Thế Giới Di Động vừa công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2018. Theo đó, doanh thu sau 5 tháng đạt 37.080 tỷ đồng, tăng trưởng 43% so với năm trước. Lợi nhuận là 1.289 tỷ đồng, tăng trưởng 44%.
Trong tháng 5 vừa qua, Điện Máy Xanh tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn doanh thu lớn nhất, đạt 4.214 tỷ đồng. Chuỗi này chỉ mở thêm duy nhất 1 cửa hàng trong tháng qua. Sau 1 năm bùng nổ về số lượng, dường như Điện Máy Xanh đang phát triển chậm lại. Suốt 4 tháng gần đây, chuỗi này mới chỉ có thêm 17 cửa hàng, trong khi giai đoạn trước đó thường mở 30-40 cửa hàng mỗi tháng.
Trong khi đó, doanh thu chuỗi điện thoại tiếp tục đi xuống, chỉ đạt 2.836 tỷ đồng trong tháng 5. Chuỗi này tiếp tục phải đóng 4 cửa hàng trong tháng qua và tính từ đầu năm đến nay đã phải đóng tổng cộng 11 cửa hàng.
Đối với Bách Hóa Xanh, sau khi thay đổi chiến lược, chuỗi cửa hàng này đang đem đến kết quả tích cực. Bách Hóa Xanh đã giảm tốc độ mở mới cửa hàng và tập trung vào chất lượng điểm bán, điều này giúp doanh thu trung bình tại các cửa hàng có thời gian hoạt động tối thiểu 30 ngày đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt trên 800 triệu đồng/cửa hàng trong tháng 5/2018.
Bách Hóa Xanh đã ưu tiên chọn mặt bằng mở mới nằm ở các trục đường phụ, tại các vị trí có khả năng thu hút số lượng khách hàng đến tham quan mua sắm cao và chú trọng phục vụ khách hàng tốt hơn để đảm bảo mức doanh thu giúp cửa hàng hòa vốn và bắt đầu có lời. Sự thay đổi này giúp các cửa hàng mở mới từ tháng 4/2018 đến nay đều đạt doanh số trên 1 tỷ đồng/tháng.
Bách Hóa Xanh cũng đang chuyển đổi một số cửa hàng chưa khai thác hết tiềm năng sang mô hình "Thịt tươi, cá lội" với sự đầu tư đa dạng hơn 150 chủng loại hàng tươi sống. Số lượng khách hàng đến mua sắm và doanh thu trung bình của các cửa hàng này cao hơn khoảng 20% so với các cửa hàng thông thường.
Tính trung bình trong tháng 5, Bách Hóa Xanh phục vụ hơn 4,5 triệu giao dịch thành công, tức bình quân cứ 2 phút lại có 1 giao dịch thành công.
Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của Bách Hóa Xanh cũng đang được cải thiện. Từ mức 12% năm 2017, biên lợi nhuận gộp đã tăng lên 14% vào quý 1/2018 và đạt 16% vào tháng 5/2018. Mục tiêu của Bách Hóa Xanh là đạt hiệu suất 18% trong 6 tháng tới để đạt gần đến điểm hòa vốn.
Trước đó, báo cáo của Công ty chứng khoán HSC nhận định, điểm hòa vốn của Bách Hóa Xanh trong khoảng 800 triệu đồng/cửa hàng/tháng.
Thị trường thực phẩm giá trị trên 70 tỷ USD còn manh mún, Bách Hóa Xanh liệu sẽ tiếp nối thành công của Điện máy xanh và TGDĐ?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét