Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Sữa 'bẩn' gắn mác ngoại đang bào mòn sức khỏe người dân?!

thông tin việt nam công ty kiểm tra tổng thư ký dinh dưỡng thị trường chất lượng sản phẩm thị trường việt nam an toàn kiểm tra sức khỏe chất lượng quản lý nhà nước xử lý nghiêm nhà nước cơ quan quản lý nhà nước người tiêu dùng gia sức khỏe quảng cáo giấy chứng nhận tiêu dùng sản phẩm doanh nghiệp

Người tiêu dùng chưa hết "sốc" trước thông tin, sữa dê Danlait (có xuất xứ từ Pháp) "có vấn đề" về chất lượng, thổi phồng công dụng thật của sản phẩm. Sau sự việc trên nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn vô tư thẩm định, cấp phép nhập khẩu mà không nghĩ đến sức khỏe người dân?

Lộ mặt "sữa rởm đeo mác ngoại"

Vụ việc xảy ra vào ngày 21/2, khi đội quản lý thị trường số 12, chi cục Quản lý thị trường Hà Nội bất ngờ kiểm tra tổng kho sữa dê Danlait của công ty TNHH Mạnh Cầm (đơn vị nhập khẩu, phân phối sản phẩm tại thị trường Việt Nam) có địa chỉ tại số 13, ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một số vi phạm về quy chế nhãn mác (không ghi đầy đủ, rõ ràng tên gọi sản phẩm theo yêu cầu).

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty Mạnh Cầm luôn khẳng định sản phẩm là sữa và trên nhãn phụ của sản phẩm cũng là sữa nhưng trên giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cấp lại là thực phẩm bổ sung. Thực tế hoàn toàn trái ngược giữa giấy phép được cấp với nhãn mác sản phẩm được đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường. Với những nhập nhèm trên, đội Quản lý thị trường số 12 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ hơn 6.000 hộp sữa, mang đi dịch nhãn mác gốc và nhãn phụ xem có đúng quy định hay không đồng thời lấy mẫu gửi xét nghiệm kiểm tra chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Kiều Đình Cảnh, đội phó Đội Quản lý thị trường số 12 cho biết: "Sản phẩm sữa dê Danlait, nhập khẩu về Việt Nam một năm nay, hiện trên thị trường vẫn còn vì các cửa hàng chưa bán hết. Trong một năm qua công ty Mạnh Cầm đã nhập khẩu 40.000 hộp sữa, trong đó 34.000 hộp đã phân phối ra các cửa hàng kinh doanh, ở trụ sở chính còn lại 6.000 hộp. Giá bán cho các cửa hàng kinh doanh là 350.000 đồng /hộp, còn giá bán cho người tiêu dùng từ 410.000 415.000 đồng /hộp. Hiện tại còn bao nhiêu hàng ở các cửa hàng bán lẻ thì vẫn không thể kiểm soát được".

Người tiêu dùng bị loạn thông tin trước thị trường sữa Việt Nam.

Ông Cảnh cũng cho biết thêm, một hộp sữa trọng lượng 400gram tại nước ngoài bày bán chỉ ở mức 3 euro, tức là tương đương 80.000 đồng, nhưng sau khi nhập khẩu vào Việt Nam, công ty TNHH Mạnh Cầm phân phối, giá được đẩy lên cao gấp bốn lần. Nếu đúng vậy thì không thể chấp nhận, vì cộng tất cả chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu vào cũng không cao như vậy được.

Đến tận bây giờ chị Triệu Vương (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) vẫn không hết bức xúc khi kể về việc không may mua phải sản phẩm sữa kém chất lượng của hãng Abbott. Cụ thể, sau khi lựa chọn, tìm hiểu rất nhiều thông tin về sữa cho trẻ em, chị Vương quyết định mua một hộp sữa nhãn hiệu Grow Advance về cho con uống. Điều khiến chị cùng gia đình bất ngờ ở chỗ: "Sau khi pha thì sữa không tan hết mà nổi váng, dù được pha bằng nước ấm. Từng đợt váng như hạt gạo được nghiền làm 3, 4 miếng nhỏ cứ đua nhau nổi lên. Tôi càng để lâu thì càng nhiều váng, vẩn vào với nhau. Lấy những hạt đó ra và cắn thử thì thấy có vị đắng. Thấy biểu hiện khác thường của cốc sữa, tôi nghi ngờ sữa "có vấn đề", mang xem hạn sử dụng và tìm số điện thoại đường dây nóng. Hộp sữa vẫn còn HSD đến năm 2014 còn số điện thoại liên hệ với NSX thì tìm mãi không ra".

"Con không tăng cân lại còn bị thiếu chất"

Không chỉ một hai trường hợp trên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết rất nhiều người dân phản ánh về chất lượng sản phẩm sữa nhập khẩu theo đường chính ngạch trên thị trường hiện nay. Đa phần ý kiến đều cho biết, hiện tại có rất nhiều nhà nhập khẩu, phân phối sản phẩm sữa nhập nhằng trong việc dán nhãn mác sản phẩm. Họ cố tình sử dụng những tên, nhãn mác kiểu như sữa tăng cân cho người gầy, giảm cân cho người béo, sữa bột nguyên chất có độ dinh dưỡng cao. Thế nhưng, thực chất đây chỉ là chiêu đánh lừa người tiêu dùng, bởi chất lượng thực không như quảng cáo. Họ lấy mác sữa ngoại để đẩy giá cao, nhằm chặt chém khách hàng.

Đề cập tới vấn đề trên, chị Lê Thu Huyền, trú tại Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng: "Thông tin về các loại sữa hiện nay rất mù mờ, gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm. Khi đứng giữa siêu thị, trong kệ sữa với vô vàn các hãng sữa nổi tiếng khác nhau từ Abbott, Vinamilk, FrieslandCampina VN, Nestle... Tôi tỷ mẩn giơ từng hộp sữa lên, mắt dò đọc nghiên cứu thông tin trên nhãn những hộp sữa gần tiếng đồng hồ nhưng vẫn không thể hình dung nổi cùng loại sản phẩm trước đây mình mua về dùng gọi là sữa bột nay lại có những tên rất lạ như sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung. Vậy làm thế nào để phân biệt, so sánh chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng như tôi rất cần lời khuyên, tư vấn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, mà đó mới chỉ là nhãn hiệu chứ chưa nói về mặt chất lượng sản phẩm. Đó còn chưa kể tới việc một số bạn bè tôi phản ánh trong quá trình sử dụng sữa tăng cân cho con nhưng chẳng hiểu sao cháu không tăng cân mà chỉ thấy chậm mọc răng, thậm chí còn chậm tăng cân hơn so với trước khi dùng sữa".

Hay như trường hợp chị Thùy Linh ở Thanh Xuân, Hà Nội tỏ ra vô cùng hoang mang và lo ngại với thị trường sữa hiện nay. Chị cho con sử dụng sữa Danlait được mấy tháng nay. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra sức khỏe cháu bé vẫn không tăng cân, bác sĩ còn cho rằng con chị bị thiếu chất. Trước khi cho con uống sữa ngoại, chị đã tìm hiểu kỹ nguồn gốc sản phẩm và tin tưởng bởi có doanh nghiệp phân phối ở Việt Nam. Nếu đúng là sản phẩm bổ sung thì người tiêu dùng đã bị lừa trắng trợn. Điều khiến chị bức xúc hơn vì đây lại là sản phẩm dành cho đối tượng trẻ em và được công ty của Việt Nam nhập về hẳn hoi. Nay họ cố tình lừa dối khách hàng để kiếm lợi nhuận thì cũng đành chịu. Chỉ lo lắng cho rất nhiều trẻ đã sử dụng nhưng không biết sắp tới sức khỏe, tính mạng có bị ảnh hưởng gì không nếu uống phải sữa giả, sữa kém chất lượng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, một sản phẩm sữa trước khi bán ra thị trường phải được các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm tra và cấp phép. Nếu doanh nghiệp quảng cáo sai, quảng cáo không đúng với bản chất thực sự của sản phẩm thì đó là hành vi lừa dối người tiêu dùng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Qua quá trình kiểm tra sản phẩm cho thấy, rõ ràng đây là hành vi lừa đảo có hệ thống đối với người tiêu dùng. Vì lợi nhuận riêng của mình mà doanh nghiệp đã cố tình thay đổi nhãn mác, bất chấp an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng. Hành vi này cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật, ông Tuấn khẳng định.

Cố ý nhập nhằng để lừa người tiêu dùng

Ông Lê Văn Giang, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trước kia chưa có Quy chuẩn Việt Nam QCVN 5-2:2010/BYT, nhiều sản phẩm không đủ hàm lượng 34% vẫn gọi là sữa bột nhưng kể từ ngày 1/1/2011, Quy chuẩn trên có hiệu lực các sản phẩm không đủ hàm lượng protein 34% được gọi theo các tên khác như thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức dinh dưỡng để đúng với bản chất sản phẩm hơn và dễ phân biệt cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau khi đổi tên, nhiều hãng vẫn ghi nguyên tên cũ, chỉ bỏ đi một chữ sữa và họ thay vào đó là cụm từ thực phẩm tăng cường chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung... rất nhỏ và khó đọc, đây chính là sự nhập nhằng gây sự ngộ nhận của người tiêu dùng.

Anh - Thiệu - Linh

cơ quan quản lý nhà nước người tiêu dùng nhà nước thị trường việt nam an toàn xử lý nghiêm chất lượng gia quảng cáo chất lượng sản phẩm sức khỏe kiểm tra doanh nghiệp thị trường kiểm tra sức khỏe việt nam dinh dưỡng quản lý nhà nước công ty giấy chứng nhận sản phẩm tiêu dùng tổng thư ký thông tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...