điện ảnh việt nam tuyên truyền gia xuất sắc
Nhận 3 giải thưởng cùng lúc (biên kịch xuất sắc nhất, đạo diễn xuất sắc nhất và phim truyền hình xuất sắc nhất) tại đêm trao giải của Hội Điện ảnh Việt Nam vừa qua, bộ phim "Thái sư Trần Thủ Độ" (Hãng phim truyện 1) vẫn khiến nhiều khán giả băn khoăn bởi phim chưa hề được công chiếu tới khán giả. Đạo diễn Đào Duy Phúc đã có cuộc trò chuyện với báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này, đồng thời chia sẻ những tâm tư nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành điện ảnh.
Cảnh trong phim Thái sư Trần Thủ Độ
Thưa ông, giải thưởng Cánh diều vàng (CDV) của Hội Điện ảnh đã khép lại với những bộ phim được vinh danh xứng đáng. Dẫu vậy, khán giả vẫn thắc mắc về những bộ phim chưa từng được công chiếu, cụ thể là bộ phim truyền hình "Thái sư Trần Thủ Độ" do ông đạo diễn?
Đạo diễn Đào Duy Phúc: Mỗi cuộc thi có những tiêu chí, điều lệ riêng. Giải CDV của Hội Điện ảnh Việt Nam không phải là Liên hoan Truyền hình toàn quốc.
Được khởi quay từ năm 2009, với số tiền đầu tư không ít, "Thái sư Trần Thủ Độ" là bộ phim lẽ ra được trình chiếu nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhưng bộ phim đã không được giới thiệu tới khán giả như đã định. Có nhiều ý kiến cho rằng, một phần lý do phim chưa được chiếu là do phim sử dụng những cảnh quay tại trường quay Hoành Điếm. Nhưng có lẽ lý do này không thuyết phục, vì nếu như vậy, tại sao phim lại đoạt giải CDV. Quan điểm của ông về điều này thế nào?
Như tôi được biết, lý do phim chưa được chiếu là vì lịch lên sóng của các Đài truyền hình lớn đều kín từ trước, các đài đã xếp lịch từ 6 - 12 tháng và ký hợp đồng với các đối tác với điều khoản chặt chẽ về thời gian lẫn xử phạt nếu các bên không thực hiện đúng. Vì vậy nếu muốn phim lên sóng, dù là phim lịch sử thì cũng cần tuân theo các bước đúng thủ tục của các nhà đài.
Đúng là trong phim có một số cảnh quay bên Hoành Điếm, nhưng tất cả các nghệ sĩ và nhà sản xuất có đủ nhận thức với kinh nghiệm nghề nghiệp và đã tính toán rất kỹ cách lồng ghép sao cho khi lên hình ảnh tạo hiệu quả thuyết phục. Bối cảnh nào ở Việt Nam ngày nay không có, hoặc không thuận lợi cho sản xuất phim thì mới phải thuê trường quay Hoành Điếm, sửa sang theo đúng kiến trúc truyền thống Việt Nam, để chủ động thực hiện cảnh quay.
Ngoài những hạn chế về mặt trường quay, theo ông hiện chúng ta còn có những khó khăn nào trong việc thực hiện những bộ phim về đề tài lịch sử tại Việt Nam?
Nếu câu hỏi là "những" thì sẽ phải nói rất rất nhiều. Tôi chỉ nói đến điều đầu tiên, đó là kinh phí. 45 phút của một bộ phim lịch sử mà ta không có bối cảnh trường quay chuyên nghiệp (có thể tự do sửa chữa, thậm chí đập phá, đốt cháy), không có phục trang, không có đạo cụ thì đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn. Vì vậy, dù rất nhiều nhân vật hay, rất nhiều câu chuyện cực kỳ hấp dẫn trong lịch sử, nhưng không nhiều nhà sản xuất tư nhân có đủ sự say mê và liều lĩnh với dòng phim lịch sử này.
Đối tượng mà phim ảnh hướng tới là khán giả, điều này thì ai cũng biết. Nhưng làm được như vậy, có lẽ còn nhiều điều phải bàn. Vì có một thực tế lâu nay, nhiều phim được sản xuất theo đơn đặt hàng thường bị mang tiếng là chỉ để "lưu kho"?
Trước khi nói về điều này, cũng cần hiểu rộng hơn về giá trị của tuyên truyền. Hiện nay nói về rạp, đa số mọi người đều nghĩ đến hệ thống rạp trong mấy thành phố lớn với khán giả là những người có điều kiện, nhưng còn hàng chục triệu khán giả ở các tỉnh thành, vùng sâu, vùng xa vẫn luôn được xem các phim đặt hàng, với nhiều giá trị văn hóa và ý nghĩa nhân văn chứ không phải "lưu kho" như nhiều người vẫn nghĩ.
Việc chen chân vào các rạp của các doanh nghiệp lớn hiện nay là những bài toán khá phức tạp, với mục đích chính là phim giải trí và phải đạt doanh thu cao. Trong khi phim đặt hàng vừa thiếu kinh phí tiếp thị, vừa thiếu chiến lược quảng bá chuyên nghiệp, vừa có mục đích chính là tuyên truyền hướng tới khán giả trên cả 63 tỉnh thành, với hệ thống rạp chiếu nhà nước và các đội chiếu phim lưu động. Phục vụ ý nghĩa chính trị thì không thể đo đếm được bằng cuống vé.
Thưa ông, nhìn từ giải thưởng CDV, với những thực tế từ chất lượng phim tham dự giải, không thể không liên tưởng tới diện mạo của điện ảnh nước nhà, nhất là khi ngành điện ảnh đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập?
Điện ảnh Việt Nam vẫn đang tiến lên từng bước theo quy luật, xu thế và khả năng của toàn xã hội. Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp, và nó liên quan đến hầu hết các ngành nghề trong xã hội. Muốn điện ảnh có vị thế cao thì mỗi ngành nghề, lĩnh vực hãy là những đỉnh cao trong nước hay trong khu vực.
Cá nhân tôi thấy điện ảnh Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc, chỉ vài năm nữa sẽ có những cuộc chuyển mình rõ rệt từ các nhà biên kịch, đạo diễn lẫn nhà sản xuất để hội nhập hơn. Phim dòng giải trí sẽ đậm đà hơn, phim dòng nghệ thuật, tuyên truyền sẽ hấp dẫn hơn. Xu thế đó là tất yếu, và nó đang rất gần...
Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Lê (thực hiện)
gia xuất sắc tuyên truyền điện ảnh việt nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét