Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Những người bạn của Sơn Mỹ

quân đội chiến tranh việt nam

QĐND - Mỹ Lai đã khiến những người đàn ông trở thành bạn thân xuyên Đại Tây Dương. Họ là những người luôn muốn làm những điều tốt đẹp nhất có thể cho Sơn Mỹ.

Dáng người cục mịch, béo tròn, vai khoác chiếc ba lô bạc màu, thoạt nhìn chẳng có dấu hiệu nào cho thấy Michael Bilton là một tay viết phóng sự điều tra gạo cội của tờ Sunday Times có tòa soạn tại Luân-đôn, Anh. Thế nhưng, càng có dịp trò chuyện càng thấy người đàn ông từ xứ sở sương mù này quả là có tư duy vô cùng sắc bén với phông kiến thức rộng, đặc biệt là về cuộc chiến tranh Việt Nam do Mỹ gây ra.

Michael Bilton luôn khẳng định rằng chính cuộc chiến Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ông. "Khi tôi bắt đầu bước vào tuổi thanh niên thì cũng là lúc Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam. Lúc đó, nhiều người dân Anh nhận rõ, đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa. Khi biết đến vụ thảm sát Mỹ Lai, tôi cũng như nhiều người Anh khác đã bị sốc nặng", Michael Bilton nhớ lại.

Michael Bilton (bên trái) và người bạn Mỹ Larry Colburn tại Khu chứng tích Sơn Mỹ năm 2008.

Cây bút người Anh nói rằng, sau khi bước vào nghiệp báo, như nhiều người khác, ông luôn muốn viết về những đề tài mà còn nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ. Vụ thảm sát Mỹ Lai, lúc bấy giờ không có nhiều thông tin rõ ràng như ngày nay, luôn lởn vởn trong đầu anh. "Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi làm cho kênh truyền hình Yorkshire. Khoảng tháng 3-1988, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm vụ thảm sát Mỹ Lai, đồng nghiệp của tôi là Kevin Sim hỏi: "Anh nghĩ thế nào nếu chúng ta làm một bộ phim tài liệu về Mỹ Lai?". Nghe thấy vậy, tóc gáy tôi dựng đứng lên", Michael Bilton kể.

Michael Bilton lao vội đến thư viện địa phương. Những tài liệu bước đầu tìm được về vụ Mỹ Lai khiến ông bất ngờ. "Tôi tìm thấy được báo cáo của quân đội Mỹ cho thấy không chỉ mình William Calley, viên trung úy đã bị kết tội giết người, dính líu đến vụ thảm sát mà còn ít nhất 50 lính Mỹ nữa. Không những vậy, ngoài Calley chỉ bị giam lỏng 35 tháng, những lính Mỹ đã giết hại dã man thường dân gồm toàn trẻ em, phụ nữ, người già không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Thậm chí, quân đội Mỹ còn cố tình che giấu sự vụ đi. Đây là điều không thể chấp nhận được và tôi phải quyết đi đến cùng sự thật", ông hồi tưởng.

Năm 1988, Michael Bilton cùng đoàn làm phim đến Sơn Mỹ. Một trong những kỷ niệm mà ông nhớ nhất là được một người phụ nữ thoát chết trong vụ thảm sát kể lại câu chuyện trong gần một giờ đồng hồ. Câu chuyện mà bà qua bao nhiêu năm chưa từng kể lại với ai vì ký ức quá đau đớn. "Cả đoàn làm phim chúng tôi đã không thể kìm được nước mắt", Michael Bilton kể. Ông cũng đã bay sang Washington, dành hàng trăm giờ đồng hồ lùng sục trong thư viện của Quốc hội Mỹ và tìm được gần hai vạn trang tài liệu, trong đó có cả những biên bản hỏi cung được giải mật về vụ Mỹ Lai. Đoàn làm phim của Michael Bilton còn tìm mọi cách tiếp cận thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn các cựu binh Mỹ liên quan đến vụ thảm sát. Bộ phim tài liệu điều tra mang tên Remember My Lai? (tạm dịch: Tưởng nhớ Mỹ Lai) hoàn thành và được đài PBS phát sóng tại Mỹ năm 1989. Bộ phim làm rúng động nước Mỹ khi đào sâu, làm rõ một trong những tội ác ghê rợn nhất do quân đội Mỹ gây ra tại Việt Nam. Remember My Lai? là cột mốc trong sự nghiệp của Michael Bilton và mang tới cho ông những người bạn mới./.

Bài và ảnh: ĐẶNG LÊ

(Còn nữa)

Trên tấm bia đá lớn màu đen đặt giữa phòng trưng bày hiện vật ở khu chứng tích Sơn Mỹ có khắc 504 cái tên. Nam có, nữ có. Có người 60 tuổi, có người 70 tuổi. Và có tổng cộng 142 trẻ em dưới 10 tuổi. Tất cả những người này vô cớ bị lính Mỹ giết hại một cách man rợ vào ngày 16-3-1968. Sơn Mỹ có bãi biển Mỹ Khê đẹp nổi tiếng. Từ năm 1945, xã có tên là Tịnh Khê (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Nhưng ở thời điểm xảy ra vụ thảm sát, ngụy quyền Sài Gòn gọi xã là Sơn Mỹ (sau năm 1975, xã lại mang tên cũ là Tịnh Khê). Trên bản đồ tác chiến của lính Mỹ lại ghi là "My Lai", tên của một thôn ở Sơn Mỹ: Thôn Mỹ Lai. Từ đó Sơn Mỹ hay Mỹ Lai được nhắc đến đồng nghĩa với vụ thảm sát.

việt nam chiến tranh quân đội

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...