Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

Giáo sư Phan Huy Lê: Nhân cách một nhà sử học chân chính

TTO - Là một trong số những người đã từng làm việc với giáo sư Phan Huy Lê, nhà thơ Nguyễn Duy có những suy nghĩ xúc động trước sự ra đi đột ngột của ông.

Giáo sư Phan Huy Lê: Nhân cách một nhà sử học chân chính - Ảnh 1.

Giáo sư Phan Huy Lê (thứ hai từ trái sang) tại hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn diễn ra năm 2008 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Khi nghe giáo sư Phan Huy Lê mất, tôi choáng váng trước sự ra đi đột ngột của một đại thụ.

Tôi có cơ duyên đồng hành cùng ông trong việc tổ chức hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn diễn ra ở Thanh Hóa vào tháng 10-2008, một hội thảo rất thành công, gây tiếng vang trên nhiều phương diện.

Câu chuyện hội thảo bắt đầu từ sự tình cờ.

Năm 1998, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc ấy là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rủ tôi về dự lễ khánh thành khu lưu niệm Tôn Đức Thắng ở cù lao Ông Hổ, An Giang. Sau đó, khi tham gia thực địa vùng tứ giác Long Xuyên, lúc đi trên kênh Vĩnh Tế, tôi kể câu chuyện chính sử và dã sử về việc Thoại Ngọc Hầu làm con kênh này.

Trên đường về, câu chuyện giữa tôi và ông Kiệt là chuyện khai mở đất đai miền Nam và Nam Bộ thời Nguyễn. Chúng tôi thống nhất một điều, dân Nam Bộ ăn lộc của nhà Nguyễn và cả nước phải mang ơn nhà Nguyễn trong công cuộc khai mở đất đai và thống nhất đất nước.

Nhưng cách đối xử với nhà Nguyễn còn nhiều điều bất công...

Qua những câu chuyện như thế, chúng tôi thấy cần có một hội thảo khoa học lịch sử quốc gia về nhà Nguyễn, để minh định lại lịch sử, cái nào là công, là tội, cái nào là tiến bộ, là lạc hậu.

Mặt khác, đây là giai đoạn lịch sử cực kỳ lớn, nó liên quan trực tiếp đến giai đoạn lịch sử hiện tại, nên cần phải làm. Ông Kiệt lúc ấy phân vân địa điểm tổ chức hội thảo.

Trong lúc cân nhắc, tôi đề nghị tổ chức tại nơi phát tích của nhà Nguyễn là Thanh Hóa. Nơi đây vào năm 1558, Nguyễn Hoàng dẫn đầu cuộc di dân vĩ đại trên 500 chiếc thuyền, có nhiều dòng họ đi cả vào Nam, từ đó khởi dựng giai đoạn các đời chúa Nguyễn xứ Đàng Trong và vương triều Nguyễn sau này.

Tôi vận động tỉnh Thanh Hóa quê tôi, rất may tỉnh ủng hộ. Ông Kiệt lúc ấy trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, làm việc với giáo sư Phan Huy Lê và giáo sư đồng ý ngay, đứng ra làm đầu mối tổ chức hội thảo.

Giáo sư Phan Huy Lê mời chuyên gia trong nước, ngoài nước thực hiện tham luận. Từ hội thảo trù bị tháng 3-2008, ông Kiệt nhiều lần làm việc với giáo sư Phan Huy Lê trong công tác tổ chức.

Ông Kiệt lúc ấy dự định dẫn đoàn đại diện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ra dự hội thảo, đóng góp cả nội dung lẫn vật chất cùng tỉnh Thanh Hóa. Tiếc là ông Kiệt mất vào tháng 6 năm ấy.

Cuộc hội thảo diễn ra ngày 18 và 19-10-2008, nhân kỷ niệm 550 năm ngày Nguyễn Hoàng ra đi mở cõi xứ Đàng Trong, đã rất thành công, nhất là minh định được một số vấn đề quan trọng liên quan nhà Nguyễn, mà có thể nói cho đến bây giờ khó có sự kiện khoa học lịch sử nào được như vậy.

Khi làm việc với ông, điều tôi ấn tượng nhất là nhân cách của một nhà sử học, luôn có chính kiến trung thực và làm theo chính kiến ấy một cách khoa học.

Tôi xin trang trọng nghiêng mình trước hương linh của ông, một nhà sử học tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, với những vấn đề của lịch sử dân tộc trên cơ sở kiến thức chuyên môn cao và rất vững vàng.
Nhà thơ Nguyễn Duy

Giáo sư Phan Huy Lê: Nhân cách một nhà sử học chân chính - Ảnh 3.

Giáo sư Phan Huy Lê: Ngọn lửa không tắtGiáo sư Phan Huy Lê: Ngọn lửa không tắt

TTO - Sự ra đi của giáo sư Phan Huy Lê không chỉ để lại nỗi mất mát, tiếc thương. Lần giở những ký ức về ông, hậu thế luôn tìm được những bài học lớn. Xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của một học trò thân cận với ông suốt 50 năm qua.

Source https://tuoitre.vn/giao-su-phan-huy-le-nhan-cach-mot-nha-su-hoc-chan-chinh-20180625093444174.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...