Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Điện ảnh Việt Nam: Không chỉ có phim truyện nhựa

phát triển nghiên cứu thiếu công bằng gia khoa học việt nam quốc tế công nghệ điện ảnh bão

Cánh diều vàng 2012 (CDV) thuộc thể loại phim truyện nhựa của Hội Điện ảnh Việt Nam đã được trao cho bộ phim "Thiên mệnh anh hùng" (đạo diễn Victor Vũ). Kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi nó nằm trong dự đoán của nhiều người, bởi trong "bó đũa" phim truyện nhựa tranh giải CDV 2012, "Thiên mệnh anh hùng" xứng đáng được tôn vinh.

Poster phim tài liệu "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai"

Nhưng cũng từ giải thưởng của Hội Điện ảnh, người ta không khỏi giật mình, vì cả một khoảng thời gian dài trước lễ trao giải, sự quan tâm của cả người trong nghề lẫn giới truyền thông chỉ nhằm vào... phim truyện nhựa. Trong khi, cơ cấu giải thưởng của Hội Điện ảnh còn bao gồm rất nhiều thể loại như công trình nghiên cứu lý luận - phê bình điện ảnh; phim hoạt hình, phim khoa học, phim tài liệu; phim truyền hình; phim ngắn... Cần phải thấy rằng khái niệm điện ảnh giờ đây cũng đã hoàn toàn mở và bao gồm cả sự giao thoa giữa các thể loại. Tại Hội thảo Xu hướng phát triển điện ảnh trong thời kỳ công nghệ số tổ chức hồi tháng 11-2012 trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần 2, một thực trạng đã được các chuyên gia điện ảnh nêu ra, đó là phim nhựa của Việt Nam lâu nay rất khó "đem chuông đi đánh xứ người". Không chỉ vì chất lượng hình ảnh, âm thanh quay bằng phim 35mm thua xa phim quay bằng công nghệ kỹ thuật số mà lý do quan trọng là nhiều nước trên thế giới đã "xóa sổ" phim nhựa, chuyển sang công nghệ số. Nói đâu xa, bản thân bộ phim truyện nhựa "Cát nóng" (đạo diễn Lê Hoàng) được chọn chiếu khai mạc tại LHP quốc tế Hà Nội cũng là một bộ phim được quay bằng máy quay truyền hình...

Nói như vậy để thấy rằng, nếu chỉ lấy phim truyện nhựa để đánh giá về giải thưởng CDV nói riêng, và nhìn rộng ra là để đánh giá diện mạo của điện ảnh Việt Nam qua 60 năm phát triển, e sẽ là thiếu công bằng. Bởi ngoài giải thưởng phim truyện nhựa còn có giải thưởng CDV 2012 trao cho công trình nghiên cứu lý luận - phê bình điện ảnh "Năng khiếu, tài năng và vấn đề tuyển chọn sinh viên" của PGS.TS Trần Thanh Hiệp; CDB cho tiểu luận nghiên cứu "Đạo diễn Nguyễn Hồng Sến - con người và tác phẩm" của cố đạo diễn, NSND Nguyễn Hải Ninh. Ở thể loại phim khoa học, CDV được trao cho phim "Những gia đình ở Tràm Chim" (đạo diễn Vũ Hoài Nam); CDB thể loại phim tài liệu điện ảnh được trao cho "Những người chốt giữ Thành Cổ" (NSƯT Phạm Huyên); CDB thể loại tài liệu truyền hình được trao cho phim "Chuyện hai người lính" (đạo diễn Vũ Phong Cầm). Ở thể loại phim truyền hình, CDV được trao cho phim "Thái sư Trần Thủ độ" (đạo diễn Đào Duy Phúc).

Xét riêng ở thể loại phim tài liệu, theo thống kê mỗi năm chúng ta có tới hàng trăm phim được sản xuất (kể cả thể loại phim nhựa, video) được sản xuất bởi Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, các hãng phim truyền hình, các đài truyền hình, Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim Giải phóng... Việt Nam cũng từng có một lưng vốn kha khá những bộ phim tài liệu tham dự các LHP quốc tế, gặt hái thành công và để lại dấu ấn với người xem. Có thể kể như phim "Chị Năm khùng", "Sự nhọc nhằn của cát", "Trở lại Ngư Thủy", "Di chúc của những oan hồn, "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai", "Cao nguyên đá", "Thời chiến họ còn rất trẻ"... của những nhà làm phim tài liệu tâm huyết với nghề như Nguyễn Thước, Nguyễn Sỹ Chung, Văn Lê, Trần Văn Thủy, Lại Văn Sinh, Trần Thế Dân, Lê Mạnh Thích... Và khi ra đấu trường điện ảnh quốc tế, bất kỳ ở thể loại nào, những bộ phim ấy đều là phim "made in Việt Nam", niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam. Tới đây, Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam sẽ được tổ chức trọng thể (sáng ngày 14-3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên VTV).

Theo kế hoạch, lễ mừng sinh nhật 60 năm ngành điện ảnh sẽ diễn ra trong không khí đậm chất điện ảnh khi các ca khúc thể hiện đều là những bài hát gắn với những bộ phim nổi tiếng. Bộ phim tài liệu của đạo diễn Nguyễn Thước "Những chặng đường điện ảnh cách mạng Việt Nam" sẽ được chiếu tại buổi lễ. Trước đó, hoạt động kỷ niệm được mở màn với tuần phim kỷ niệm diễn ra trên khắp cả nước từ ngày 8-3 - 15-3. Trong tuần phim, khán giả cả nước có dịp được thưởng thức miễn phí một số bộ phim truyện, tài liệu và hoạt hình tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam ở từng giai đoạn như: "Chung một dòng sông", "Cánh đồng hoang", "Đời cát", "Mùi cỏ cháy", "Cánh đồng bất tận"... Hi vọng, nhân dịp này kể cả những người làm nghề và khán giả đều có cái nhìn bao quát hơn, rộng lượng hơn, và sau đó là sự lạc quan hơn về con đường phát triển điện ảnh Việt Nam trong tương lai.

Trở lại với giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam, dù tôn vinh CDV cho "Thiên mệnh anh hùng" ở thể loại phim truyện nhựa được coi là xứng đáng, nhưng cũng không thể phủ nhận đã nhiều mùa giải qua, không ít cánh diều bay lên mà chưa được no gió. Sau lễ trao giải, dư âm liên quan đến cánh diều còn nhiều, nhưng có một điều mà đại đa số khán giả đều băn khoăn thắc mắc là tại sao BTC giải thưởng CDV lại thích "chơi trò bí ẩn" khi nhiều phim được trao mà chưa được công chiếu, khiến khán giả không thể kiểm chứng hay đánh giá được tính xác thực của giải thưởng. Chúng tôi sẽ sớm trở lại với những bài viết trả lời câu hỏi này giúp bạn đọc.

Triết Giang

khoa học gia quốc tế phát triển bão công nghệ điện ảnh thiếu công bằng việt nam nghiên cứu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...