- Người ta nói Quỹ BHXH Việt Nam sắp "vỡ", chuyện đó mới chỉ là sắp, còn thực tế BHXH đang đau đầu vì các DN quỵt tiền. Ngay thủ đô Hà Nội, số nợ BHXH năm 2012 đã là con số khủng: 1.803 tỉ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã nợ trên 1.878 tỉ. Nợ kéo dài từ nhiều năm khiến BHXH "giật gấu vá vai" rất vất vả. Cả nước nợ đến 9.595 tỉ đồng.
- Đã có Luật BHXH, anh nào trây ỳ cứ kiện ra tòa.
- Kiện thì có kiện, nhưng đã xử được mấy ai. Một cán bộ BHXH huyện Từ Liêm (Hà Nội) nói: "Có DN giao thông nói thẳng thừng, công an, đầu gấu còn chẳng sợ, huống gì là mấy ông bảo hiểm".
- DN mà nói thế, định giở võ Chí Phèo hay sao?
- Đa phần họ nói không có tiền. Đúng ra là đồng tiền dự án hay đồng tiền đầu tư của nền kinh tế nước nhà vận hành vòng vèo, qua nhiều cửa, không theo quy luật nào cả. Đơn giản như đầu tư công, tiền nhà nước còn chậm, sản phẩm ế thừa, công nợ ngập mũi, lo được lương cho thợ đã khó, nói chi đến BHXH.
- Chung quy chỉ tại kinh tế thị trường (KTTT). Đùng một cái bỏ bao cấp, nhưng cả nước lại chưa được đào tạo về KTTT, gần 30 năm rồi, vẫn loay hoay nửa ngô, nửa khoai nên có DN chỉ đăng ký BHXH cho lãnh đạo, quản lý, nhân viên văn phòng. Người lao động ra vào xoành xoạch, "không rõ tung tích" nên BHXH cũng chẳng có.
- Cứ cho là như thế đi, nhưng sao các cơ quan, tổ chức và các DN nước ngoài ở ta làm ngày nào, giờ nào đều có lương và BHXH?
- Họ làm theo kiểu... tư bản chủ nghĩa, quy củ lắm.
- Bác nói thế hóa ra ta quản lý có "định hướng" mà nhập nhèm hơn?
- Đường lối không nhập nhèm, nhưng các ông chủ và người lãnh đạo "bóc ngắn cắn dài" và nhập nhèm. Ấy là chưa nói đầu tư tràn lan, không hiệu quả.
- Tóm lại là toàn tại các ông, các bà quản lý, còn người lao động chỉ biết chịu thiệt. Thảo nào chỉ nói "của dân, do dân, vì dân", chẳng thấy nói "của thợ, do thợ, vì thợ". Dân là khái niệm mơ hồ lắm!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét