(PL&XH) - Cách đây 10 năm, thế giới đã chứng kiến chiến dịch ném bom kinh hoàng của Mỹ xuống thủ đô Baghdad của Iraq với những đám cháy nghi ngút.
Chiến dịch này và 10 năm đẫm máu vừa qua đã dẫn đến những hậu quả tàn khốc đối với một đất nước từng nằm trong số các nước tiên tiến nhất của khu vực Trung Đông. Đến lúc này nhiều người mới hiểu ra rằng: tất cả các bên đều thua trong cuộc chiến tại Iraq.
Giờ đây Iraq là một vùng đất chết với sự đổ nát hoang tàn.
Sa lầy khủng hoảng chính trị
10 năm sau cuộc xâm lược, người Iraq vẫn tiếp tục chết vì tình trạng bạo lực phe phái, chiến tranh cũng như sự phá hủy các cơ sở hạ tầng, không có nước sạch, không có dịch vụ y tế và các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Một triệu trẻ em đã bị mất ít nhất cha hoặc mẹ và hàng trăm nghìn người bị thương nặng. Về hình thức, Iraq hiện đã được "tự do" vì người lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Iraq vào ngày 28-12-2011 mà không để lại một chút dấu vết nào của cái gọi là nền dân chủ Mỹ, nhưng đất nước này hiện đang bị sa lầy vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Sự chia rẽ giữa hai cộng đồng tôn giáo là người Shiite và người Sunni, giữa sắc tộc người Arab và người Kurk đã gia tăng gay gắt.
Tháng 7-2003, dưới ảnh hưởng của những người chống đối của người Shiite và người Kurk dưới chế độ Saddam Hussein, Mỹ đã thành lập Hội đồng chính phủ lâm thời đầu tiên. Nhưng Hội đồng này được lập ra, tuy thành phần đa dạng, nhưng thực ra lại là một hội đồng theo chỉ tiêu chứ không phải để thúc đẩy tiến bộ và hòa hợp dân tộc. Tồi tệ hơn nữa, là "chỉ tiêu phe phái" như thế này đã lan rộng và duy trì ở Iraq cho đến tận bây giờ, để ngỏ cửa cho một sự Balkana hóa, tức là chia Iraq thành 3 phần. Nói như vậy để thấy rằng, thành lập được một chính phủ ở Iraq mà các bên, các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc cùng có thể chấp nhận được, là một điều vô cùng khó khăn.
Iraq đang trượt sâu vào một chế độ độc tài. Nouri Al-Maliki, thủ tướng người Shiite từ năm 2006, được Mỹ mô tả là một nhà dân chủ, vẫn phải đối mặt với sự phản đối của nhân dân vì họ coi ông này là một "nhà độc tài mới." Ông Al - Maliki bị tất cả các phe phái chính trị tố cáo là tìm cách nắm quyền vĩnh viễn, đã rất khéo léo thể hiện vai trò "tổng tư lệnh" các lực lượng vũ trang để tự mình bổ nhiệm hàng trăm chỉ huy và sĩ quan mà không thông qua Quốc hội. Ông ta cũng không quên bổ nhiệm những người thân cận của mình vào các chức vụ chủ chốt của bộ máy nhà nước.
Thất bại của Mỹ
Khi rút quân khỏi Iraq vào năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã để lại một đất nước Iraq hỗn loạn. Người Iraq đang trải qua những khó khăn về chính trị tự nhiên trong một nền dân chủ còn chưa bắt đầu. Thất bại của Mỹ tại Iraq là một minh chứng rõ ràng cho thất bại của dự án đổi mới khu vực Trung Đông và là nơi cuộc xâm lược Iraq được coi là "hòn đá tảng đầu tiên". Với việc lên cầm quyền của ông Obama, chiến lược của Mỹ đã thay đổi, theo đó vấn đề về nền dân chủ trong thế giới Arab không còn là ưu tiên nữa. Giờ đây, kinh nghiệm đau đớn từ cuộc xâm lược quân sự tại Iraq vẫn in sâu trong tâm trí của ông Obama và những người hoạch định chính sách của Mỹ, và họ đã rút ra được những bài học cần thiết để chống lại mọi sức ép đòi Mỹ phải đưa quân can thiệp vào Syria.
Với Washingtơn, cuộc chiến Iraq lại là một bài học đắt giá nữa, với gần 4.500 binh lính Mỹ bị thiệt mạng, 34.000 người trở về bị thương tật và hàng trăm nghìn người bị chấn thương về tâm lý, khoảng 700 tỷ USD đã được ném vào cuộc chiến này. Đây mới là con số tính toán chưa đầy đủ. Điều không hay là tất cả những sự hy sinh, mất mát ấy, cả những vụ giết người và bạo lực đẫm máu ở Iraq lại xảy ra trên cơ sở những nhận định dối trá của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), khẳng định rằng Chính phủ Iraq lúc bấy giờ đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Những cái cớ này được Mỹ sử dụng để tiến hành cuộc chiến tranh không kém tàn ác hơn những cái cớ được Đế chế Reich đệ tam sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lược của Đức nhằm vào Ba Lan và các nước khác khi bắt đầu cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai. Nếu Đức Quốc xã phạm tội gây ra một cuộc chiến tranh ở châu Âu dẫn đến nạn diệt chủng, thì việc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh chống Iraq đã dẫn đến việc phá hủy có hệ thống một xã hội ở đây và gây ra những hệ quả khôn lường cho đất nước này và toàn khu vực Trung Đông đến tận bây giờ.
Cuộc chiến tranh chống Iraq còn chứng tỏ một điều rằng chưa bao giờ kể từ những năm 1930, khi các chế độ phát xít Hitler và Mussolini ở đỉnh cao của sức mạnh và cơn điên rồ, thế giới phải đối mặt với một thái độ hung bạo như Chính quyền Bush cách đây ít năm, cụ thể là sau khi Mỹ bị tấn công khủng bố kinh hoàng hôm 11-9-2001. Ý đồ được thông báo công khai của các nhà quân sự Mỹ, rằng họ sẽ bắn hàng nghìn quả tên lửa và bom xuống thành phố Baghdad nằm trong một chiến lược có ý thức nhằm khủng bố Iraq và những quốc gia bị Mỹ cho là có quan hệ với Al-Qaeda nói chung. Chính các quan chức của Lầu Năm Góc cũng gọi đây là chiến lược "cú sốc kinh hoàng". Tuy nhiên, khi cuộc chiến Iraq dẫn đi đến hồi kết, người dân Mỹ đã dần biết đến những sự thật kinh hoàng của cuộc chiến này, một cuộc chiến thất bại và chắc chắn hậu quả sẽ còn rất lâu dài đối với nước Mỹ.
Minh Tâm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét