(PetroTimes) - Ngày 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 Luật và 1 Nghị định vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Một trong những Luật mới được dư luận quan tâm nhất đó là Luật Hôn nhân và Gia đình với quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo mà trước đó đã gây nhiều tranh cãi.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì buổi họp báo.
Chủ trì cuộc họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đọc lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Hôn nhân và Gia đình. Bàn thêm về đạo Luật mới này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp – Cơ quan chủ trì soạn thảo giới thiệu về nội dung chính và những điểm mới của Luật này. Theo đó, Thứ trưởng Tụng cho biết quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ hoặc chồng không thể mang thai.
Cụ thể, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.
Luật Hôn nhân và gia đình gồm 9 chương, 133 điều quy định chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố hôn nhân và gia đình. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng phát biểu ý kiến về quy định cho phép mang thai hộ của Luật Hôn nhân & Gia đình.
Trước đó, Petrotimes đã đăng tải loạt bài nêu ý kiến của lãnh đạo Bộ Tư Pháp, Vụ pháp chế - Bộ Y tế, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các chuyên gia tham vấn xoay quanh dự thảo cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng như đưa ra các đề xuất ngăn chặn sự "biến tướng thương mại" của việc mang thai hộ.
Ngày 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi được thông qua với tỷ lệ tán thành gần 60%, dù trước đó nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về những hậu quả khó lường nếu cho phép mang thai hộ.
Cụ thể, Luật quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản có công chứng và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Tương tự điều kiện với người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường và những dị tật của bào thai. Đồng thời vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Người nhờ mang thai phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường…
Thảo Phượng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét