Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Giá đô la Mỹ tăng do tâm lý

bão nền kinh tế doanh nghiệp tổng giám đốc kinh tế ngân hàng hội đồng quản trị nhà nước gia ổn định thị trường

(TBKTSG Online) - Trong những ngày gần đây giá ngoại tệ liên tục biến động, sau hơn một năm luôn ổn định dưới mức 20.900 đồng. Theo những người trong ngành ngân hàng, một trong những lý do khiến giá đô la Mỹ tăng là do phản ứng tâm lý của thị trường.

Thanh Thương

Giá đô la Mỹ tăng lại sau một thời gian ổn định. Ảnh: TL.

>> Giá vàng, ngoại tệ biến động

Trong những ngày đầu xuân Quý Tỵ, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do biến động mạnh, có khi đã lên đến 21.200 đồng/đô la Mỹ, giá giảm xuống vào hôm đầu tuần (18-2) còn 20.800 đồng, nhưng đã tăng lại vào hôm nay, giá bán ra một đô la Mỹ là khoảng 21.130 đồng. Chủ cửa hàng Mai Vân, trên đường Nguyễn An Ninh, quận 1, TPHCM cho biết nguồn đô la Mỹ giờ khó kiếm, trong khi nhu cầu tăng lên mạnh từ sau tết khiến giá tăng.

Giá đô la Mỹ tại các ngân hàng cũng rục rịch tăng từ hôm qua, và hôm nay (20-2) các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tăng giá đồng bạc xanh. Đến cuối chiều, Eximbank đang bán 1 đô la Mỹ với giá 20.940 đồng, tăng khoảng 50 đồng so với hôm qua, và tăng khoảng 70 đồng so với ngày 18-2.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng tại TPHCM, thì giá đô la nhích lên là do tâm lý. Những bàn thảo xung quanh việc có nên phá giá đồng nội tệ hay không đã tác động đến thị trường và nhiều ý kiến cho rằng dưới các áp lực đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xem xét. Nhưng ông cho rằng trong thời điểm này, NHNN sẽ chọn các mục tiêu lớn hơn là việc hỗ trợ xuất khẩu, nhất là trong thời điểm các tháng đầu năm khi lạm phát tăng cao.

Ông này cũng cho biết cung cầu ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại hiện không có bất ổn; nhu cầu vay, mua ngoại tệ của doanh nghiệp không nhiều khi chỉ mới nghỉ tết xong. "Việc biến động này vì thế sẽ không kéo dài lâu", vị này khẳng định.

Còn phía cơ quan quả lý điều hành, lãnh đạo NHNN cũng cho rằng tỷ giá vừa rục rịch chuyển động trong các ngày sau tết là do phản ứng tâm lý của thị trường khi nhiều chuyên gia nói đến chuyện cần phá giá tiền đồng. Trên thực tế khả năng biến động mạnh của tỷ giá là khó vì nguồn cung ngoại tệ hiện rất dồi dào, và khi cần, NHNN có thể can thiệp thị trường. Trong thời gian gần đây, cơ quan này đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ, giúp cho dự trữ ngoại hối tăng cao. Đồng thời, quan điểm điều hành tỷ giá vẫn là thận trọng, vì mục tiêu chính của năm nay vẫn là kiềm chế lạm phát. Vị này cũng cho rằng không có chuyện gom đô la Mỹ ngoài thị trường tự do để nhập lậu vàng vì nếu có, cơ quan này đã được báo cáo. Thị trường vàng và ngoại tệ biến động cùng lúc nhưng không chịu tác động lẫn nhau như các năm trước.

Nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online,chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng vẫn nên để tỷ giá tăng khoảng 4% trong năm 2013. Đây là một trong những mục tiêu giúp cho xuất khẩu tăng được năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tỷ giá khi ở yên một chỗ quá lâu sẽ khiến cho khả năng phá giá một lần ở biên độ lớn dễ xảy ra. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp bị động và nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại bỏ vốn.

Theo ông Nghĩa, việc nới tỷ giá không cần làm ngay mà nên theo dõi diễn biến của lạm phát, nếu tăng không nhiều thì Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét nới tỷ giá từng bước. "Tôi nghĩ rằng nên đợi có con số CPI của hết quí 1 rồi tính toán việc điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp", ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, quan điểm của Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước có chút khác biệt. Ông Phước cho rằng tỷ giá tăng nhiều trong năm nay không có lợi. Theo ông Phước, NHNN sẽ quan tâm quy luật cộng hưởng giữa tỷ giá hối đoái và lạm phát. Nếu năm nay kinh tế từng bước phục hồi thì cầu nhập khẩu sẽ tăng lên. Có dự báo kim ngạch nhập khẩu năm nay trên 130 tỉ đô la Mỹ. Nếu tỷ giá tăng thì lạm phát sẽ bị ảnh hưởng. Và khi lạm phát không được kiềm chế tốt sẽ tác động ngược lại, buộc tỷ giá phải tăng lên.

Ông Phước nói nghĩa vụ nợ đến hạn của quốc gia cũng là một chủ đề cần tính toán kỹ khi xem xét tỷ giá... "Năm nay tỷ giá sẽ biến động theo chiều tăng, chỉ từ 2-3%", ông Phước dự báo.

Trong lần trao đổi vào cuối năm 2012, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết nhà nước sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt theo từng thời kỳ, nhưng không để biến động mạnh vì nó sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, mà rõ ràng nhất là hiện tượng người dân, doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, dẫn đến đô la hóa nền kinh tế, đồng thời tỷ giá bất ổn gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đưa ra kế hoạch kinh doanh. Và ông Hưng cho rằng với nguồn cung ngoại tệ lớn như hiện tại, không những tỷ giá ổn định trong 2013 mà có khi còn giảm nhẹ so với năm trước.

kinh tế bão ngân hàng ổn định nền kinh tế doanh nghiệp hội đồng quản trị thị trường nhà nước gia tổng giám đốc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...