Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Nhìn lại các tác phẩm viết về chiến tranhvà quân đội

I. Chiến tranh và quân đội - đề tài của văn học hôm nay

QĐND - Trang cuối cùng của cuốn sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã gấp lại vào ngày 30-4-1975, sau 30 năm liên tục chống Pháp và Mỹ. Với một nhiệt tình không đổi, các tác phẩm viết về đất nước những năm tháng chiến tranh và người lính trong những năm tháng ấy vẫn xuất hiện đều đặn và được dư luận theo dõi. Sự tập trung chú ý vào những ngày kết thúc chiến tranh là một điều dễ hiểu, dễ cắt nghĩa. Các tập ký và ghi chép thơ, trường ca, truyện ngắn và tiểu thuyết về Chiến dịch Hồ Chí Minh, về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 chiếm một số lượng nổi bật. Nhưng, không chỉ có thế. Những thời kỳ khó khăn, những chiến trường ác liệt, những mặt trận thầm lặng vì cần giữ bí mật trong chiến tranh đã được nói đến trong văn học.

Chúng ta tin rằng, thời gian không làm vơi cạn vấn đề và giảm bớt nhiệt tình của người viết về thời kỳ lịch sử huy hoàng ấy.

Nhưng nhìn nhận, đánh giá vị trí của đề tài văn học này thế nào cho đúng thì chưa dễ đã thống nhất.

Trong quan niệm, trong ý thức, trong các bài phát biểu, bài phê bình và nghiên cứu, không ít người coi đây là một đề tài lịch sử quan trọng hàng đầu. Cuộc kháng chiến thần thánh đã kết thúc. Trong quá trình chiến đấu, bằng thành tựu của mình, văn học đã góp phần vào thắng lợi. Nhưng theo họ, văn học nước ta chưa có những tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc. Các nhà văn hôm nay và mai sau sẽ còn phải tiếp tục phấn đấu để có những tác phẩm xứng đáng đền ơn đáp nghĩa đó.

Nhà văn sẽ phải tiếp tục hoàn thành phần việc mà trong chiến tranh họ chưa làm được. Đời sống hòa bình cung cấp cho nhà văn điều kiện vật chất và thời gian để hoàn thành tác phẩm.

Những kiến giải nghe như khách quan và vô tội đó, nhìn kỹ lại không hoàn toàn chính xác, và có phần nguy hiểm, khi nó chi phối cách viết, hướng tìm tòi của nhà văn.

Phải nói thẳng ra rằng, dù trong tương lai văn học sẽ có những tác phẩm lớn đến đâu, cũng không mang lại cho người đọc cũng như người viết, cảm giác về một sự thỏa mãn là đã đền ơn đáp nghĩa xứng đáng. Mỗi tác phẩm cũng như toàn bộ thành tựu của nền văn học, cũng chỉ ghi giữ một phần hình ảnh những hy sinh vô lượng mà dân tộc đã trả giá để giành thắng lợi và như thế đã là những thành tựu lớn. Hơn thế nữa, cuộc sống hôm nay còn đòi hỏi ở văn học rất nhiều nỗ lực, cố gắng để góp phần thiết thực vào việc tạo dựng cuộc sống mới, một cuộc chiến đấu không đổ máu nhưng cũng rất quyết liệt. Bản thân lịch sử cần được tiếp tục hơn là những lời ngợi ca và sự ca ngợi, khẳng định tốt nhất vẫn là đưa thắng lợi đã giành được lên một đỉnh cao mới.

Vậy lý do nào để xếp phần văn học viết về chiến tranh giải phóng vào trong số đề tài thời sự bức thiết và quan trọng nữa của văn học hôm nay?

Chỉ có thể cắt nghĩa điều đó bằng vai trò và vị trí của cuộc chiến tranh trong lịch sử hiện đại cũng như trong đời sống hôm nay của dân tộc.

Cũng không chỉ vì, đất nước hôm nay đang phải nhận lãnh và giải quyết những tồn đọng của cuộc chiến tranh giải phóng và đứng trước nhiệm vụ thường trực của một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Một nền văn học tích cực và lành mạnh bao giờ cũng nhận lãnh nhiệm vụ tham gia vào cuộc sống hiện tại của đất nước, tìm hiểu, nhận thức, lý giải hiện thực. Bằng tác phẩm tác động vào thực tiễn, giúp giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong đời sống tinh thần của dân tộc, và đến lượt nó, tác phẩm văn học vừa cổ vũ, vừa đáp ứng yêu cầu đó của quần chúng.

Sự quan tâm của nền văn học chúng ta với đề tài chiến tranh nằm trong ý thức này.

Ba mươi năm chiến tranh, lại ở trên chặng đầu sự sinh thành chế độ mới, con người mới, cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do của dân tộc là một dòng thác lớn mà trong đà trôi của nó đã cuốn băng và nhấn chìm bao nhiêu kẻ thù - đã tạo ra những con người, những tổ chức, những nếp nghĩ, tập quán, những nguyên tắc xã hội và đi liền theo đó là những thước đo giá trị con người làm nên chiến thắng trong chiến tranh, mà ngày thắng lợi hoàn toàn không tạo thành một con đập lớn để ngăn giữ nó ở thượng nguồn thời gian hôm qua, đã ồ ạt đổ vào đời sống đất nước hòa bình, giữ nguyên luồng lạch, dòng trôi, hướng chảy, tuy tốc độ có ít nhiều đổi thay, đã chuyển nguyên cả tác động đa dạng của nó vào cuộc sống hòa bình. Thừa hưởng thắng lợi của cuộc chiến tranh, đất nước hôm nay đồng thời phải lãnh nhận, chịu đựng và giải quyết những hậu quả nặng nề của nó. Những điều đó không chỉ gia nhập vào cuộc sống hôm nay mà sẽ còn đi mãi và chi phối cuộc sống tương lai.

Quan tâm tới đề tài chiến tranh chính là tìm về ngọn nguồn để hiểu đúng, nhận thức đúng, khám phá đúng những vấn đề xã hội của đời sống hôm nay. Quan tâm tới đề tài chiến tranh là để tìm hiểu cái áp lực, cái xu hướng cùng những quy luật đang chi phối sự phát triển của xã hội và con người hiện nay. Quan tâm tới đề tài chiến tranh, còn là tìm chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đi vào thế giới tinh thần, tình cảm từng con người, từng thế hệ cũng như toàn thể xã hội mà văn học đang có ước muốn tích cực tham gia vào việc biến cải nó ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn. Trên đường hướng cơ bản đó, giá trị ghi nhận lịch sử, giá trị ngợi ca quá khứ hào hùng, để làm gương cho đời sau mới có cơ sở, điểm tựa và lý do tồn tại.

Chúng ta không chối cãi rằng, dù viết về bất cứ thời gian nào, không gian nào, thì đòi hỏi chính đáng của xã hội vẫn là xuất phát từ lợi ích của ngày hôm nay, góp phần vào tiến trình phát triển xã hội hiện nay.

Loại tác phẩm viết lúc nào cũng vậy, ra đời lúc nào cũng vậy, không có chân đứng ở một chốc lát trong lịch sử thì cũng sẽ không có tên trong bảng giá trị lâu dài, như người lính không chịu đứng ở một vị trí nhất định trong hàng quân thì không thể có tên trong danh sách đơn vị.

Nêu điều cổ điển lên trước, bởi vì quan niệm về chỗ đứng, tầm nhìn, mục đích phục vụ đó có ý nghĩa chi phối cách chọn đề tài cụ thể, chọn nhân vật, khai thác và sử dụng tài liệu, cách viết và bao quát hơn, cách chọn chủ đề tư tưởng cho tác phẩm. Cũng một hiện thực ấy, một cốt truyện ấy, một thời điểm lịch sử ấy, ngày hôm qua viết khác hôm nay và tất nhiên mai sau cũng không nhìn nhận như hôm nay.

Chúng ta không từng biết những tác phẩm được nhiều thời đại, nhiều dân tộc yêu thích mà không có dấu ấn một thời đại, một dân tộc. Bởi vì, chính nó làm nên một phần giá trị cho người ta yêu thích.

Công cuộc bảo vệ Tổ quốc mà dân tộc ta đang hằng ngày hằng giờ quan tâm đòi hỏi có sự soát xét lại kinh nghiệm chiến tranh giải phóng và phẩm chất người lính trong chiến tranh giải phóng, lại càng thêm một lý do làm cho đề tài văn học này thành một đề tài thời sự hàng đầu.

(Còn nữa)

Nhà phê bình văn học NGÔ THẢO


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...