PN - Tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội tràn lan đang khiến người lao động điêu đứng, nhiều người mất trắng các quyền lợi liên quan khi ốm đau, thai sản, nghỉ việc... Theo thống kê mới đây, trong tổng số nợ bảo hiểm xã hội khoảng 9.600 tỷ đồng trên cả nước, TP.HCM chiếm khoảng 1/5.
Người lao động vất vả đi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Vật vã chờ lương, bảo hiểm xã hội
Trong những ngày này, gần 200 công nhân Công ty Kyung Sung Vina (100% vốn Hàn Quốc, H.Hóc Môn, TP.HCM) phải vật vã bám công ty để ngăn chặn chủ doanh nghiệp (DN) tẩu tán tài sản. Công nhân Nguyễn Thị Lan cho hay, nhiều tháng nay công ty ứng lương nhỏ giọt và nợ lương của công nhân. Sau đó, giám đốc là ông Jung Young Woo bỏ đi đâu không rõ. Hệ quả là công nhân không có tiền đóng nhà trọ, tiền ăn. Thậm chí, nhiều người sinh con nhưng có nguy cơ "mất trắng" chế độ thai sản do DN đang nợ BHXH hàng trăm triệu đồng.
Tương tự, gần 1.000 công nhân Công ty Sae Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc, H.Củ Chi, TP.HCM) cũng điêu đứng vì một năm qua giám đốc công ty đã bỏ đi biệt tăm, để lại khoản nợ lương 3,7 tỷ đồng và nợ BHXH lên đến 8,1 tỷ đồng. Mặc dù công nhân kêu cứu khắp nơi, các cơ quan chức năng can thiệp, nhưng vụ việc vẫn rơi vào bế tắc.
Chị T.T.T. nguyên là chuyên viên phòng nhân sự Trung tâm điện thoại di động C.D.M.A (S-Telecom) thuộc SPT. Từ tháng 7/2008, chị T. làm việc tại S-Telecom, đến tháng 7/2011, chị xin nghỉ việc. Tuy nhiên, các chế độ của chị như bồi thường tiền bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác như trợ cấp thôi việc, tiền ốm đau chưa được công ty thanh toán. Chị T. đã khởi kiện SPT ra tòa để đòi quyền lợi và chị thắng kiện. Đầu năm 2013, chị T. xin làm việc ở một công ty khác với hợp đồng thời hạn một năm song chị T. lại bị "vạ lây" vì công ty cũ còn nợ BHXH.
"Đến cuối năm 2013 tôi sẽ chấm dứt hợp đồng lao động (LĐ), nghỉ việc và sinh con. Mặc dù công ty mới đóng đủ BHXH và tôi đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản sáu tháng, nhưng do S-Telecom chưa chốt sổ BHXH nên công ty mới cũng không thể chốt sổ. Việc "giam" sổ BHXH này có nghĩa tôi không thể nhận chế độ thai sản", chị T. lo lắng.
Phạt như ... "gãi ngứa"
Trong tổng số các công ty nợ BHXH khoảng 9.600 tỷ đồng trên cả nước, TP.HCM chiếm khoảng 1/5 tổng nợ. Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố, số nợ BHXH là 1.900 tỷ đồng (chiếm 7,8% tổng số phải thu trong năm). Nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ nợ BHXH cao là do các DN sản xuất kinh doanh khó khăn. Phần lớn số thu BHXH của TP.HCM là từ khối DN (trên 50.000 DN tham gia BHXH) nên hoạt động của DN ảnh hưởng rất lớn đến số thu. Mặt khác, cũng có nợ "ảo" do tình trạng DN không còn tồn tại nhưng chưa thể đưa ra khỏi danh sách nợ vì chưa xác minh được tình trạng của DN.
Theo ông Cao Văn Sang, bất cập hiện nay là các chế tài xử phạt các hành vi chậm nộp BHXH quá nhẹ. Quy định chậm đóng BHXH bị phạt tối đa 75 triệu đồng có tác dụng với DN quy mô nhỏ, song DN nợ hàng chục tỷ đồng cũng áp dụng xử phạt như trên chẳng khác nào "gãi ngứa", khiến DN tìm cách trì hoãn và chấp nhận nộp phạt. Với tình trạng nợ BHXH, giải pháp cuối cùng để thu nợ là khởi kiện, song lại gặp khó khăn ở khâu thi hành án. TP.HCM đi đầu trong cả nước về việc khởi kiện DN nợ BHXH (chiếm 80%). Từ năm 2012 đến nay, hệ thống BHXH thành phố đã khởi kiện trên 1.000 DN nợ BHXH song nhiều vụ việc rơi vào bế tắc do chủ DN "mất tích", bỏ trốn hoặc DN không còn tài sản, không có khả năng trả nợ.
Để tạo điều kiện cho các DN thực sự gặp khó trong sản xuất kinh doanh khắc phục từng bước tiền nợ, giải quyết chế độ cho người LĐ nghỉ việc tại các đơn vị này, BHXH TP.HCM đã có hướng dẫn: đồng ý giải quyết đóng trước tiền BHXH, BHYT để chốt sổ cho người LĐ nghỉ việc theo nguyên tắc DN phải đóng đủ số tiền BHXH, BHYT và tiền lãi chậm đóng phát sinh đến thời điểm thôi việc của người LĐ, đồng thời đóng bổ sung ít nhất bằng số nợ quỹ BHYT và nợ quỹ BHXH ngắn hạn (quỹ ốm đau, thai sản) để đảm bảo quyền lợi của người LĐ khác đang còn làm việc.
Tuy nhiên, với tình trạng nợ nần của nhiều DN hiện nay, việc đóng BHXH, BHYT như trên là bất khả thi. Chẳng hạn, tòa án đã tuyên buộc các công ty con của Công ty CP tập đoàn Mai Linh phải trả nợ BHXH trên 60 tỷ đồng; Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) trả nợ 12 tỷ đồng, nhưng đến nay các đơn vị này vẫn chưa thi hành án.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng phòng thu BHXH TP.HCM cho biết: nhiều người LĐ thiệt thòi, không được nhận BHXH vì công ty cũ nợ lương. Trường hợp chị T., do tình trạng khó khăn của SPT nên việc đóng BHXH, BHYT như trên là không thể, cơ quan BHXH đã mở lối bằng cách: chị T. làm đơn cam kết chấp nhận không tính quá trình tham gia BHXH ở SPT mà chỉ đề nghị chốt sổ BHXH cho thời gian làm việc ở đơn vị mới. Nếu hội đủ các điều kiện, chị sẽ được hưởng các chế độ liên quan. Sau đó, khi SPT thi hành án và đóng BHXH cho người LĐ, cơ quan BHXH sẽ cộng dồn thời gian đóng BHXH này để đảm bảo quyền lợi cho người LĐ. Cách giải quyết này có thể áp dụng đối với những trường hợp tương tự.
Thanh Sơn
Báo động doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp Ngày 10/10, tại buổi tổng kết 5 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, tình trạng nợ đóng BHTN của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Năm 2011, số nợ đọng BHTN là 172 tỷ đồng. Năm 2012, con số này tăng hơn hai lần là 365,4 tỷ đồng, trong đó nợ ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHTN là hơn 223,3 tỷ đồng (chiếm 61,13% tổng số nợ). Tính đến tháng 6/2013, số nợ BHTN là 544,4 tỷ đồng, trong đó nợ ngân sách 266,2 tỷ đồng (chiếm 48,9% tổng số nợ). Theo ông Lê Quang Trung, nguyên nhân của tình trạng nợ BHTN là do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp kém. Đặc biệt, quy định về xử lý vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội nói chung và BHTN còn chưa đủ sức răn đe. Huyền Anh |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét