nghề trung thực, biết tôn trọng thành quả lao động của người khác...

* Hiện có một số tờ báo thỏa thuận với nhau về việc "lấy đi lấy lại" thông tin của nhau theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Theo ông, việc "cho qua cho lại" có nên không khi vấn đề bản quyền cũng như bản sắc của mỗi tờ báo cần được đặt lên hàng đầu hiện nay?

- Việc các báo tự thỏa thuận sử dụng thông tin của nhau cũng là tốt. Nói cho cùng thì chia sẻ thông tin là điều cần thiết, nhất là trong điều kiện công nghệ cho phép. Điều này cũng mang lại lợi ích cho công chúng, những người có quyền được thông tin. Vấn đề ở chỗ thực hiện như thế nào cho đúng luật, cho phải lẽ.

Thế nhưng, dù có thỏa thuận thì từng báo chắc cũng sẽ không lạm dụng liều lượng sử dụng tin, bài của các báo khác. Uy tín của một tờ báo được đặt lên hàng đầu bằng sản phẩm của mình làm ra. Chẳng lẽ báo A lại cứ xài tin, bài của báo B hoặc ngược lại? Thế thì đổi tên báo đi cho xong! Ai cũng phải biết tự trọng, thể hiện năng lực của mình. Lấy của người khác là nợ đấy. Đấy là thái độ làm báo chuyên nghiệp.

đạo đức nghề nghiệp thông tin trái pháp luật công ty đạo đức công ty cổ phần bão pháp luật công nghệ quản lý nhà nước quy định giải pháp nghề nghiệp sản phẩm năng lượng cơ quan quản lý nhà nước vi phạm nguyễn anh tuấn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...