Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Những nguy cơ mới

chính phủ thủ tướng

Quốc hội Pakistan vừa giải tán sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm. Sự kiện này đã mở đường cho việc thành lập Chính phủ lâm thời mới ở nước này để điều hành đất nước, thực hiện cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 5 tới.

Pakistan thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bất ổn

Quốc hội Pakistan giải tán ngày 17/3 sau khi hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm. Đây là lần đầu tiên trong 66 năm qua, Quốc hội tại Pakistan kết thúc trọn vẹn một nhiệm kỳ mà không có "điều tiếng" gì. Trước đây, Quốc hội Pakistan thường bị giải tán trước khi kết thúc nhiệm kỳ vì nhiều lý do khi mà Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội. Tuy nhiên, theo Hiến pháp sửa đổi gần đây của Pakistan, Tổng thống đã không còn quyền hạn này.

Sau khi Quốc hội giải tán, Pakistan sẽ có chính quyền lâm thời tiếp tục điều hành đất nước cho tới các cuộc tổng tuyển cử mới được tổ chức trong vòng 90 ngày. Theo dự kiến, Thủ tướng Raja Pervez Ashraf sẽ vẫn điều hành Chính phủ cho tới khi bầu được một Thủ tướng lâm thời. Trước đó, cùng ngày 17/3, Thủ tướng Ashraf cùng lãnh đạo 4 tỉnh ở Pakistan nhất trí sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội và hội đồng tỉnh trong cùng một ngày. Mặc dù đây là lần đầu tiên trong lịch sử 66 năm qua, Quốc hội Pakistan làm việc tới hết nhiệm kỳ 5 năm, song giới phân tích cho rằng, động thái trên chỉ mang tính hình thức. Bởi 4 năm trở lại đây, uy tín của Thủ tướng Pervez Ashraf và Chính phủ của ông đã bị sụt giảm đáng kể do mối quan hệ đồng minh áp đặt từ Mỹ và những nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Pervez Ashraf đã phải thừa nhận thực tế này khi nói rằng "Trong 5 năm qua chúng tôi đã không thể giải quyết hết những vấn đề của đất nước".

Thực tế cho thấy Pakistan đã trải qua đủ cung bậc "hỉ, nộ, ái, ố". Cuộc đối đầu giữa bộ máy quân sự với chính phủ dân sự, vai trò của Tòa án Tối cao Pakistan đã luôn khiến cho chính trường Pakistan nổi sóng. Trong đó, mâu thuẫn giữa chính phủ dân sự nắm quyền và giới quân sự vẫn tiếp diễn âm ỉ và chực chờ cơ hội bùng phát. Chính Tổng thống Pervez Ashraf cũng nhiều phen lao đao khi bản thân ông đã từng bị Tòa án Tối cao đưa lệnh bắt giữ với những vi phạm liên quan tới các dự án mua điện trong thời kỳ ông giữ chức Bộ trưởng Điện- nước.

Bài toán khó hiện nay là Chính phủ lâm thời mới sẽ điều hành đất nước ra sao và cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ diễn ra như thế nào? Ở thời điểm hiện nay, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng Tòa án Tối cao và quân đội sẽ bắt tay nhau chuẩn bị lực lượng hòng giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Tuy nhiên, một điều chắc chắn phe dân sự Pakistan cũng sẽ không chịu ngồi yên. Sau 3 năm làm Chủ tịch Đảng Nhân dân Pakistan (PPP), Bilawal Bhutto Zardari, con trai duy nhất của cố Thủ tướng Benazir Bhutto với Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari, sẽ ra tranh cử, một động thái nhằm thay đổi hình ảnh của Đảng này cũng như lấy lại lòng tin của dân chúng. Nhưng liệu đây có phải là một sự lựa chọn hoàn hảo đối với tất cả các đảng phải chính trị Pakistan trong cuộc tổng tuyển cử 90 ngày tới hay không, chưa ai có thể khẳng định.

Đã có một số ý kiến cho rằng, quân đội và tòa án đang ngầm liên kết với nhau để kiềm chế quyền lực của các lực lượng dân sự. Vì thế, nếu bất ổn chính trị xảy ra rất có thể Pakistan sẽ rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng mới.

Nhật Quang

thủ tướng chính phủ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...