Từ ngày 26 đến 28/3/2018, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng tổ chức Diễn tập quốc tế ứng phó về y tế trong thảm họa với sự tham gia của 10 đội y tế khẩn cấp (EMTs) từ các quốc gia ASEAN, Nhật Bản và 2 đội của Việt Nam, với sự hỗ trợ của đội ngũ các chuyên gia quốc tế của Nhật Bản và Thái Lan.
Diễn tập quốc tế ứng phó về y tế trong thảm họa với sự tham gia của 10 đội y tế khẩn cấp (EMTs) từ các quốc gia ASEAN, Nhật Bản và 2 đội của Việt Nam, với sự hỗ trợ của đội ngũ các chuyên gia quốc tế của Nhật Bản và Thái Lan. |
Đây là đợt diễn tập lần thứ 2 (lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan – PV) và là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực các quốc gia ASEAN trong quản lý y học thảm họa, hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản - JICA và Viện quốc gia về Y học khẩn cấp của Thái Lan – NIEM với mục tiêu nâng cao cơ chế hợp tác về y tế để ứng phó thảm họa trong khu vực ASEAN. Việt Nam, cùng với 09 quốc gia thành viên khác của ASEAN, đã tích cực tham gia và đóng góp cho các hoạt động của dự án từ năm 2015 đến nay.
Theo PGS.TS Nguyễn Như Lâm, Tổ trưởng Tổ chuyên gia (Bộ Y tế): Điểm mới trong lần diễn tập này là hoàn thiện các mẫu biểu chăm sóc y tế của ASean; nếu như trước đây việc cập nhật thông tin được thực hiện thủ công thì lần này sẽ được triển khai trên hệ thống điện tử (phần mềm MDF của Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản - JICA). Dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục được triển khai trên Smartphone. Điều này sẽ vô cùng tiện ích trong trường hợp có thảm họa. Chỉ cần có sóng điện thoại, chúng ta có thể cập nhật các biểu mẫu liên quan trên Smartphone và ngay lập tức thông tin được chuyển về Trung tâm điều phôi thảm họa Asean để điều phối lực lượng ứng cứu kịp thời, ông Lâm nhấn mạnh.
Điểm mới thứ 2 của lần diễn tập này là hình thành 3 Trung tâm điều phối y tế điều hành trong thảm họa (PHEOC). Ba EOC này bao gồm 1 EOC vùng đặt tại Đà Nẵng, 2 EOC tuyến tính đặt tại Quảng Nam và Đà Nẵng để tiếp nhận thông tin bằng hệ thống điện tử và xử lý số liệu bằng phần mềm MDF, tổ chức sơ cứu các nạn nhân, đánh giá nhu cầu chăm sóc y tế tại các làng bị thiệt hại do thiên tai, gửi yêu cầu đến Trung tâm điều phối thảm họa ASEAN (Asean Center).
PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thông qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị diễn tập quốc tế phối hợp ứng phó y tế trong thảm họa lần 2 năm 2018 tại Đà Nẵng, Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ sẵn sàng phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN trong công tác hỗ trợ, ứng phó y tế trong tình huống xảy ra thảm hoạ tự nhiên ở quy mô khu vực. Đây cũng là cơ hội quý báu để các đội ứng phó y tế quốc tế và Việt Nam được trao đổi, tăng cường hiểu biết và nâng cao kỹ năng chuyên môn theo tiêu chuẩn khu vực cũng như tăng cường năng lực lập kế hoạch ứng phó với thảm họa tự nhiên trong tương lai.
Bà Sadamoto - Phụ trách Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA Văn phòng Việt Nam cho hay: "Mục đích của cuộc Diễn tập nhằm tăng cường hợp tác giữa các đội y tế để ứng phó khẩn cấp nếu có thảm họa xảy ra trong khu vực ASEAN. Thông qua việc cử các đội y tế đến Việt Nam và thực hiện các hoạt động diễn tập trong điều kiện mô phỏng khi xảy ra thảm họa tự nhiên, các nước ASEAN hiểu sâu hơn về phương pháp báo cáo phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và phương thức quản lý thông tin khi xảy ra thảm họa, đồng thời dự án JICA sẽ thu được những phản hồi cụ thể, trên cơ sở đó sẽ xây dựng được công cụ hợp tác khu vực ASEAN về y tế khẩn cấp đối phó với thảm họa tự nhiên".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét