Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Biến tiềm năng thành cơ hội phát triển

tổng giám đốc phát triển hội nhập quốc tế chính phủ chuyên gia du lịch doanh nghiệp thủ tướng việt nam ẩm thực khách du lịch gia thương hiệu thế giới văn hoá du khách xây dựng quốc tế sản phẩm

QĐND - Trong "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lần đầu tiên, khái niệm "du lịch ẩm thực" chính thức được đề cập trong hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Du lịch Việt Nam cần quan tâm "phát triển mạnh du lịch ẩm thực", coi đây là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra sự hấp dẫn của du lịch Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Việt Nam - "Thiên đường ẩm thực"

Đầu tháng 8-2012, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã công bố "Bộ tiêu chí giá trị ẩm thực châu Á" và Việt Nam được xác lập 10 món ăn đầu tiên theo tiêu chí xác lập của tổ chức này. Đây là thông tin rất quan trọng không chỉ khẳng định những giá trị về văn hóa ẩm thực Việt Nam, mà còn là cơ hội tốt để ngành Du lịch nước ta giới thiệu, quảng bá tiềm năng dồi dào, hấp dẫn của những món ăn truyền thống Việt Nam đã được bạn bè thế giới biết đến, công nhận. Mười món ăn được xác lập kỷ lục châu Á bao gồm: Phở Hà Nội, Bún chả Hà Nội, Bún thang Hà Nội, Bánh đa cua Hải Phòng, Cơm cháy Ninh Bình, Miến lươn Nghệ An, Phở khô Gia Lai, Bánh ngọt Vũng Tàu, Gỏi cuốn Sài Gòn, Cơm tấm Sài Gòn. Chỉ ít lâu sau đó, 2 món ăn của Việt Nam là Bún bò Huế và Mì Quảng (Quảng Nam) tiếp tục được công nhận có giá trị ẩm thực của khu vực châu Á.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa ẩm thực Việt Nam và một số đánh giá của chuyên gia nước ngoài, nguyên liệu và thực phẩm chế biến các món ăn của Việt Nam đều là sản vật thiên nhiên rất đa dạng, phong phú. Việc chế biến món ăn có sự kết hợp các gia vị hài hòa nên hầu hết các món ăn truyền thống đã thể hiện nguyên lý điều hòa "âm-dương" rất hợp khẩu vị với nhiều đối tượng thực khách và dễ tiêu hóa. Trong nhiều món ăn, nhiều loại gia vị như rau thơm, rau húng, tía tô, củ gừng, củ riềng, thảo quả... còn có tác dụng phòng bệnh và chữa bệnh khá hiệu quả.

Giới thiệu các món ăn ngon tại Hội thi nấu ăn các món ăn dân tộc do Tổng cục Du lịch tổ chức.

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch), người tham gia khá nhiều đợt giới thiệu, quảng bá du lịch ở nước ngoài cho biết: Mấy năm gần đây, ẩm thực Việt Nam ngày càng được du khách thế giới biết đến, bởi số lượng khách tham gia các hội chợ du lịch có giới thiệu món ăn Việt Nam và các festival ẩm thực của Việt Nam tổ chức ở nhiều quốc gia ngày càng lớn. Khi được hỏi về món ăn Việt Nam sau khi thưởng thức, hơn 60% du khách nước ngoài tỏ ra hài lòng, thích thú.

"Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống. Phát triển mạnh du lịch ẩm thực. Phát huy các giá trị văn hóa vùng miền làm nền tảng cho các sản phẩm du lịch đặc trưng".

Trích Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"

Níu kéo du khách bằng... ẩm thực độc đáo

Tại cuộc hội thảo mới đây do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm lấy ý kiến các doanh nghiệp du lịch phục vụ công tác quản lý nhà nước, nhiều doanh nghiệp đề cập đến việc cần xây dựng một thương hiệu du lịch cụ thể cho Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Viettravel-một công ty lữ hành quốc tế hàng đầu Việt Nam-đã phát biểu rằng: Trong hội nhập quốc tế hiện nay, quá trình cạnh tranh rất quyết liệt nên nước ta phải tìm ra một thương hiệu đặc trưng để thu hút khách du lịch quốc tế, trong đó có du lịch ẩm thực. Ông Kỳ đã nhắc lại lời ông Philp Kotler, người được coi là một trong những nhà sáng lập trường phái marketing hiện đại của thế giới từng gợi ý "Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới" được đưa ra tại cuộc hội thảo marketing tổ chức tại TP Hồ Chí Minh cách đây mấy năm. Vì vậy, ông Kỳ đề nghị cần có chương trình cụ thể nghiên cứu về khả năng cung cấp, phát triển của ẩm thực Việt Nam để từ đó xây dựng thương hiệu cho ngành du lịch theo lời khuyên của các chuyên gia.

Người xưa có câu: "Món ngon nhớ lâu". Du khách quốc tế vào tham quan, du lịch nước ta ngoài việc thưởng ngoạn những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, còn muốn thưởng thức các món ăn đặc sản mà họ chỉ tìm thấy ở Việt Nam chứ không phải ở các quốc gia khác. Chính những hương vị độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách để mỗi khi nhớ đến Việt Nam, họ như thấy hương vị ấy vẫn còn thấm đượm ngọt ngào trong ký ức. Đây là một trong những cách níu kéo họ sẽ trở lại với Việt Nam.

Tất nhiên, để có được những món ăn đặc biệt như thế, chúng ta phải có một cách làm bài bản, chuyên nghiệp trong việc quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua nhiều kênh như: Xây dựng các khách sạn, nhà hàng chuyên làm các món đặc sản dân tộc và phát triển các tua du lịch ẩm thực chuyên biệt dành cho du khách nước ngoài; phát huy vai trò của cộng đồng Việt kiều trong việc tuyên truyền, phổ biến món ăn dân tộc đối với dân cư nước sở tại; tăng cường tổ chức các lễ hội ẩm thực Việt Nam ở các thị trường du lịch có số lượng du khách đến tham quan nước ta ngày càng đông như các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Nga và các nước Bắc Mỹ...

Vì vậy, cùng với quan tâm xây dựng các sản phẩm chính của du lịch Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp du lịch và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần sớm có kế hoạch, chương trình cụ thể để "phát triển mạnh du lịch ẩm thực" như sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bài và ảnh: THIỆN VĂN

chuyên gia quốc tế chính phủ du khách tổng giám đốc văn hoá phát triển việt nam du lịch sản phẩm thương hiệu ẩm thực hội nhập quốc tế gia khách du lịch thế giới thủ tướng doanh nghiệp xây dựng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...