Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Lang thang vẽ tranh, ghi chép và hớp hồn phố thị

TTO - Kiến trúc sư, tác giả Nguyễn Ngọc Dũng vừa mang đến Đường sách TP.HCM tác phẩm mới nhất của ông: 'Lang thang phố thị - Đồng bằng sông Cửu Long', và buổi ra mắt sáng 23-6 nhận được rất nhiều lời xuýt xoa: ôi, sách đẹp quá!

Lang thang vẽ tranh, ghi chép và hớp hồn phố thị - Ảnh 1.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng (phải) đang trình bày câu chuyện về Đồng bằng sông Cửu Long được ông đưa vào sách - Ảnh: L.Điền

Không chỉ "bắt dính" bạn đọc bằng những bài viết mang phong vị du ký miệt Đồng bằng sông Cửu Long, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng còn đưa vào tập sách những bức tranh sơn dầu, ký họa, màu nước... do ông sáng tác như muốn chuyển một phần sắc màu đặc trưng vùng châu thổ Mekong vào những trang sách của ông.

Đây cũng chính là lần thứ 3 KTS Nguyễn Ngọc Dũng ra mắt sách Lang thang phố thị . Hai lần trước ông đã "lang thang" ở nước ngoài, đã góp ý phản biện về kiến trúc đô thị, và lần này tập trung vào những bước lang thang suốt dọc 11 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Sách trình bày theo hình thức: Ở mỗi tỉnh thành, trước tiên giới thiệu các thông tin nền về: ẩm thực địa phương, các điểm tham quan, lễ hội văn hóa.

Sau đó là từng trang viết đưa bạn đọc cùng tác giả hòa vào đời sống của người dân của từng vùng miền. Cũng là miền Tây Nam bộ, nhưng những trang viết không đơn thuần làm công việc của một tour guide.

Câu chữ, nét vẽ, cái nhìn, cách ký họa, và cả từng câu chuyện được chọn lọc để kể lại cho người nghe về các tỉnh thành, dần dần làm người ta nhận ra tác giả đã sống và chia sẻ, đã thưởng thức và cảm nhận, đã đắm mình vào không gian đậm đặc tình đất tình người vùng châu thổ...

Điểm thú vị của mỗi tập sách chính là phong cách viết như một lối giãi bày tâm sự ấy. Cũng là chỗ khéo léo của tác giả nhằm đưa người đọc thoát ra khỏi lối mòn khi giới thiệu những nét hay đẹp của mỗi vùng miền.

Cứ như vậy, cùng với những tranh ảnh, những thông tin nền về lệ hội, món ăn, bạn đọc sẽ thấy mình bị trang viết của Nguyễn Ngọc Dũng nhẩn nha đưa đến những câu chuyện tưởng chừng như riêng biệt lắm.

Mà cũng phải, đây chính là cách nắm bắt của tác giả tại mỗi vùng trên bước lang thang.

Vừa nghe ông giới thiệu Vĩnh Long với chén cơm đầy, đã lại bước sang An Giang với mặn và ngọt, rồi Cà Mau thì ông nói chuyện "đất và biển", Long An có căn nhà nhỏ ấm áp tình người, Tiền Giang hiện ra nơi đây như vùng đất của những người phụ nữ mạnh mẽ...

Và có rất nhiều câu chuyện về người, lang bạt kỳ hồ kiểu như Đại ka Minh Thẹo ở Bạc Liêu và gã lang thang ở Kiên Giang, lại có người bạn học ở Sóc Trăng và bà bác sĩ về hưu ở Đồng Tháp, và dư vị hẳn sẽ còn đọng lại ở những cung đường, câu chuyện, dáng người và tính cách cư dân qua những gã gàn ở Bến Tre từng là bạn học với tác giả.

Hay khi gấp sách lại, những sắc màu và đường nét ký họa như được thoát ra theo dòng suy tưởng của người đọc sau khi bị cách gọi tên thơ mộng của tác giả "ám" vào: Cần Thơ mây trắng trôi về phương xa, Đất và biển ở vùng đất biển Mũi Cà Mau...

Lang thang vẽ tranh, ghi chép và hớp hồn phố thị - Ảnh 2.

Tập sách Lang thang phố thị thứ 3 của KTS Nguyễn Ngọc Dũng - Ảnh: L.Điền

Tại buổi giao lưu, KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho biết ấn tượng của ông về vùng đất miền Tây Nam Bộ hình thành từ thời bao cấp, khi ông vừa tốt nghiệp ngành kiến trúc và về Bạc Liêu thực tập.

"Tôi muốn lưu giữ hình ảnh của người dân miền Tây, ở họ nổi bật đức tính giàu nghị lực và tinh thần vui sống. Đằng sau mỗi chân dung mỗi cảnh đẹp là cuộc sống còn nhiều khó khăn. Cứ nhìn người phụ nữ và đôi quang gánh tôi hình dung không có nơi nào người phụ nữ hôm nay còn vất và cùng với đôi quang gánh như phụ nữ Việt Nam.

Tôi viết và vẽ với mong muốn giới thiệu sâu hơn về đất về người của Đồng bằng sông Cửu Long cho nhiều người ở các vùng miền khác, đất nước khác cùng chia sẻ", KTS Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ.

Nhiều ý kiến từ phía bạn đọc đặt vấn đề môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long đang bị xáo trộn do việc xây dựng các đập thủy điện ở các quốc gia thượng nguồn Mekong. KTS Nguyễn Ngọc Dũng đồng cảm với những ý kiến này, ông thừa nhận rằng Đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với nhiều khó khăn trước mắt.

Theo ông, công việc của những nhà làm chính sách và phản biện chính sách đang rất nhiều. "Chúng ta sống chung với những khó khăn hay chống lại thế nào? Làm sao để cho người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long không bỏ đất ra đi... là điều mà các nhà quy hoạch và làm chính sách cần phải suy nghĩ thực hiện".

Ông cho rằng phát triển du lịch có tính toán đến các điều kiện cần và đủ cho Đồng bằng sông Cửu Long cũng là một hướng phát triển.

Tập sách này cũng góp phần vào việc đó, nên sắp tới sách sẽ có phiên bản tiếng Anh. Đồng thời KTS Nguyễn Ngọc Dũng cũng cho biết thêm rằng ông đang chuẩn bị "lang thang phố thị" tiếp theo ở các tỉnh thành miền Đông như: Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn TP.HCM... và tiếp tục ra sách.

Ngày hội văn học của sinh viên Cửu LongNgày hội văn học của sinh viên Cửu Long

TT - Những hoạt động xoay quanh chủ đề văn học Việt Nam hiện đại vừa được thầy trò Đại học Cửu Long (thành phố Vĩnh Long) phối hợp với Thư viện tỉnh Vĩnh Long và NXB Trẻ tổ chức thành một ngày hội, khai mạc sáng 14-11.

Source https://tuoitre.vn/lang-thang-ve-tranh-ghi-chep-va-hop-hon-pho-thi-20180623170948337.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...