Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Hai điều trông đợi

ngân hàng tín dụng vietinbank nền kinh tế dự phòng kinh doanh kết quả ngân hàng á châu triển vọng nhà băng chi phí hoạt động gia trích lập dự phòng ngân hàng công thương việt nam chứng khoán tài chính thay đổi lợi nhuận tổng tài sản tăng trưởng

(DĐDN) Năm 2012 có lẽ là năm làm ăn bết bát nhất của nhiều nhà băng trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Tình hình này liệu có thay đổi trong năm 2013?

 

Đã có điểm sáng...

Các nhà băng đã bắt đầu công bố báo cáo kinh doanh hợp nhất quý 4/2012 trong tháng 2 năm nay. "Sáng" nhất, tính đến thời điểm này, có lẽ là kết quả vượt dự báo nhờ lợi nhuận đột biến của Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Vietinbank (mã chứng khoán CTG). Năm 2012, mặc dù thu nhập ròng từ lãi giảm, nhưng lợi nhuận chứng khoán đầu tư tăng bất ngờ đã mang về cho nhà băng này 475 tỷ đồng trong quý 4/2012, so với khoản lỗ 64 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước đó. Tính chung, riêng lợi nhuận từ mảng này đã mang về cho Vietinbank tới 518 tỷ đồng tiền lãi, quay ngược 180 độ so với mức lỗ 500 tỷ đồng của năm trước đó. Một số thu nhập khác so với năm 2011 không có thay đổi như phí và ngoại hối, nhưng thay đổi trong các chỉ tiêu tài chính như thu nhập lãi ròng giảm 12%, lãi biên ròng giảm 4% và chi phí hoạt động lại tăng lên 4%... đã khiến tổng lợi nhuận sau thuế của Vietinbank chỉ giảm 3%; vẫn vượt kế hoạch điều chỉnh tới 5%, đạt 8.178 tỷ đồng. Đây là kết quả tốt hơn mong đợi khi đặt ngân hàng này bên những "ông lớn" đã phải cán đích nhọc nhằn, thậm chí lỗ.

Nói về Vietinbank, cũng phải ghi nhận một dấu hiệu tích cực trong hoạt động kinh doanh năm cũ, đồng thời là đà phóng cho năm 2013 của ngân hàng này. Đó là việc ngân hàng đã xử lý được 3.592 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 4.776 tỷ đồng của năm 2011, tương ứng với 1,1% tổng dư nợ. Điều này chẳng khác nào chặt bớt các đường dây mối rợ vướng víu, giúp ngân hàng rảnh "chân" hơn trong hoạt động năm 2013, qua đó cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay tín dụng tiếp cận vốn tốt hơn.

Cùng Vietinbank, một số ngân hàng khác đã có kết quả lợi nhuận tuy không thực sự khởi sắc, nhưng vẫn có dấu hiệu khả quan, chẳng hạn như NHTMCP Quân đội (mã chứng khoán MBB). Với lợi nhuận trước thuế thấp đột ngột do trích lập dự phòng cao trong quý 4/2012, nhưng nhìn tổng thể, hoạt động kinh doanh cốt lõi của MBB vẫn ổn định. Thu nhập từ lãi ròng, phí, đầu tư... đều tăng. Tăng trưởng mạnh từ huy động và tín dụng cho vay khiến cho tổng tài sản tăng lên đáng kể. Ngoài ra, cùng Vietcombank (VCB), MBB đã tích cực trích lập dự phòng tránh thất thoát vốn vay và theo thống kê của bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt, mức trích lập dự phòng thất thoát vốn vay ở MBB đạt tới 96%, bằng với VCB. Đây cũng là mức trích lập cao nhất trong số các ngân hàng hiện tại. Sự tích cực trong trích lập dự phòng đầy đủ đưa lại kỳ vọng cho những ai đang trông vào lợi nhuận ngân hàng trong năm 2013, vì đây là yếu tố để các nhà băng tin vào khả năng tăng lợi nhuận đột biến nếu khoản dự phòng này được hoàn nhập nhờ thu hồi được vốn vay. Không phải ngân hàng nào muốn cũng làm được như Vietinbank, VCB hay MBB. Chỉ những ông lớn có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể làm được điều này.

... và sẽ sáng?

Ở chiều ngược lại là những nhà băng có mức lãi thấp, thậm chí lỗ. Ngân hàng Á Châu (ACB) lỗ do tất toán tài khoản vàng, Sacombank (STB) lỗ do trích lập dự phòng lớn, Eximbank (EIB) lợi nhuận thấp và "giẫm chân tại chỗ" về tăng trưởng tín dụng, SHB lỗ hợp nhất xấp xỉ 100 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu tăng gấp 4 lần năm trước do kế thừa nợ xấu từ HBB... Những kết quả này đã phủ gam trầm lên bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2012. Kết quả này cho thấy, việc kinh doanh của các nhà băng đã không còn dễ dàng như trước nữa.

Nhưng như vậy, không có nghĩa là các nhà băng không còn triển vọng. TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, ngành ngân hàng vẫn có triển vọng lợi nhuận, đi đôi với tăng trưởng tín dụng, trong năm 2013.

Năm 2013, dù có triển vọng, rủi ro trong kinh doanh ngân hàng vẫn khó lường

Ngược lại, trong năm 2013, ông Nghĩa cho rằng, có hai yếu tố khiến lợi nhuận ngành ngân hàng có thể tăng lên. Thứ nhất là tăng trưởng tín dụng có nhiều cơ sở để đẩy mạnh hơn. Dự kiến, tăng trưởng tín dụng của cả năm 2013 sẽ ở mức khoảng 12%, tức tăng thêm 4-5 điểm phần trăm so với năm 2012. Bên cạnh đó là yếu tố lãi suất dự kiến giảm thêm một điểm phần trăm cũng có thể giúp các ngân hàng gia tăng hoạt động cho vay. Thứ hai, nợ xấu có thể được xử lý khẩn trương hơn. Do vậy, ông Nghĩa kỳ vọng năm 2013 lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ tốt hơn năm 2012, nhưng vẫn chưa thể bằng năm 2011.

Nhìn chung, nếu theo cách phân tích của TS Lê Xuân Nghĩa và qua khảo sát của Doanh Nhân với các nhà băng thì các nhà băng đang có 2 điều để trông đợi. Thứ nhất là xử lý nợ xấu và thứ hai là tăng trưởng tín dụng. Trong đó, điều thứ nhất đã vượt ra ngoài khả năng của nhiều nhà băng. Nếu không cả nền kinh tế đã không mong đợi sự ra đời của công ty xử lý tài sản nợ quốc gia đến vậy (!). Còn điều thứ 2 có được thực thi tốt đẹp hay không, hay lại sẽ tăng thêm áp lực và để lại hệ lụy như điều thứ nhất, còn phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, chứ không hoàn toàn nằm trong tay của các nhà băng. Bài học từ thực tế những năm gần đây vẫn còn đó.

Tóm lại, năm 2013, dù có triển vọng, rủi ro trong kinh doanh ngân hàng vẫn khó lường!

 

Bài: Trung Nhật

Ảnh: Hồng Thái

tài chính tổng tài sản ngân hàng ngân hàng công thương việt nam kinh doanh tăng trưởng thay đổi chứng khoán nhà băng kết quả dự phòng trích lập dự phòng nền kinh tế vietinbank ngân hàng á châu chi phí hoạt động lợi nhuận gia tín dụng triển vọng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...