Khách du lịch xem triển lãm "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966" - Ảnh: TỰ TRUNG
Sài Gòn với những nhân sĩ trí thức hừng hực lòng yêu nước, khát khao độc lập, chí nguyện hi sinh. Sài Gòn với những nhà tư bản quyết chí thành danh với những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam của riêng mình...
Sài Gòn khói lửa, bập bùng súng đạn, những cuộc chính biến tranh giành quyền lực, những thăng những trầm, những vàng son, những chết chóc...
Bạn sẽ gặp lại một Sài Gòn với muôn mặt như thế ở triển lãm "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966" đang mở cửa ngay trong khuôn viên hội trường Thống Nhất, một địa điểm không thể lý tưởng hơn.
Không gian nhỏ với những màn hình lớn đủ để những câu chuyện về dinh Norodom - Độc Lập, về đường phố, xe điện Sài Gòn được khách tham quan tự do chọn lựa xem - đọc - nghe - cảm.
Và cả sờ - chạm - hít thở không khí Sài Gòn trong một góc quán cà phê Anh Vũ được tái hiện, nhạc bolero văng vẳng, ảnh các giai nhân một thời trên tường, câu chuyện về những nhân vật lừng danh của Sài Gòn ẩn khuất chờ khám phá.
Công phu của những người thực hiện không chỉ ở việc sưu tầm - chọn lọc tư liệu, văn bản, thiết kế hình ảnh, hiện vật trưng bày trên tường, lớp nổi lớp chìm mà còn chăm chút lồng những bài báo, bản nhạc, hình ảnh của miền Nam và cả miền Bắc cùng thời vào tập menu đặt trên bàn cà phê, phục vụ những vị khách chú tâm và có thời gian.
Khách du lịch xem triển lãm "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966" - Ảnh: TỰ TRUNG
Được chú ý nhất là câu chuyện 9 năm làm chủ dinh Độc Lập của đại gia đình họ Ngô được hệ thống lại một cách đầy đủ và công bằng.
Chỉ trong một căn phòng, hình ảnh, văn bản, trích dẫn tuyên ngôn đủ để hâm nóng lại vũ đài chính trị sôi động, phức tạp chồng chéo thời Việt Nam cộng hòa.
Bên trong các bức chân dung, lại có những hiện vật được tuyển chọn để tái hiện những con người: chiếc máy ảnh Canon kể về một Ngô Đình Diệm nghiêm ngắn, chiếc gạt tàn gắn với một Ngô Đình Nhu thâm trầm, khẩu súng rulo của Trần Lệ Xuân mạnh mẽ quyết liệt, cơi trầu của Ngô Đình Cẩn phong kiến khắc nghiệt...
Và nhân vật cuối cùng nổi lên vẫn là Sài Gòn. Tiếng bom rơi lẫn trong tiếng nhạc bolero. Những bức ảnh dữ dội của một thời binh đao không át được những cảnh sắc diễm lệ được chụp cùng thời.
Đời sống thị dân vẫn ngày một phong phú, sầm uất từ mỗi hè đường, góc phố vào tận từng căn nhà, quán xá với gạch bông, máy hát đĩa, bia chai, áo dài. Văn hóa văn nghệ vẫn sang trọng, vẫn đẹp, vẫn nhân văn với thơ ca nhạc họa... dù ngoài kia bom rơi đạn nổ.
Hình ảnh hoang tàn, sụp đổ của dinh Độc Lập đã được thay ngay bằng dinh mới lộng lẫy, vượt lên trên những biến động chính trị và bi kịch con người...
Đằng sau nhà trưng bày, góc quán cà phê Dinh dưới bóng những cây sao cao vút đã đợi sẵn khách, dành chỗ để lắng lại sau một vòng đi cùng lịch sử.
Chiến tranh rồi cũng qua. Những đời người từ tột đỉnh quyền lực rơi thẳng đứng xuống vực thẳm rồi cũng qua. Chỉ còn lại là cuộc sống vẫn cuộn chảy, vẫn phát triển ngày một đẹp hơn...
Từ hôm nay (1-4), sau ba tuần mở cửa tự do, triển lãm "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập" sẽ bán vé vào cửa, giá 40.000 đồng/vé.
Xứng đáng cho một câu chuyện trăm năm về Sài Gòn.
Tháng 3 Sài Gòn: đến hội sách lớn nhất từ trước đến nay
TTO - Từ hôm nay 19-3, bạn đọc Sài Gòn có thể thỏa thích tìm đến 30 triệu bản sách cùng hàng loạt cuộc giao lưu, tọa đàm tại Hội sách lần thứ 10.
Source https://tuoitre.vn/xung-dang-cho-mot-cau-chuyen-tram-nam-ve-sai-gon-20180401111242142.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét