Hai nhân vật chính trên trang bìa tạp chí số mới nhất của Time - Ảnh: TWITTER
Những ngày qua người dân Mỹ "rúng động" vì trang bìa số mới nhất của tạp chí Time. Trên nền đỏ báo động ấn tượng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cao lớn, với một thái độ bình tĩnh, nhìn xuống cô bé hai tuổi đang khóc nức nở vì bị tách khỏi mẹ. Kèm theo đó là dòng chữ: "Chào mừng tới nước Mỹ".
Bìa tạp chí Time đã đánh một đòn mạnh vào ông chủ Nhà Trắng cũng như tâm lý của người dân Mỹ giữa làn sóng phản đối chính sách "không khoan nhượng" (zero tolerance) nhằm ngăn cản người nhập cư trái phép vào Mỹ.
Bức ảnh gốc cho thấy cô bé tội nghiệp Yanela Sanchez đến từ Honduras được chụp bởi nhiếp ảnh gia John Moore (từng đoạt giải Pulitzer) hôm 12-6 ở McAllen, bang Texas, thuộc khu vực biên giới Mỹ - Mexico. Ông Moore đã bày tả sự đau lòng khi chụp bức ảnh này.
Bức ảnh cho thấy cô bé Sanchez khóc nức nở khi mẹ bị lực lượng canh gác biên giới Mỹ bắt giữ - Ảnh: JOHN MOORE
Tuy nhiên, bức ảnh gây chấn động của tạp chí Time chỉ là một nửa sự thật. Người ta chỉ biết đầu đuôi câu chuyện khi những người trong cuộc lên tiếng.
Ngay sau khi nhìn thấy tấm ảnh của con mình tràn khắp các mặt báo, Denis Javier Varela Hernandez, cha của Sanchez, khẳng định cô bé và mẹ vẫn ở chung với nhau chứ chưa bao giờ bị tách ra như tạp chí Time phản ánh.
Mẹ của cô bé, bà Sandra Sanchez, trước đây từng bị trục xuất về Honduras hồi năm 2013. Người chồng tiết lộ với tờ Washington Post rằng trong vụ việc mới nhất, vợ con ông tìm cách vượt biên mà không hề nói cho ông biết, và ông không thể liên lạc được bà. Ông chỉ biết chuyện sau khi nhìn thấy con gái Sanchez xuất hiện trên báo.
"Các bạn có tưởng tượng được tôi cảm giác như thế nào khi nhìn thấy bức ảnh về con gái của mình không. Nó đã làm tan nát con tim tôi. Là một người cha, tôi không thể nào chấp nhận được khi nhìn thấy bức ảnh đó, nhưng giờ tôi biết được họ không còn gặp nguy hiểm" – ông Hernandez tâm sự.
Ông cũng khẳng định ông không hề ủng hộ việc vợ vượt biên sang Mỹ, và cho biết ngoài Sanchez, vợ chồng ông còn có với nhau ba đứa con khác.
Nhiều người Mỹ căm phẫn và đau lòng với câu chuyện chia tách mẫu tử ở biên giới Mỹ - Mexico - Ảnh: GETTY
Hãng tin Fox News ngày 22-6 dẫn một tuyên bố của nhiếp ảnh gia John Moore cũng nói rằng cô bé Sanchez không hề bị tách khỏi mẹ. "Họ đã đi cùng nhau tới một trung tâm giam giữ. Tôi chưa bao giờ thấy họ bị chia tách vĩnh viễn" - ông Moore thông tin.
Như vậy, việc tạp chí Time sử dụng hình ảnh cô bé Sanchez trong bức ảnh và ghép vào một trang bìa đỏ báo động để nói về vấn đề chia tách trẻ em nhập cư rõ ràng chỉ phản ánh một nửa sự thật.
Chính Time đã tạo ra con sóng mạnh khủng khiếp để buộc ông Trump tuyên bố từ bỏ chính sách chia tách trẻ em nhập cư khỏi gia đình tại biên giới.
Một số tờ báo như New York Daily News cũng "hùa theo" đặt hình ảnh cô bé tội nghiệp Sanchez lên trang bìa, với tiêu đề: "Nhẫn tâm. Vô hồn. Hèn nhát. Trump". Quả thật "tin mẹ đẻ tin con"!
Hình ảnh cô bé 2 tuổi tội nghiệp xuất hiện trên trang bìa tờ New York Daily News - Ảnh chụp màn hình
Khi một nửa sự thật còn lại được phơi bày, tạp chí Time đã lên tiếng đính chính xác nhận là cô bé không bị tách khỏi mẹ. Tuy nhiên, điều đó vô nghĩa và đã quá muộn. Vì nửa sự thật không còn là sự thật!.
"Bản gốc về câu chuyện này đã nhầm lẫn về những gì xảy ra với cô bé trong bức ảnh sau khi cô bé được đưa khỏi hiện trường. Cô bé không bị các nhân viên tuần tra biên giới bắt đi trong sự la thét, mẹ cô bé đã dắt cô bé và cả hai được đưa đi cùng nhau" – Time đính chính khi mọi chuyện đã vỡ lẽ.
Ngạn ngữ Nga có câu: "Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật". Và khi nhìn vào những hậu quả sau tấm bìa đỏ báo động, câu chuyện của Time rõ ràng đúng với câu ngạn ngữ này.
Trang bìa của Time đã khiến cả nước Mỹ 'rúng động' - Ảnh: TWITTER
Có thể tạp chí Time đã biết trước việc mẹ con cô bé người Honduras không bị chia tách và họ thấy tấm ảnh cô bé quá nổi bật để đánh vào câu chuyện nhập cư của ông Trump. Người ngoài cuộc thì không thể nào biết được thực hư.
Tuy nhiên, có một thứ mà người ta biết được là chính những định kiến với ông Trump đã khiến một số tờ báo và nhà báo Mỹ bỏ qua nguyên tắc công minh của nghề nghiệp để phổ biến sự thật đến với người dân Mỹ. Và nó đã gây ra một chút gì đó thất vọng trong lòng người dân Mỹ.
Theo Fox News, đây là "sơ suất" mới nhất của báo chí Mỹ liên quan tới vấn đề nhập cư.
Tháng trước, các nhà báo và những người theo đường lối tự do đã đồng loạt chia sẻ một bài viết với nhiều hình ảnh cho thấy trẻ em bị nhốt trong những chiếc lồng ở trung tâm giam giữ Arizona. Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội sau đó phát hiện bài viết này có từ năm 2014, tức trong thời kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét