Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Gánh nặng tiền bạc và nỗi lo cạnh tranh của ca sĩ Philippines ở VN - Tuổi Trẻ Online

TTO - Du ca xứ người, với đa phần ca sĩ Philippines, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Với họ, Việt Nam là mảnh đất ân tình cho họ cơ hội cất lên tiếng ca kiếm sống. Nhưng bây giờ miếng bánh thị phần đang ngày càng nhỏ dần bởi sự cạnh tranh...

Gánh nặng tiền bạc và nỗi lo cạnh tranh của ca sĩ Philippines ở VN - Ảnh 1.

Ca sĩ Amor - Ảnh: NGỌC HIỂN

Hiện nay ca sĩ Philippines được trả catsê cao hơn ca sĩ Việt. Nhưng có rất nhiều ca sĩ Việt ngày càng giỏi hơn chúng tôi. Sẽ sớm thôi, người ta sẽ không cần ca sĩ Philippines nữa và chuyển sang thuê ca sĩ Việt

Nữ ca sĩ Amor

Cách đây 15 năm, nữ ca sĩ Amor (43 tuổi), khi đó là nhân viên kỹ thuật một công ty dịch vụ Internet tại Philippines, nhận được lời mời sang Việt Nam hát ba tháng.

Có năng khiếu âm nhạc, lại từng biểu diễn ở vài tụ điểm giải trí nên Amor gật đầu đồng ý và xem đây như một chuyến du lịch.

Nhưng chính cô không ngờ rằng đó là chuyến đi thay đổi cuộc đời mình khiến cô ở lại đất nước này từ đó.

Amor tâm sự: "Nếu bạn đến Hong Kong, Trung Quốc hay một số quốc gia khác, họ thường coi người Philippines như những kẻ giúp việc. Còn người Việt Nam rất tốt, họ tôn trọng người Philippines nhiều hơn. Vì vậy trái tim tôi thuộc về nơi này".

Amor hát Like i'm gonna lose you tại một quán bar ở TP.HCM - Video: NGỌC HIỂN - NGỌC ĐÔNG

Amor là con gái thứ hai trong gia đình năm anh chị em đến từ thành phố cao nguyên Baguio. Cô phải chu cấp tiền ăn, tiền học cho các em hằng tháng.

Trước đây, mỗi tháng cô đều gửi 1.000 USD về cho ba đứa em. Giờ các em đã tốt nghiệp, cô chỉ gởi về 400 USD/tháng để phụ gia đình mua chung cư và lo thuốc thang cho cha già.

Ngoài đi hát, Amor còn đi dạy thêm tiếng Anh. Số tiền đi dạy, tiền được khách bo Amor để riêng, xem như khoản tiết kiệm cho bản thân phòng khi bệnh tật. Còn thù lao đi hát cô phải cân đối để vừa gửi về quê, vừa trả chi phí ăn ở, còn dư dả bao nhiêu mua sắm áo quần, son phấn...

Ca sĩ Amor biểu diễn đầy hứng khởi những ca khúc nhạc ngoại tại một quán bar ở quận 1 (TP.HCM) - Video: NGỌC HIỂN - NGỌC ĐÔNG

Mặc dù tốt nghiệp đại học ngành xây dựng nhưng anh Alvin V.Manigos vẫn quyết định sang Việt Nam làm ca sĩ năm 30 tuổi. 11 năm trước, lý do thuyết phục Alvin sang Việt Nam là anh chỉ việc hát hằng đêm tại một khách sạn ở Sài Gòn mà không phải tốn tiền ăn, tiền ở.

"Việc được bao ăn ở tạo động lực giúp tôi quyết định ra đi. Không tốn gì cả, chỉ hát thôi, lời đề nghị tốt vậy thì tại sao không. Tôi cũng thích làm việc này vì ca hát là đam mê của mình rồi" - Alvin chia sẻ.

Cũng như bao ca sĩ Philippines khác, phần lớn số tiền kiếm được từ nghề ca hát Alvin gửi về quê cho gia đình và phụ nuôi các em trai học đại học. "Người Philippines xa quê hầu hết đều dành dụm để gửi tiền về nuôi gia đình, đó cũng là mục đích chính để chúng tôi ra nước ngoài làm việc" Alvin nói.

Gánh nặng tiền bạc và nỗi lo cạnh tranh của ca sĩ Philippines ở VN - Ảnh 5.

Một nữ ca sĩ xinh đẹp Philippines biểu diễn trên quầy bar sân thượng tại một khách sạn ở trung tâm Sài Gòn - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhưng cuộc cạnh tranh trong nghề ở Việt Nam ngày càng khốc liệt, không chỉ giữa những ca sĩ Philippines mà còn từ phía ca sĩ Việt.

Theo nữ ca sĩ Amor, 15 năm trước số lượng ca sĩ Philippines ở Sài Gòn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ độc chiếm thị trường nhạc ngoại ở các phòng trà, quán bar.

Trước đây, ca sĩ Philippines sang Việt Nam theo hợp đồng với các công ty chuyên cung cấp ca sĩ. Mỗi ban nhạc, ca sĩ đều nằm dưới sự quản lý của những công ty này.

Tuy nhiên, khi số lượng ca sĩ sang Việt Nam càng nhiều, các ca sĩ Philippines tự tách khỏi công ty, kết nối với những ban nhạc Việt Nam để hành nghề độc lập.

Ban nhạc rock với toàn bộ ca sĩ, nhạc công là người Philippines biểu diễn rất sôi động tại quán bar Seventeen Saloon (quận 1, TP.HCM) - Video: NGỌC HIỂN - NGỌC ĐÔNG

Chính điều này khiến người Philippines dễ dàng sang Việt Nam hành nghề ca hát, tạo sự cạnh tranh và kéo theo sự sụt giảm catsê đối với ca sĩ Philippines.

"Nhiều người trẻ sang đây muốn có được công việc để ở lại nên thường chấp nhận mức catsê thấp hơn những ca sĩ kỳ cựu, điều đó khiến chúng tôi cũng bị mất đi nhiều buổi diễn" - Amor nói.

Nữ ca sĩ xinh đẹp Philippines biểu diễn trên tầng thượng ở khách sạn Rex (quận 1, TP.HCM) - Video: NGỌC HIỂN - NGỌC ĐÔNG

Nam ca sĩ Maya bộc bạch thị trường nhạc ngoại ở Sài Gòn hiện nay có sự cạnh tranh rất lớn. Nhiều người Philippines dù không phải là ca sĩ, họ sang đây để dạy tiếng Anh hay làm nhiều công việc khác nhưng vẫn sẵn sàng đến các quán bar, phòng trà xin hát với một mức catsê thấp hơn ca sĩ thực thụ.

Tuy nhiên, theo Maya, bên cạnh những nơi thuê "ca sĩ" nghiệp dư giá thấp vẫn còn nhiều nơi sẵn sàng trả mức thù lao cao để thuê ca sĩ chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của một thế hệ ca sĩ Việt trẻ thành thạo ngoại ngữ chuyên hát nhạc ngoại đang là một thách thức đối với ca sĩ Philippines.

Gánh nặng tiền bạc và nỗi lo cạnh tranh của ca sĩ Philippines ở VN - Ảnh 8.

Nam ca sĩ Maya chia sẻ về những khó khăn của ca sĩ Philippines trên đất Việt - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhiều ca sĩ Philippines chia sẻ với chúng tôi nỗi âu lo về một tương lai không xa, các ca sĩ Việt sẽ dần thay thế họ. Theo Amor, đã có trường hợp một ca sĩ Philippines bị từ chối tại một tụ điểm để thay vào đó là một ca sĩ người Việt bởi trình độ tiếng Anh của ca sĩ này không thua kém người Philippines.

"Hiện nay ca sĩ Philippines được trả catsê cao hơn ca sĩ Việt. Nhưng có rất nhiều ca sĩ Việt ngày càng giỏi hơn chúng tôi. Sẽ sớm thôi, người ta sẽ không cần ca sĩ Philippines nữa và chuyển sang thuê ca sĩ Việt, vì thế tôi chắc mình sẽ không được ở đây lâu nữa đâu" - cô ca sĩ ngậm ngùi nói.

Gánh nặng tiền bạc và nỗi lo cạnh tranh của ca sĩ Philippines ở VN - Ảnh 9.

Suốt 15 năm biểu diễn ở Việt Nam, nữ ca sĩ Amor đã dành dụm gửi tiền về quê toan lo cho gia đình - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhiều năm biểu diễn cùng ca sĩ Philippines, nghệ sĩ Huỳnh Quốc Thuấn (56 tuổi) cho biết dù Việt Nam là điểm đến hành nghề ca hát lý tưởng của người Philippines nhưng không phải ai cũng trụ nổi với nghề.

"Đã có không ít trường hợp ca sĩ Philippines hát quá yếu, không có sô biểu diễn đành khăn gói trở về quê hương hoặc chuyển sang nghề khác không dính dáng đến hát ca" - anh Thuấn nói.

Chỉ hát "tông" gốc

bai 5 - anh 4 (2)phi 5(read-only)

Nam ca sĩ Alvin V.Manigos vừa đàn vừa hát - Ảnh: N.ĐÔNG

Theo nam ca sĩ Maya, nhiều ca sĩ Philipinnes được khán giả ưa chuộng bởi họ có thể phát âm và bắt chước giống như giọng các ca sĩ đã làm cho bài hát nổi tiếng trước đó.

Dù có học hát đi chăng nữa, họ cũng chỉ thường học hát theo hợp âm gốc của bài hát hoặc bắt chước theo tông ca sĩ nổi tiếng. Điều này khác với ca sĩ Việt được học nhạc lý bài bản và thường hát theo tông của chính mình.

"Nếu đột nhiên đổi tông bài hát, ca sĩ Philippines sẽ không hát được hoặc rất khó khăn bắt được tông vì chúng tôi hát theo tông của ca sĩ nổi tiếng mà chúng tôi đã tập theo. Chính vì thế, trước câu hỏi "hát tông nào đây?" của bất kỳ ban nhạc nào, Maya luôn trả lời một câu duy nhất: "Tông gốc, đừng thay đổi".

Janice Phương - cô ca sĩ Philippines bước vào showbiz ViệtJanice Phương - cô ca sĩ Philippines bước vào showbiz Việt

TTO - Bây giờ thì cái tên Janice Phương không còn xa lạ với người yêu nhạc, bởi cô là quán quân Viẹtnam Idol 2016, nhưng có lẽ ít người biết, cô là một ca sĩ Philippines.

Source https://tuoitre.vn/ganh-nang-tien-bac-va-noi-lo-canh-tranh-cua-ca-si-philippines-o-vn-20180402103502798.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...