Internet giống như một cơn lũ làm thay đổi thói quen xem truyền hình
Tại Hội thảo "Tương lai phát triển truyền hình trên Internet tại Việt Nam" trong khuôn khổ Telefilm 2017 diễn ra ngày 9/6, ông Phan Thanh Giản, Giám đốc Clip TV đã dẫn chứng về việc sự có mặt của Internet đã làm thay đổi phương thức, trải nghiệm của người xem truyền hình như thế nào. Theo đó, nếu như trước đây, người dùng hài lòng với việc xem truyền hình thông qua tương tác một chiều với radio cho đến xem truyền hình qua ăng ten, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh. Hay với các nội dung Video On Demand, người dùng muốn xem phim thì phải qua băng đĩa từ hay đĩa VCD. "Tuy nhiên, sự có mặt của Internet giống như một cơn lũ làm thay đổi tất cả mọi thứ, thay đổi toàn bộ hành vi người dùng và hòa nhập việc xem truyền hình với VOD lại thành một để tạo ra Internet TV", ông Giản nhấn mạnh.
Cũng theo ông Giản, trong khi ở Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ đang bắt đầu "vượt lũ" Internet TV thì tại Trung Quốc và Mỹ thì họ đã trải qua giai đoạn đó từ lâu. Cụ thể, như ở Trung Quốc, năm 2016, số lượng phim nhập về để chiếu rạp chỉ khoảng 423 bộ phim, nhưng số lượng phim phát hành trên Internet lên đến hơn 2500 bộ phim, gấp 5,5 lần so với thời điểm năm 2014. Trong đó, doanh thu của iQIYI, dịch vụ VOD số 1 tại Trung Quốc tăng gần 400% so với thời điểm trước đó. Số lượng người dùng trả tiền đạt hơn 100 triệu người cho dịch vụ truyền hình và VOD online.
Còn tại Mỹ, sau 3 năm, 12% người dùng giảm đi không đăng ký truyền hình truyền thống nữa mà chuyển sang xem các hình thức khác như OTT. Đặc biệt, người trẻ từ 18-24 tuổi đang giảm xem truyền hình truyền thống (giảm 49%) để chuyển sang xem Internet TV và chỉ có những người già trên 65 tuổi mới xem Tivi (tăng 2%). Vì thế, các nhà sản xuất phim truyền hình cũng đang tập trung sản xuất các bộ phim trên môi trường OTT thay vì tivi truyền thống. Thời gian xem trung bình của Tivi truyền thống cũng liên tục giảm, sau 4 năm thời gian xem trung bình giảm 12%, trong khi thời gian xem Internet TV tăng tới 41%. Một bộ phận giới trẻ ở Mỹ khi hỏi về truyền hình, họ sẽ nói là Netflix thay vì là một kênh truyền hình nào đó.
Cùng tham gia công nghiệp nội dung của người Việt
Ông Giản cho rằng, "cơn lũ" Internet TV ở Việt Nam sẽ không thua kém gì ở Mỹ hay Trung Quốc nên các doanh nghiệp Việt Nam cần phải sống và tồn tại được trong cơn lũ trước khi YouTube hay Facebook lấy mất thị trường. Thực tế, năm 2016 đã chứng kiến sự dịch chuyển lớn từ truyền hình truyền thống sang truyền hình Internet với sự tham gia của các đơn vị trong nước như VTC Cab On (VTVCab), Clip TV, Truyền hình FPT, Truyền hình Viettel… Các doanh nghiệp trong nước bắt đầu đóng tàu, đóng thuyền để cạnh tranh với tàu thép, tàu ngầm của YouTube, Netflix…." Cuộc chiến OTT đang nóng, nhưng rất gian nan và rủi ro, ai cũng tưởng ngon nhưng vào làm thì mới thấy. Người có nội dung chết vì công nghệ, người có công nghệ chết vì không có nội dung...", ông Giản nói.
Với 47,3 triệu người dùng Internet cùng 55% người dân sở hữu smartphone, 46% dùng máy tính, 12% sử dụng máy tính bảng, 2% có Android box, 4 triệu Smart TV..., đây là thời điểm vàng để dịch chuyển truyền hình truyền thống sang truyền hình Internet. "Với thị phần Internet và các thiết bị kết nối Internet như Smart TV, Android Box, Smartphone đã trở nên thống lĩnh thị nội dung phù hợp với nền tảng số càng trở nên cấp thiết", ông Giản nhấn mạnh.
Chính vì thế, Clip TV đã tham gia thị trường truyền hình Internet với kinh nghiệm 15 năm làm công nghệ dù không hiểu nhiều về nội dung vì xác định đối với truyền hình OTT, hàm lượng công nghệ chiếm tới 40-50% vì chạy trên môi trường Internet. Vì thế, Clip TV chấp nhận lỗ trong thời gian đầu vì tin rằng đây là thời điểm vàng để làm truyền hình Internet và mong muốn cùng tham gia tạo ra công nghiệp nội dung của người Việt khi kết hợp yếu tố công nghệ bên cạnh kho nội dung của các đơn vị sản xuất trong nước.
Tại tọa đàm "Phim truyền hình Việt Nam: Xu thế và thách thức" cũng trong khuôn khổ Telefilm 2017, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP.HCM-TFS đã đưa ra những nhận định về xu thế chuyển dịch sang Internet TV từ việc xem Tivi truyền thống. Theo ông Hưng, việc người dùng chọn YouTube thay vì kênh truyền hình có thể hiểu đơn giản là do họ có thể chọn xem bất cứ chương trình nào mình thích ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào hơn là đi theo một "thời khóa biểu" định sẵn của kênh truyền hình. Với xu thế này, ông Hưng cho rằng, từ phim bộ truyền hình (TV Drama) hiện nay sẽ xuất hiện những biến thể khác như Web Drama (bộ phim trực tuyến với thời lượng ngắn từ 10-20 phút). "Hiện Web Drama đang trở thành xu hướng ưa chuộng của các nhà sản xuất phim Hàn Quốc và những nhà sản xuất trẻ Việt Nam đã bắt đầu những bước đi đầu tiên, mọi thứ còn đang ở phía trước với nhiều triển vọng", ông Hưng nói.
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, trước đây yêu cầu Google, YouTube, Facebook gỡ bỏ các thông tin xấu khó khăn, nhưng gần đây Thông tư 38 quy định cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đã tạo hành lang pháp lý để xử lý các vi phạm trên các trang mạng xã hội này.
Các đơn vị chức năng của Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ 2.200 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube. Tới nay Google đã gỡ bỏ hơn 1.000 clip trên YouTube. Trong đó, có một tài khoản YouTube đăng tải 500 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng khẳng định, Bộ TT&TT đang làm việc với Facebook để gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo trên trang mạng xã hội này. Ngoài việc tạo hành lang pháp lý để quản lý những trang mạng xã hội do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, Bộ đang thúc đẩy việc phát triển các trang mạng xã hội do người Việt Nam sáng tạo. Về lâu dài mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sẽ phải cạnh tranh tương đương với các trang mạng xã hội của nước ngoài như YouTube, Facebook.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét