Uber sáp nhập về Grab khiến cả tài xế và khách hàng lo lắng. Ảnh minh họa: Internet |
Sáng ngày 26/3, Grab Việt Nam phát đi thông cáo cho hay đã chính thức thâu tóm hoạt động của Uber ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ngay trong buổi sáng cùng ngày, các tài xế Uber (cả xe máy và ô tô) cũng nhận được thông báo họ sẽ được chuyển sang hoạt động với ứng dụng Grab kể từ ngày 8/4/2018. Trong thông báo gửi đến các đối tác tài xế, Uber cho hay: "Ứng dụng Uber dành cho tài xế sẽ tiếp tục hoạt động tại Đông Nam Á trong vòng 2 tuần nữa trước khi ngừng hoạt động. Nếu bạn muốn gia nhập đội ngũ Grab hãy đăng ký ngay với chúng tôi". Tin nhắn tương tự cũng được Uber gửi đến các khách hàng của mình.
Như vậy không chỉ các tài xế, ngày 8/4 tới, các hành khách cũng phải chia tay với Uber sau gần 4 năm ứng dụng đặt xe này có mặt tại thị trường Việt Nam.
Cũng sau sáp nhập, Grab gần như sẽ "một mình một chợ". Dù ở trong nước không chỉ có một mình Grab. Nhưng không thể phủ nhận, trong suốt thời gian qua, khi các ứng dụng đặt xe trong nước hoạt động mờ nhạt thì trên thị trường Grab chỉ có Uber là đối thủ đáng gờm.
Khi hai thương hiệu này hợp nhất, thì Grab gần như nắm giữ toàn bộ thị trường đặt xe qua ứng dụng tại Việt Nam.
Đứng ngồi không yên vì lo Grab "một mình một chợ"
"Tạm biệt Uber"
Đây là dòng trạng thái của anh T.L khi biết thông tin Uber sẽ sáp nhập về Grab. Dòng trạng thái kèm theo những tiếc nuối đối với một ứng dụng anh đã sử dụng ngay từ những ngày đầu tiên khi vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh tâm trạng tiếc nuối, không ít khách hàng và cả tài xế tỏ ra lo lắng khi chỉ có Grab là nhà cung cấp dịch vụ đặt xe qua ứng dụng lớn và quen thuộc nhất trên thị trường.
Anh Phạm Trọng Nghĩa (345 Khương Trung, Hà Nội) cho biết: "Việc Uber sáp nhập vào Grab tôi cho là tin không vui đối với người dùng. Tôi là khách hàng thường xuyên sử dụng cả Uber, Grab, ứng dụng nào có mã khuyến mãi hoặc cước rẻ hơn là tôi đặt xe. Mã khuyến mãi lúc nào cũng có, tuy nhiên ngay từ đầu tuần này ngay khi sáp nhập, cả hai ứng dụng đều hết không còn mã khuyến mãi nữa. Phải chăng việc sáp nhập này sẽ làm cho Grab độc quyền, nên không cần phải khuyến mãi để thu hút người dùng nữa. Tôi lo là giá cước cước dịch vụ Grab có khả năng sẽ cao hơn trước đây. Như vậy, sẽ ảnh hưởng lớn tới người dùng taxi công nghệ, vì hiện các ứng dụng của Việt Nam còn hạn chế và ít người dùng".
Cùng suy nghĩ đó, chị N.H (Hà Nội) cũng cho hay: "Giờ đây khi "về chung một nhà"", Grab gần như "độc chiếm" sân chơi này thì khách hàng như mình không khỏi lo lắng về sự tăng giá, giảm các chương trình khuyến mại, ưu đãi".
Dẫu sao, không phải lần đầu tiên Grab thực hiện tăng giá cước hay tăng tỷ lệ ăn chia đối với các tài xế.
Mới đây nhất, Grab điều chỉnh giá cước hồi đầu năm 2018 với các dịch vụ Grab Bike và GrabBike Premium hay phụ thu phí trong dịp lễ, tết. Nhiều khách hàng tính toán, hiện cước taxi Grab ở khu vực Hà Nội xấp xỉ với một số hãng khác. Nếu đi vào giờ cao điểm hành khách bị tính tỉ lệ phụ trội nhân cao khiến cho mức cước chắc chắn đắt hơn.
Về phía tài xế, thông tin Uber sáp nhập về Grab khiến rất nhiều tài xế "hẫng hụt". Một số tài xế Uber chia sẻ, bên cạnh những tiện ích của ứng dụng, các tài xế sử dụng Uber bởi tỷ lệ ăn chia thấp hơn rất nhiều so với Grab và đối tượng khách hàng cũng lựa chọn hơn.Việc Uber sáp nhập với Grab đưa ra cho các tài xế không nhiều lựa chọn. Nếu chuyển sang Grab sẽ phải chấp nhận tỷ lệ ăn chia cao hơn (28,6%) hoặc chọn các ứng dụng khác. Đó là chưa kể đến nhiều trường hợp tài xế đã từng bị khóa tài khoản Grab thì sẽ coi như thất nghiệp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét