Ông Lê Văn Nghiêm tại hội nghị sáng 1-6 - Ảnh: M.H |
Tại hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 09/2017 của Chính phủ về việc phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, do Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM tổ chức sáng nay, ông Lê Văn Nghiêm đã hướng dẫn các cán bộ cơ sở kỹ năng cơ bản để thực hiện vai trò phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.
Chủ động cung cấp thông tin
Đó là các kỹ năng xây dựng mối quan hệ với báo chí, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; thủ tục, trình tự tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của phóng viên; kỹ năng tiếp xúc và trả lời phỏng vấn báo chí tại hội nghị, hội thảo; cách xử lý trong trường hợp báo đăng sai ý mình đã trả lời.
Ông Nghiêm cũng lưu ý người phát ngôn các cơ quan nhà nước cần thực hiện nghiêm các quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo ông Nghiêm, thời gian trước đây, nhiều cơ quan chưa thực sự chú trọng việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, chưa có người phát ngôn, khi có sự việc xảy ra thì phát ngôn chậm, lúng túng, bị động, hoặc phát ngôn tùy hứng, gây sốc, thiếu chuẩn xác.
Đặc biệt, ông Nghiêm cho rằng, với những tình huống khủng hoảng truyền thông như thiên tai, tai nạn, tin đồn thất thiệt, bê bối, bạo loạn…, khi thông tin bị nhiễu, dư luận đang chờ đợi thì rất cần cơ quan chức năng lên tiếng chính thức.
"Trước đây nhiều cơ quan chưa chú trọng, nay tình hình đã thay đổi, phải chuyên nghiệp hơn", ông Lê Văn Nghiêm nhấn mạnh.
Ông Nghiêm cho rằng, khi khủng hoảng xảy ra, người có trách nhiệm cao nhất cần xuất hiện sớm, các phát ngôn cần tránh coi thường công luận, báo cáo không đúng sự thật, đưa ra kết luận vội vàng, không dám nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan, đổ lỗi cho nhau, cho người khác, hứa hẹn mà không làm được.
Hình ảnh một cuộc họp báo định kỳ hàng tháng của UBND TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG |
"Đừng ngại gặp báo chí"
Tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND TP.HCM, cho biết TP luôn xác định phải định kỳ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời.
Trong 10 năm qua, TP đã hai lần ban hành quy chế phát ngôn, bổ sung nhiều điểm mới phù hợp với đặc thù TP, khắc phục sự hiểu sai rằng nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí chỉ là việc của người phát ngôn.
Từ tháng 1-2016, TP đã tổ chức họp báo và cung cấp thông tin định kỳ hàng tháng theo mô hình của Văn phòng Chính phủ.
Tại trụ sở UBND TP có phòng thông tin báo chí với hơn 90 phóng viên thường xuyên và không thường xuyên có mặt để đưa tin các hoạt động của UBND TP. Theo ông Hoan, những thông tin chính thống từ UBND TP giúp cho người dân hiểu hơn, chia sẻ hơn với chính quyền.
"Chúng ta đừng bao giờ ngại gặp báo chí mà hãy gặp gỡ thường xuyên như những người bạn, đồng nghiệp, như cánh tay nối dài đưa thông tin từ chính quyền đến người dân, từ đó hiểu được tâm tư nguyện vọng, tình cảm vướng mắc của người dân để giải quyết tốt hơn", ông Hoan nói.
Người phát ngôn UBND TP cho rằng, với một thành phố hơn 10 triệu dân, nếu cấp cơ sở quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề báo chí nêu, dư luận quan tâm thì sẽ giảm được áp lực cho cơ quan cấp trên.
"Để thành phố tập trung mọi nguồn lực nhằm phát triển thay vì phải đi giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở", ông Võ Văn Hoan nói.
- Đối với các cơ quan không thực hiện quy định họp báo định kỳ ít nhất 3 tháng/lần, hoặc từ chối, lẩn tránh cung cấp thông tin cho báo chí thì có chế tài như thế nào, thưa ông? - Ông Lê Văn Nghiêm:Chế tài này đúng là trong nghị định không ghi rõ. Nhưng cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm công vụ, làm không đúng không tốt sẽ bị xử lý kỷ luật. Sở A, sở B mà 3 tháng, 6 tháng không họp báo thì giám đốc sở đó có thể bị xử lý kỷ luật, nặng nhất có thể là bị cách chức, hoặc phê bình, khiển trách, cảnh cáo theo quy định của Nhà nước. Cách chức nếu cố tình không thực hiện nghị định này, yêu cầu làm mà cố tình không làm, nhắc rồi mà không làm. - Nếu phóng viên liên hệ với trưởng phòng của một sở (không phải người phát ngôn), thì có thể được cung cấp thông tin hay không? - Ông Lê Văn Nghiêm:Mọi cán bộ, công chức đều có quyền cung cấp thông tin cho báo chí, miễn đó không phải là thông tin mật và việc trả lời không nhân danh cơ quan để phát biểu. Nhà báo có thể ẩn danh nguồn tin này khi đăng báo. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét