Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Vụ sữa Danlait: Mọi vi phạm đều bắt nguồn từ doanh nghiệp?

việt nam sản phẩm văn bản pháp luật giấy chứng nhận đại sứ quán công ty chất lượng thông tin chất lượng sản phẩm quy định thị trường an toàn kiểm tra

Hiện tại, dư luận rất hoang mang trước thông tin về những nghi vấn xung quanh nhãn hiệu sữa dê Danlait là hàng nhái, kém chất lượng. PV báo Người đưa tin đã có buổi trao đổi với ông Lê Văn Giang, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế về vấn đề này.

Đã sai thì phải sửa

Thưa ông, thời gian gần đây dư luận đang dấy lên nghi vấn công ty Mạnh Cầm đã lừa dối khách hàng, bán sữa Danlait nhập khẩu từ Trung Quốc với chất lượng không đảm bảo, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Cần khẳng định ngay, đó là sản phẩm thực phẩm bổ sung. Sữa dê Danlait là mặt hàng nhập khẩu nguyên lon từ Pháp về Việt Nam, các giấy tờ trong hồ sơ sản phẩm đầy đủ, thông tin trong hồ sơ minh bạch rõ ràng. Sau khi nhận được những thông tin về nghi vấn sản phẩm này giả, cục ATVSTP đã gửi công văn tới Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đề nghị Tổng cục Quản lý Thực phẩm xác nhận lại nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thực phẩm bổ sung - sữa dê Danlait. Ngày 25/2, tổng cục Thực phẩm, bộ Nông nghiệp, Nông lương và Lâm sản Pháp đã có văn bản trả lời và xác nhận các sản phẩm này do công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu được lưu hành tại Pháp và tuân thủ đầy đủ các quy định an toàn thực tại quốc gia này. Đồng thời, tổng cục Quản lý Thực phẩm Pháp cũng khẳng định, chất lượng của sản phẩm này là hoàn toàn bảo đảm.

Ông Lê Văn Giang.

Lực lượng quản lý thị trường vừa phát hiện công ty Mạnh Cầm không ghi đầy đủ tên sản phẩm trên nhãn phụ để cố ý lừa dối khách hàng, điều này trái ngược với giấy phép được cấp. Vậy ông có ý kiến gì về việc trên và biện pháp xử lý đối với vi phạm đó như thế nào?

Việc phía công ty TNHH Mạnh Cầm ghi thiếu tên nhóm sản phẩm như đã đăng kí từ thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait thành sữa dê Danlait là sai về mặt nguyên tắc. Chúng tôi không biết những lí do khách quan, chủ quan của sự thay đổi này. Tên sản phẩm ghi trong hồ sơ và tên ghi trên nhãn phụ được Cục xác nhận đều là thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait. Tuy nhiên khi ra thị trường, việc công ty tự ý bỏ một cụm từ nào đó thì trách nhiệm thuộc về công ty. Mặc dù, những sản phẩm này ghi tên không đầy đủ trên nhãn phụ so với tên đã đăng kí, nhưng chúng vẫn đạt chất lượng tốt. Bởi lẽ trong quá trình nhập khẩu vào Việt Nam, mỗi lô hàng đều được cơ quan kiểm tra Nhà nước về nhập khẩu kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu và đã được cơ quan kiểm dịch thú y của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam kiểm tra trước khi thông qua. Bên cạnh đó, mặt hàng này đã được bán tự do ở Pháp và châu Âu, tức là nó an toàn cho người Pháp và châu Âu rồi. Vì thế về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và tính an toàn của sản phẩm là không có gì phải bàn.

Về hướng xử lý giải quyết sai phạm của công ty TNHH Mạnh Cầm, chúng tôi cho rằng đã sai thì phải sửa. Trước mắt, cục ATVSTP sẽ phối hợp với cục Quản lí thị trường để bàn những giải pháp xử lí, yêu cầu công ty khắc phục, sửa lại tên sản phẩm cho đúng với tên đã công bố.

Quy chuẩn về sữa bột có hiệu lực từ ngày 1/1/2013

Trước đây, có những sản phẩm không đủ độ đạm 34% nhưng vẫn được lưu thông với cái tên sản phẩm là sữa, như vậy liệu có vi phạm các quy định của pháp luật?

Trước đây do không có văn bản quy định cụ thể mức chỉ tiêu hàm lượng protein trong sữa, nên cơ quan quản lý không đủ căn cứ để phân các sản phẩm sữa bột và các sản phẩm thực phẩm bổ sung được sản xuất từ sữa bột. Do vậy, hầu hết chúng đều được gọi với cái tên là sữa. Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định về ghi nhãn hàng hóa và Thông tư số 09/2007/BKHCN hướng dẫn cho Nghị định này yêu cầu tên sản phẩm phải thể hiện đúng với bản chất sản phẩm. Kể từ ngày 01/1/2013/QCVN 5-2-2010/BYT quy chuẩn về sữa bột có hiệu lực, các sản phẩm thực phẩm không đủ 34% khi hết hạn phải công bố lại thì được đổi tên cho phù hợp. Như vậy, với những sản phẩm sữa không đủ 34% được cấp giấy chứng nhận trước ngày 01/1/2013 đến nay nếu chưa hết thời hạn 3 năm chưa phải công bố lại, thì vẫn còn mang tên là sữa.

Cục đã bao giờ tiến hành hậu kiểm đối với những sản phẩm sữa và các sản phẩm từ sữa đã được cấp phép? Với mặt hàng xách tay, nó sẽ được kiểm soát chất lượng ra sao, thưa ông?

Hàng tháng, hàng quý Cục đều có kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm để kiểm tra các mặt hàng thực phẩm, chứ không chỉ riêng mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa. Vì chủng loại các sản phẩm thực phẩm rất phong phú, chỉ nói riêng mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa cũng có rất nhiều loại. Cho nên cơ quan hậu kiểm không thể kiểm tra hết tất cả. Thường xuyên, chúng tôi phải phân nhóm những sản phẩm có nguy cơ cao để ưu tiên đưa vào kế hoạch kiểm tra trước. Đối với hàng xách tay, đây là hàng không được phép lưu thông trên thị trường. Việc kiểm tra hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm không đơn giản chỉ là nhiệm vụ của Cục ATVSTP mà còn có sự tham gia của rất nhiều ngành chức năng khác như: Thanh tra chuyên ngành, quản lí thị trường, công an kinh tế...

Ngoài ra, chính địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra những sản phẩm thực phẩm lưu thông trên địa bàn của mình. Còn về ý kiến cho rằng, Cục đã nhân nhượng trong cấp phép, chúng tôi cho rằng không có cơ sở. Chúng tôi làm việc đều dựa vào các quy định và văn bản pháp luật của Nhà nước theo quy trình nghiêm ngặt. Nếu sản phẩm thực phẩm của công ty nào đáp ứng được những chỉ tiêu của văn bản quy định, chúng tôi mới cấp giấy tiếp nhận hợp quy, hoặc giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Xin cảmơn ông!

Phạm Thiệu(Thực hiện)

chất lượng sản phẩm văn bản pháp luật an toàn sản phẩm việt nam đại sứ quán thị trường thông tin kiểm tra chất lượng công ty quy định giấy chứng nhận

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...