Gian hàng Viettel được thiết kế dựa trên ý tưởng nón lá Việt Nam đã gây ấn tượng cho khách tham quan. |
Trước đó, tại Hội nghị di động thế giới – Mobile World Congress gian hàng của Viettel đã gây ấn tượng với nhiều khách tham quan với mô hình thiết kế có các hình ảnh của trống đồng Đông Sơn, hoa sen thì gian hàng của Viettel năm nay là hình tượng của chiếc nón lá Việt Nam.
Đây là lần thứ tư Viettel có mặt tại sự kiện thường niên lớn nhất của ngành di động thế giới. Viettel đem tới triển lãm 8 sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu, do Viettel tự nghiên cứu phát triển thuộc nhiều lĩnh vực (Giáo dục, Mobile Finance, An ninh mạng, Du lịch, các giải pháp bảo vệ người dùng…), đã được triển khai thành công tại Việt Nam và nhiều thị trường quốc tế.
Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết: "Khi đưa các sản phẩm, giải pháp của mình đến MWC 2018, chúng tôi muốn mang tới một góc nhìn khác về cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là với Viettel, không gì là không thể xảy ra, không gì là không thể sáng tạo nên. Viettel nhìn nhận trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam có thể tạo ra các sản phẩm công nghệ cạnh tranh được với thế giới nhờ tiếp cận từ các nhu cầu của cuộc sống, và khi giải quyết tốt ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin đưa ra thế giới".
Chủ đề MWC 2018 là "Kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn (Creating a better future). Đây cũng là mục tiêu mà Viettel luôn hướng đến sáng tạo vì con người. Bởi vậy, các sản phẩm của Viettel được thiết kế xuất phát từ sự quan tâm, thấu hiểu và cá thể hóa theo nhu cầu riêng của từng đối tượng khách hàng, giúp họ có cuộc sống ngày càng thuận tiện và tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải thăm gian hàng của Viettel. |
8 sản phẩm Viettel mang đến sân chơi của Ngành di động thế giới lần này gồm: Data Monitoring: Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công Hệ thống giám sát chất lượng mạng di động Data Monitoring. Trước đó, các nhà mạng không thể tự đo được chất lượng mạng lưới mà phụ thuộc vào các báo cáo của hệ thống NMS truyền thống, tức là lệ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị mạng lưới.
Nhờ hệ thống này, Viettel hiểu trải nghiệm của từng khách hàng về dịch vụ của mình, từ đó có thể tìm ra giải pháp tối ưu hoá mạng lưới và thiết kế dịch vụ phù hợp với thói quen, sở thích của từng khách hàng. Data Monitoring hơn các sản phẩm tương tự trên thị trường quốc tế ở mặt công nghệ, bởi Viettel làm chủ cả phần DPI - Deep Packet Inspection (phân tích sâu dữ liệu các gói tin), phần xử lý dữ liệu lớn - Big Data và chứa cả những tri thức viễn thông của một nhà mạng hàng đầu thế giới. Trong khi đó, các sản phẩm tương tự ngoài thị trường chỉ mạnh về một trong ba công nghệ trên.
Ngoài ra, nhờ làm chủ công nghệ nên sản phẩm của Viettel linh hoạt, gọn nhẹ hơn khi hoàn toàn chủ động trong công tác nâng cấp, khắc phục lỗi phát sinh và có giá cạnh tranh. Thực tế, đã từng có đối tác chào bán Hệ thống Data Monitoring cho Viettel với giá khoảng 25.5 triệu USD, gấp hơn 8 lần chi phí mà đơn vị phát triển bỏ ra khi đầu tư triển khai hệ thống Data Monitoring trên phạm vi toàn quốc (khoảng 3 triệu USD).
Nhóm sản phẩm đang bảo vệ hơn 90 triệu khách hàng tại 9 quốc gia và 3 châu lục mà Viettel đang kinh doanh: Hệ thống phát hiện bất thường mạng viễn thông (TAD) bảo vệ sự an toàn cho mạng lõi báo hiệu viễn thông, giúp thuê bao di động tránh khỏi các nguy cơ bị theo dõi vị trí, nghe trộm, giả mạo số di động, đánh cắp tiền trong tài khoản… Những biện pháp phòng chống của TAD chỉ có một số ít những nhà mạng trên thế giới đã triển khai. TAD tự tin vươn ra quốc tế với những lợi thế của sản phẩm như tính thực tế, cập nhật cao, hiểu sâu về nhà mạng khi đang ứng dụng trên mạng lưới Viettel…; Giải pháp bảo mật Viettel Mobile Security (VMS) dành cho thiết bị di động, chủ động bảo vệ thiết bị, ngăn chặn mã độc từ xa, trước khi kẻ xấu tiếp cận đến thiết bị. Khác biệt của VMS là cung cấp giải pháp bảo vệ 2 lớp (lớp thiết bị và lớp mạng lưới), với năng lực xử lý lên tới 65 tỷ event/ngày giúp phát hiện hàng triệu cuộc tấn công qua hình thức lừa tải ứng dụng độc hại (Dive-by Download Attacks), trong khi hầu hết các sản phẩm cùng loại hiện nay chỉ bảo vệ ở lớp thiết bị; Viettel Cloud Security - giải pháp an ninh mạng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với nhiều dịch vụ như bảo vệ website, bảo vệ Email, bảo vệ chống tấn công DDoS…
Các giải pháp bảo vệ khách hàng của Viettel không cần quan tâm đến thiết bị đầu cuối là gì, bởi bản chất là nhà mạng nhìn các dấu hiệu bất thường trên hệ thống để xử lý, đây là lợi thế rất lớn của Viettel khi tiếp cận nhóm thị trường Châu Á và Châu Phi – những nơi người dân chưa có điều kiện sử dụng smartphone.
Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS 3.0 là sản phẩm mang tính cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông của Viettel, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia sản xuất OCS lớn nhất thế giới. Hệ thống của Viettel có dung lượng tới 24 triệu đầu số/site - lớn nhất thế giới (hệ thống lớn nhất triển khai thành công trước đó là 12 triệu đầu số/site). Tính năng đặc biệt nhất mà vOCS 3.0 có là khả năng thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước riêng biệt - tính năng cá nhân hoá cực kỳ quan trọng trong thời đại 4.0. Hiện tại, hệ thống này đã đươc triển khai tại 6 quốc gia, quản lý 140 triệu thuê bao.
Các sản phẩm khác Viettel mang tới MWC 2018 như: Bankplus, VR (du lịch thực tế ảo), mạng xã hội học tập trực tuyến Viettel…
MWC là cơ hội để Viettel gặp gỡ, kết nối và mở ra các hoạt động hợp tác, đầu tư cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực Di động toàn cầu. |
Bên cạnh việc tiếp cận giới thiệu các giải pháp công nghệ, MWC là cơ hội để Viettel gặp gỡ, kết nối và mở ra các hoạt động hợp tác, đầu tư cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực Di động toàn cầu. Hội nghị Di động thế giới hàng năm thu hút 200 quốc gia (trong đó 60% đến từ thị trường châu Âu, 18% đến từ châu Mỹ và 15% đến từ châu Á…), hơn 2.200 gian hàng triển lãm và 3.800 cơ quan truyền thông quốc tế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét