Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Vườn ươm... tỷ phú

> Tỷ phú tha hương

> Ninh Bình sẵn sàng chống bão

TP - Những năm gần đây, nghề chăn nuôi bò sữa ở Nông trường Mộc Châu (Sơn La) trở nên "hot", khi xuất hiện nhiều tỷ phú. Cũng vì thế, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã tìm về Mộc Châu để nuôi chí làm giàu.

Anh Nguyễn Văn Hải, khu Vườn Đào thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm từ nuôi bò sữa. Ảnh: Trà Xuân
Anh Nguyễn Văn Hải, khu Vườn Đào thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm từ nuôi bò sữa. Ảnh: Trà Xuân.

Tỷ phú trẻ trên thảo nguyên

Ông Phạm Văn Tế, khu Vườn Ðào là người phát triển đàn bò thuộc diện nhanh nhất ở thị trấn Nông trường Mộc Châu vài năm lại đây. Năm ngoái, gia đình ông có 65 con, nhưng nay đã lên con số 85. Với đàn bò trên, mỗi ngày, trang trại ông Tế vắt bình quân 9 tạ sữa, thu 12-13 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, tiền bán sữa đã đạt 3,6-3,8 tỷ đồng. Ông cho hay, tới đây gia đình sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất con giống, vừa tăng số bò vắt sữa, đạt quy mô đàn lên 150 con.

 "Đúng là kiến thức tiếp nhận ở trường đại học khác xa với công việc ở trang trại bò của gia đình. Nhưng đây là nghề truyền thống, lại cho thu nhập cao, sao mình lại không tiếp nối". 

Chàng trai trẻHuấn nói

Thấy ăn nên làm ra, cậu con trai út của ông Tế, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp y đã về xắn tay, cùng gia đình thực hiện "chiến lược" mở rộng trang trại. Cùng đó, ông Tế thuê thêm người để chăm sóc bò và vắt sữa. "Khó khăn lớn nhất với những người mới bắt đầu là vốn và đất làm trang trại. Còn về khoa học kỹ thuật, Cty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu có đội khuyến nông hướng dẫn rất cụ thể, bò được đóng bảo hiểm vật nuôi, giá sữa cũng có bảo hiểm... nên người nuôi có thể yên tâm", ông Tế chia sẻ.

Từng đoạt giải thưởng "Sao thần nông" vì có năng suất và sản lượng sữa cao, bà Phạm Thị Lịch (Tiểu khu 26/7 thị trấn Nông trường Mộc Châu) cho biết, để có cơ ngơi ngày hôm nay là nhờ cậu con trai Phan Doãn Huấn. Huấn năm nay 31 tuổi, tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2007. Không cố bám chốn thị thành như nhiều bạn cùng trang lứa, Huấn quyết tâm về lập nghiệp với đàn bò gia đình.

Huấn nói: "Đúng là kiến thức tiếp nhận ở trường đại học khác xa với công việc ở trang trại bò của gia đình. Nhưng đây là nghề truyền thống, lại cho thu nhập cao, sao mình lại không tiếp nối". Chỉ trong sau một năm Huấn về quê, anh đã tăng đàn bò của gia đình từ 30 lên 50 con. Hiện trang trại của gia đình anh đã tới 70 con bò, mỗi năm cho 230 tấn sữa, thu 4-5 tỷ đồng/năm.

Chuyện thu 1-3 tỷ đồng mỗi năm từ đàn bò sữa không còn xa lạ với nhiều hộ gia đình ở Mộc Châu. Cỡ quy mô như gia đình anh Nguyễn Văn Hải, khu Vườn Đào nay đã lên 50 con, cũng thuộc diện tỷ phú trẻ trên thảo nguyên.

Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết, Cty đã liên kết với trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Viện Chăn nuôi, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và làm việc với mức lương 7-9 triệu đồng/tháng. "Nhiều năm nay, thanh niên trẻ ở các tỉnh miền xuôi như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định tốt nghiệp các trường ĐH Bách khoa, Học viện Tài chính đã tình nguyện lên nông trường để làm việc", ông Chiến nói.

"Cái gậy thần" của nông dân

Trong khi cả nước đang loay hoay với bảo hiểm nông nghiệp (trong đó có bảo hiểm vật nuôi), thì ở Mộc Châu, mô hình bảo hiểm bò sữa và giá sữa (thực hiện từ năm 2004) đang tạo nên bước đột phá, không ít người ví von là "cái gậy thần" của người nông dân. Theo ông Hoàng Kim Giao, nguyên Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), bảo hiểm vật nuôi, giá sữa đang áp dụng ở Mộc Châu là mô hình bảo hiểm nông nghiệp thành công nhất của ngành chăn nuôi nước ta từ trước tới nay.

Hiện ở Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, 100% các hộ nuôi bò đều tham gia bảo hiểm. Ông Trần Công Chiến cho hay, thời gian đầu, rất khó để kêu gọi người dân đóng 100 nghìn đồng vào quỹ, vì cứ nghĩ nộp là mất tiền. "Chúng tôi phải vận động, bằng nhiều chính sách để khuyến khích người chăn nuôi tham gia. Chẳng hạn, ai tham gia bảo hiểm sẽ được ưu tiên trong các chính sách ưu đãi từ Cty như trợ giá thức ăn, thưởng giá sữa, đi thăm quan, nghỉ mát..."- ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, thực ra, bảo hiểm chính là cách để Cty chia sẻ những rủi ro với người chăn nuôi, là mô hình hiện đại trên thế giới. Nông dân chỉ cần đóng 600 nghìn đồng/năm tiền bảo hiểm cho mỗi con bò, nếu bò không may bị chết sẽ được bồi thường 12 triệu đồng, bò thải loại được đền bù 10 triệu đồng.

Số tiền trên, cộng với tiền bán thịt bò khoảng 8 triệu đồng, sẽ đủ mua một con bê thay thế. Ngoài ra, với chính sách bảo hiểm giá sữa, nông dân chỉ cần đóng 50 đồng/kg, nếu sữa giảm giá quá thấp, sẽ được trợ giá 60% số tiền chênh lệch. "Để công khai, minh bạch, dân được quyền tự bầu ban quản lý quỹ, có quy chế hoạt động, khi bò chết phải có ban bảo hiểm xác định ngay lập tức. Tổng quỹ bò sữa và giá sữa đã lên đến 20 tỷ đồng", ông Chiến nói.

NGUYÊN THẢO

Từ khoá: gia tổng giám đốc được bồi thường mô hình bảo hiểm chính sách nông dân bảo hiểm bò sữa bảo hiểm nông nghiệp đồng bảo hiểm gia đình tham gia bảo hiểm mộc châu bảo hiểm vật nuôi chính sách bảo hiểm quản lý quỹ nông nghiệp bảo hiểm bán bảo hiểm bão tiền bảo hiểm người nông dân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...