Hội nghị về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa được Ban thường vụ tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức (Nguồn ảnh: most.gov.vn) |
Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Bộ KH&CN cho hay, ngày 30/3 vừa qua, hội nghị trực tuyến về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) vừa được Ban thường vụ tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức qua phương thức cầu truyền hình với 126 điểm cầu, nhằm mục đích cung cấp thông tin chuẩn xác và chính thống về cuộc cách mạng này, góp phần nâng cao nhận thức của các cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Sóc Trăng về thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại hội nghị này, tham luận về "Tổng quan và định hướng về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, dẫn đến sự biến đổi bối cảnh toàn cầu và có tác động ngày một gia tăng đến Việt Nam, xét cả về mặt tích cực cũng như tiêu cực.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, đánh giá về hiện trạng triển khai công nghiệp 4.0 tại Việt Nam cho thấy, trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù mật độ robot công nghiệp hiện tại còn rất thấp ở Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam đang được coi là thị trường tiềm năng cho robot công nghiệp.
Đặc biệt, ngành điện tử trong những năm gần đây có những tiến bộ vượt bậc nhờ sự hiện diện của các tập đoàn đa công nghệ đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ mới đã bắt đầu được quan tâm ứng dụng để hướng đến chăn nuôi, trồng trọt với mức độ tự động hóa và quy chuẩn cao.
Đối với lĩnh vực CNTT, kim ngạch xuất khẩu công nghiệp phần mềm- cứng, điện tử tiếp tục đạt mức ấn tượng đạt 34,76 tỷ USD năm 2013 (tăng 51,7% so với năm 2012). Tổng số thuê bao điện thoại đạt 130 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động chiếm 95% và số thuê bao 3G đã gần chạm mốc 22,4 triệu thuê bao (tăng 11,2% so với năm trước), đạt tỷ lệ 24,93% thuê bao/100 dân.
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng làm thay đổi hẳn tư duy, năng lực và kỹ thuật chuyên môn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong lĩnh vực y tế. Còn trong lĩnh vực tài chính, các sản phẩm ngân hàng, tài chính kết hợp kỹ thuật mới đã và đang được triển khai đầu tư, dịch vụ ngân hàng điện tử được triển khai ở tất cả ngân hàng. Ở lĩnh vực năng lượng, các công nghệ năng lượng tái tạo hiện đại chưa được đưa vào ứng dụng nhiều. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Việt Nam có đủ 5 loại hình vận tải nhưng chưa được phát triển toàn diện, còn ở trình độ thấp.
Cũng tại hội nghị trực tuyến về Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa được tỉnh Sóc Trăng tổ chức, các đại biểu tham dự đã được nghe các chuyên gia tham luận về các vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng này, như: "Báo cáo chung về Cách mạng công nghiệp 4.0 - Kết quả triển khai Chỉ thị 16" của TS. Vũ Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Quản lý KH&CN; "Tỉnh Sóc Trăng số hóa để sẵn sàng trong Cách mạng công nghiệp 4.0" của ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ DTT; "Nông nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0" của GS.TS. Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ; "Ứng dụng CNTT trong nuôi tôm" của ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc.
Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa những giải pháp, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng khả năng tiếp cận, tận dụng được những cơ hội đổi mới, phát triển do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Trước đó, đầu tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chỉ thị này đã cụ thể hóa các giải pháp và nhiệm vụ đối với bộ, ngành, địa phương nhằm tạo môi trường, thuận lợi giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường khả năng tiếp cận, tận dụng được những cơ hội đổi mới, phát triển do cuộc cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại; đồng thời hạn chế giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này đối với Việt Nam.
Tiếp đó, tại Nghị quyết hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017, Chính phủ đã có một số chỉ đạo liên quan đến thực hiện Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 16 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; rà soát các chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm thuộc phạm vi quản lý để điều chỉnh phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xác định các công nghệ cần ưu tiên phát triển trong trung và dài hạn; lựa chọn, đề xuất một số sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Bộ KH&CN được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương, TT&TT và các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, đối tác quốc tế liên quan khảo sát, xây dựng báo cáo hiện trạng, kịch bản tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trình Chính phủ ban hành trong năm 2018. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ KH&CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, phê duyệt và đưa vào triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trọng điểm về các công nghệ chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đào tạo STEM trong trường phổ thông.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ: KH&CN, KH&ĐT, Công Thương nghiên cứu, bổ sung doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao các công nghệ trong lĩnh vực CNTT và các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nhóm các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc một trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong các hoạt động tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét