Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Giang hồ kéo về sông Son tìm gỗ sưa

công an người lao động người dân an ninh trật tự

Nhóm giang hồ tìm thấy gỗ sưa chuyển đi trước sự bất lực của công an địa phương

Ngày 1-3, theo xác nhận của ông Nguyễn Hữu Chí, Trưởng Công an xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch - Quảng Bình, hiện có trên 100 người vẫn đang lặn tìm gỗ sưa dưới lòng sông Son, đoạn chảy qua thôn Na, xã Sơn Trạch. Những người tìm gỗ chủ yếu là người dân xã Sơn Trạch. Họ thuê những thợ lặn có đầy đủ dụng cụ, trang bị lặn ở huyện Quảng Ninh - Quảng Bình về tìm kiếm gỗ.

Một pha ́ ch gỗ sưa từ rừng Hung Trí được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình tịch thu hồi tháng 7-2012

Ngoài ra, một số giang hồ ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch cũng thuê thợ lặn, thuyền và máy móc về sông Son tìm gỗ sưa. Ông Chí cho biết suốt trong ngày qua, 1-3, các tốp thợ lặn chưa phát hiện thêm được phách gỗ sưa nào, tình hình an ninh trật tự vẫn bảo đảm.

Như Báo Người Lao Động ngày 1-3 đã thông tin, vào ngày 28-2, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lâm, ở thôn Na, trong khi bủa lưới bắt cá trên sông Son đã bất ngờ tìm thấy 4 phách gỗ sưa. Tiếp đó, anh Nguyễn Văn Hạt, cũng ở thôn Na, lặn tìm được thêm 2 phách, một nhóm khoảng 30 người dân ở huyện Sơn Trạch cũng tìm được 3 phách.

Chiều cùng ngày, mặc dù Công an tỉnh Quảng Bình huy động thêm Công an huyện Bố Trạch, Công an xã Sơn Trạch và lực lượng kiểm lâm đến hiện trường nhưng một nhóm giang hồ vẫn ngang nhiên vận chuyển gỗ sưa vừa tìm thấy đưa về xuôi. Ông Chí cho biết nhóm giang hồ này sau khi thuê người lặn tìm được 3 phách gỗ sưa thì đưa lên thuyền xuôi dòng, trong khi lực lượng công an, kiểm lâm có mặt trên bờ đành bất lực nhìn theo vì không có phương tiện truy đuổi.

Theo một số người dân, mỗi phách gỗ sưa tìm thấy tại đây dài khoảng 2 m, rộng hơn 30 cm, dày chừng 20 cm, có giá trị rất lớn. Hiện chưa thể xác định nguồn gốc xuất xứ số gỗ này, trong khi người dân cho rằng chúng còn lại từ vụ chặt hạ 3 cây sưa trong rừng Hung Trí, thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào tháng 4-2012. Theo ông Chí, hiện chưa có cơ quan chức nằng nào đề cập vấn đề giao nộp hay tịch thu lại số gỗ mà người dân đã lặn tìm được.

Chiều 1-3, phóng viên Báo Người Lao Động liên hệ qua điện thoại với ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, hỏi về vụ việc nhưng ông Thái từ chối trả lời.

an ninh trật tự công an người dân người lao động

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...