Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Trưởng ban dân nguyện: Cần thống kê lời hứa của các bộ trưởng để giám sát

Chiều 12/6, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban dân nguyện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết, để xây dựng báo cáo về các nội dung chất vấn tại kỳ họp lần này, Tổng thư ký Quốc hội phải căn cứ trên hơn 1.000 kiến nghị của cử tri và ý kiến của đại biểu cũng như các đoàn.

truong-ban-dan-nguyen-can-thong-ke-loi-hua-cua-cac-bo-truong-de-giam-sat

Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. Ảnh:Quochoi

"Tôi cho rằng việc lựa chọn vấn đề chất vấn hiện đã mang hơi thở cuộc sống. Các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, văn hoá và kế hoạch đầu tư được lựa chọn chất vấn kỳ này đều rất trúng", bà Hải nói và thông tin thêm,  việc tổ chức hoạt động chất vấn lần này có cải tiến. 

Cụ thể, trước đây đại biểu hỏi, Bộ trưởng trả lời, sau đó đại biểu bấm nút để tranh luận nếu thấy cần thiết. Nhưng để được tranh luận thì phải chờ mấy chục người khác mới đến lượt. Lần này, nếu thấy các Bộ trưởng trả lời chưa thoả đáng, đại biểu có thể giơ biển để hỏi lại ngay. "Một thay đổi nhỏ như vậy nhưng có thể tạo nên thay đổi lớn, vì vấn đề đại biểu hỏi được tranh luận đến cùng, khắc phục tình trạng nhiều khi chất vấn xong, Bộ trưởng hứa rồi để đấy", bà Hải nói và cho rằng, việc tranh luận giữa đại biểu với Bộ trưởng, giữa các đại biểu với nhau sẽ giúp cử tri là người quan sát sáng tỏ vấn đề. 

Theo bà, trong việc trả lời chất vấn của các bộ trưởng, bên cạnh mặt được mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu trước đây, còn những hạn chế và một trong số đó là có những vị tư lệnh trả lời không đi thẳng vào vấn đề.

"Tôi kỳ vọng mỗi Bộ trưởng được chọn trả lời chất vấn sẽ thẳng thắn xem trách nhiệm của mình ở đâu; bản thân Bộ trưởng phải làm như thế nào, sau đó mới chỉ ra trách nhiệm của các bên liên quan trong vấn đề mà cử tri nêu", bà Hải chia sẻ và cho rằng, để định lượng được việc thực hiện cam kết, lời hứa của các bộ trưởng trên diễn đàn Quốc hội thì nên có một bảng tổng hợp, đánh giá bao nhiêu lời hứa thành hiện thực, bao nhiêu lời hứa do điều kiện khách quan chưa hoàn thành, bao nhiêu lời hứa do chủ quan, chưa quan tâm thấu đáo mà không làm.

"Nếu có sự công khai như vậy thì công tác giám sát của Quốc hội sẽ hiệu quả hơn", bà Hải nhấn mạnh.

Tại kỳ họp lần này, cơ quan dân nguyện đã nhận được nhiều "kiến nghị nóng" của cử tri. Cụ thể như: cơ quan chức năng  tiếp thu ý kiến của giới chuyên môn về quy hoạch du lịch Sơn Trà như thế nào;  hoạt động quản lý nhà nước đối với các ca khúc của Bộ Văn hoá.... 

Ngoài ra, cử tri quan tâm đến quy trình bổ nhiệm, luân chuyển và chất lượng cán bộ ở các cơ quan công quyền. Theo bà Hải, vấn đề này cử tri hỏi từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 14, nhưng trả lời của Bộ Nội vụ chưa đáp ứng được nên người dân lại tiếp tục gửi kiến nghị đến kỳ họp cuối năm ngoái và kỳ họp lần này. 

"Bộ Nội vụ trả lời là bổ nhiệm theo Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức; theo đúng quy trình, nhưng vấn đề đặt ra là tại sao cũng quy trình đó nhưng có nơi chọn được người tốt, có nơi lại chọn người kém năng lực?", bà Hải nói.

Source http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/truong-ban-dan-nguyen-can-thong-ke-loi-hua-cua-cac-bo-truong-de-giam-sat-3598681.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...