Trong mùa mưa lũ sắp tới, để giảm thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là mưa bão gây ra, các địa phương, các bộ, ngành và người dân phải luôn ở trong thế chủ động trên các khía cạnh nhân lực, vật lực cũng như công tác dự báo.
Huy động tổng lực
Thành công lớn nhất sau 5 năm triển khai Chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (2008-2012) là số người chết và bị thương giảm nhiều. Tuy nhiên, thiệt hại về vật chất do thiên tai gây ra lại tăng khá mạnh. Thực tế này đòi hỏi các địa phương, các bộ, ngành phải nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ an toàn tính mạng cũng như tài sản của nhân dân trước thiên tai.
Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 năm 2009 - 2011, mức đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, trong đó có lĩnh vực phòng tránh giảm nhẹ thiên tai (PTGNTT) đạt khoảng 286.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước. Ông Nguyễn Xuân Diệu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - cho biết, nhờ nguồn kinh phí này mà mức đầu tư và khối lượng hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng cho PTGNTT trong 5 năm qua tăng đáng kể so với các năm trước. Theo đó, những đoạn đê sông xung yếu nhất thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ và khu Bốn cũ, vốn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố lớn mỗi khi có lũ cao, đã được ưu tiên đầu tư gia cố vững chắc hơn. Hiệu quả rõ nhất của sự ưu tiên đầu tư này là toàn bộ các tuyến đê sông và đê biển từ cấp 3 trở lên ở các khu vực này đều an toàn trước sự tác động mạnh mẽ, ác liệt của nhiều đợt lũ, bão trong những năm qua.
Bão đánh chìm tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Tiền Hải, Thái Bình. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Trưởng Ban chỉ đạo PCLBTW Cao Đức Phát: "Nhiều người cho rằng, BĐKH là một vấn đề không tồn tại, nhưng tôi xin khẳng định, BĐKH là có thật và chúng ta không thể thay đổi được điều này; thậm chí, nó còn diễn biến ngày càng trầm trọng với những hậu quả không thể dự đoán trước được". |
Bên cạnh đó, hệ thống cụm tuyến dân cư tránh lũ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các công trình nhà tránh lũ ở miền Trung, các khu neo đậu tàu thuyền cấp vùng cũng đã được đầu tư xây dựng, giúp giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người và phương tiện do mưa lũ gây ra.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), số người chết và mất tích trong 5 năm qua là 1.868 người, giảm 162 người so với cùng kỳ 5 năm trước; số người bị thương là gần 3.000 người, giảm 600 người so với cùng kỳ 5 năm trước. Các tỉnh ĐBSCL là vùng giảm được nhiều nhất thiệt hại về người. Điển hình là trận lũ năm 2000, toàn vùng có 481 người chết và mất tích; trận lũ năm 2011 tương đương năm 2000 nhưng chỉ có 89 người chết. Tổng thiệt hại về vật chất do thiên tai 5 năm qua lên đến gần 74.000 tỷ đồng (nếu tính theo giá tại thời điểm năm 1994 thì tổng thiệt hại 5 năm qua là gần 41.000 tỷ đồng, tăng 19.000 tỷ đồng so với 5 năm trước). Tỷ lệ thiệt hại về tài sản so với tổng sản phẩm quốc nội 5 năm qua là 1,5% GDP/năm (tỷ lệ cùng kỳ 5 năm trước chỉ là 1% GDP). |
Ưu tiên vốn cho dự án cấp bách
Theo Trưởng Ban chỉ đạo PCLBTW Cao Đức Phát, thiệt hại do thiên tai trong những năm qua còn lớn, mà nguyên nhân chính là do các địa phương và người dân còn chủ quan trong công tác phòng chống. Việc lồng ghép yêu cầu phòng ngừa thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, thành chưa được thực hiện một cách bài bản. Việc di dời dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai tại nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong 5 năm qua, thiệt hại về tính mạng đối với ngư dân hoạt động trên biển giảm đáng kể; thiệt hại về tính mạng đối với người dân khu vực ven biển do bão và áp thấp nhiệt đới còn giảm đến mức thấp nhất. Riêng năm 2012, các lực lượng hải quân, biên phòng và lực lượng cứu hộ của Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam đã cứu được trên 4.000 người, tăng gấp đôi so với năm trước; số phương tiện được cứu là 266 phương tiện, trong khi năm 2011 chỉ là 155 phương tiện. |
Ban chỉ đạo sẽ đề xuất với Chính phủ thành lập Trung tâm tìm kiếm cứu nạn vùng tại Kiên Giang (phụ trách cứu nạn khu vực Biển Tây và vịnh Thái Lan), Bến Tre (phụ trách khu vực ven biển ĐBSCL) và Nghệ An (phụ trách vùng Bắc Trung bộ). Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ về việc đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn công suất lớn có tầm hoạt động trên 1.000 hải lý để thực hiện có hiệu quả việc tìm kiếm cứu nạn trên biển trong tình huống xảy ra các cơn bão có cường độ mạnh.
Huyền Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét