Cuộc họp giữa VPCP và các doanh nghiệp, Hiệp hội được tổ chức sáng nay. Ảnh: VGP |
Sáng nay 26/2, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức hội nghị để lắng nghe về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô từ các các hiệp hội, doanh nghiệp.
Dự hội nghị này có ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đại diện Đại sứ quán các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, cuộc họp này với mong muốn lắng nghe, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp như các phản ánh của doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô, tổ chức đã gửi đến tại 2 văn bản nêu trên. Đồng thời, cũng nhấn mạnh rằng với các nhà đầu tư trong lĩnh vực ô tô, Việt Nam đã có những chủ trương, cơ chế, chính sách hết sức nhất quán để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.
Tại cuộc họp vẫn tiếp tục có những luồng ý kiến trái chiều xung quanh các quy định mới của Nghị định 116 và Thông tư 03. Cụ thể, đại sứ quán một số quốc gia tại Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Toyota, Ford, GM...cho rằng một số quy định tại Nghị định 116 không phù hợp thông lệ quốc tế trong đó phải kể đến Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA). Đồng thời, đề nghị tạm hoãn Nghị định 116 để xem xét lại cho rõ ràng hơn và mong muốn Chính phủ Việt Nam có giải thích rõ ràng hơn cả Nghị định 116 và Thông tư 03.
Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, Chủ tịch VAMA cho hay, hầu như không có chiếc xe ô tô nào nhập được vào Việt Nam kể từ 1/1/2018. Việc gián đoạn nhập khẩu khiến thị trường ô tô bị thu hẹp, đặc biệt các loại xe có dung lượng nhập khẩu nhỏ, không thể sản xuất trong nước nhưng lại không thể nhập khẩu. Đồng thời một số quy định mới làm tốn thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu nên giá xe tăng cao và cũng "không công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước".
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam Phạm Văn Dũng cũng cho hay doanh nghiệp có quá ít thời gian để thay đổi chiến lược và hoạt động kinh doanh khi Nghị định 116 ban hành. Ông này cho biết kể từ khi Nghị định 116 ban hành tới khi có hiệu lực chỉ hơn 2 tháng. Trong khi đó, đặc thù ngành ô tô để có thể thay đổi chiến lược thì cần tới 15-24 tháng. Đó là chưa kể đến thời gian đặt hàng ở nước ngoài.
Thêm vào đó, việc các quốc gia có các chứng nhận tiêu chuẩn khác nhau cũng khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn (chẳng hạn VTA ở EU cấp cho xe đạt chuẩn khí thải Euro 6 trong khi Việt Nam yêu cầu chỉ là chuẩn Euro 4).
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc về thị trường Việt Nam giảm mạnh từ 1/1/2018. Cụ thể, chỉ có 340 chiếc xe nguyên chiếc được nhập về thị trường Việt Nam trong tháng 1. Còn trong tuần Tết Nguyên đán từ ngày 16/2 - 22/2/2018, chỉ có duy nhất 1 chiếc ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi được mở tờ khai hải quan nhập khẩu. Chiếc xe này có trị giá khai báo là 16,5 nghìn USD, có xuất xứ từ Úc và được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu ở khu vực phía Bắc.
Dù vậy, ngay trong cuộc họp sáng nay, các doanh nghiệp trong nước như Hyundai Thành Công, Thaco lại bày tỏ những ý kiến trái ngược.
Source http://ictnews.vn/cong-nghe-360/o-to-xe-may/xin-tam-hoan-nghi-dinh-116-de-nhap-khau-o-to-164677.ict
0 nhận xét:
Đăng nhận xét