Tàu sân bay USS Ronald Reagan trong một lần tập trận cùng Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Phía trên là một tàu khu trục trực thăng thuộc lớp Hyuga của Nhật Bản - Ảnh: AFP |
Tham gia tập trận tổng cộng có 12 tàu, gồm ba tàu sân bay và chín tàu khu trục. Phía Mỹ đưa hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson cùng tám tàu khu trục/tuần dương hộ tống. Phía Nhật Bản cử một tàu sân bay trực thăng Hyuga và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Ashigara.
"Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson của Mỹ đã hội quân với Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) trong một cuộc tập trận thường niên nhằm tăng cường tính tương tác và khả năng sẵn sàng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Hạm đội 7 thông báo trên trang Facebook chính thức.
"Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tập trận chung với hai tàu sân bay. Đối với chúng tôi, đây là một cuộc tập trận lớn", Reuters dẫn lời người phát ngôn quân đội Nhật Bản.
Ngoài ra, lực lượng phòng vệ trên không Nhật sẽ cử các máy bay F-15 tham gia một cuộc chiến giả định với máy bay F-18 của Mỹ, vị này tiết lộ thêm.
Trước đó, trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển (G7) tại Ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí sẽ tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Triều Tiên sắp có tên lửa diệt tàu sân bay?
Theo truyền thông Hàn Quốc, vụ bắn thử tên lửa của Triều Tiên ngày 29-5 cho thấy nước này dường như đang tiến gần hơn đến việc sở hữu tên lửa đạn đạo chống hạm, hay còn được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay".
Truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố tên lửa đạn đạo được sử dụng trong lần bắn ngày 29-5 đã bay được 450km và đánh trúng mục tiêu trên biển với sai số chỉ 7m.
Giới quan sát nhận định, nếu thông tin này là chính xác, đây là bước tiến mới của chương trình tên lửa Triều Tiên, nếu so với một số loại tên lửa có trong biên chế, thậm chí với tên lửa của Trung Quốc.
Theo Yonhap, bán kính lệch mục tiêu (CEP) của tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong khoảng 2-3 km khi bắn ở cự ly 1.000 km; tên lửa Scud có CEP khoảng 450-1.000 m khi bắn ở cự ly 300 km; tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc có CEP khoảng 30-40 m.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia quân sự, Bình Nhưỡng vẫn còn một yếu điểm đó là thiếu hệ thống dẫn đường và trinh sát tầm xa cho tên lửa đạn đạo chống hạm.
Source http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20170601/hai-quan-my-nhat-tap-tran-gan-trieu-tien/1324452.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét